23/11/2024

Những chiêu trò bán, trao giải thưởng, danh hiệu giả trên thế giới

Những chiêu trò bán, trao giải thưởng, danh hiệu giả trên thế giới

Báo chí thế giới từng phanh phui những chiêu trò của một số doanh nghiệp hay thậm chí là những thành phần lừa đảo tổ chức bán và trao giải thưởng, danh hiệu giả để kiếm tiền.

 

 

“Tự quảng cáo để bán nhiều giải thưởng giả”

Theo một cuộc điều tra của báo The Times được đăng vào ngày 24.7.2017, các doanh nhân Ukraine khi đó sử dụng danh tiếng học thuật của Đại học Oxford (Anh) để bán các giải thưởng và danh hiệu giả trị giá hàng triệu bảng Anh. Theo bài báo, Hội đồng Doanh nghiệp Châu Âu (EBA), có văn phòng ở Ukraine và thành phố Oxford (Anh), tự quảng cáo tổ chức này là một viện của Đại học Oxford để bán nhiều giải thưởng giả, như “Giải thưởng Tưởng niệm Nữ hoàng Victoria” với giá lên tới 9.300 bảng (hơn 266 triệu đồng).

Trong quảng cáo của mình, EBA làm nổi bật các bức ảnh của các trường thuộc Đại học Oxford, sao chép kiểu chữ của đại học này và tuyên bố cung cấp quyền truy cập vào “các bài giảng độc quyền của Đại học Oxford”.

Tuy nhiên, EBA không có quan hệ chính thức với Đại học Oxford, theo The Times. Một cựu nhân viên của EBA nói với tờ The Times: “Chúng tôi bán ý tưởng rằng [người nhận] sẽ trở thành một phần của Đại học Oxford”.

Những chiêu trò bán, trao giải thưởng, danh hiệu giả trên thế giới - ảnh 1
Bất kỳ ai bày tỏ sự quan tâm đến việc nhận một giải thưởng sẽ được cung cấp một số lựa chọn chi phí, bao gồm “gói VIP” trị giá 9.300 bảng Anh, theo The Times vào tháng 7.2017  CHỤP MÀN HÌNH THE TIMES

EBA nhắm đến đối tượng là những người hoặc tập thể được cho là sẵn sàng chi tiền để nhận giải thưởng. Bất cứ ai bày tỏ sự quan tâm đều được thông báo rằng họ phải trả vài ngàn bảng Anh để đáp ứng chi phí hành chính của công ty và để có giấy phép 5 năm “sử dụng thương hiệu giải thưởng”, theo The Times.

Quá trình tiếp cận những người chiến thắng tiềm năng dường như là ngẫu nhiên. Một cựu nhân viên EBA khác đã kể với The Times về phản ứng đầy ngạc nhiên của một người khi được thông báo rằng thị trấn của người đó có thể giành được giải thưởng “thành phố tốt nhất”. Cựu nhân viên này còn nói: “Một [đại diện của] thị trấn đã quay lại và nói: “Tại sao bạn lại liên lạc với chúng tôi? Chúng tôi chỉ có 5.000 người và thậm chí không có ngành du lịch“”.

EBA tổ chức các buổi lễ sang trọng, với thảm đỏ và dàn nhạc cho những người chiến thắng tại các địa điểm được thuê ở thành phố Oxford và khắp châu Âu.

Tuy nhiên, theo The Times, mô hình kinh doanh của EBA thực sự không phải là bất hợp pháp, vì không có gì ngăn cản các công ty tiếp thị và bán “các giải thưởng phù phiếm” và EBA không có tuyên bố cụ thể nào về mối liên hệ của họ với Đại học Oxford. Một phát ngôn viên Đại học Oxford khi đó cho hay: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu không thuộc và cũng không có liên kết với Đại học Oxford. Chúng tôi không có bình luận gì thêm về công ty này”.

 

“Những giải thưởng để bán ở UAE”

Ngoài ra, vào tháng 11.2019, báo Gulf News đã đăng một bài viết đặc biệt sau khi có cuộc điều tra về các buổi dạ tiệc trao giải đã được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và phát hiện ra rằng hầu hết những giải thưởng đó đều là giả mạo. Những người được ca tụng là người chiến thắng thực tế là nạn nhân của những trò gian lận. Các buổi dạ tiệc trao giải như thế được điều hành bởi những kẻ lừa đảo, những kẻ đang săn lùng sự phù phiếm của nhiều người. “Đối với những người tổ chức các sự kiện đáng ngờ này, mục tiêu chưa bao giờ công nhận sự xuất sắc mà là dụ dỗ những người tham gia hoặc người chiến thắng bỏ tiền ra”, Gulf News viết.

Trong bài viết, Gulf News cũng đã chỉ ra những chiêu trò của kẻ lừa đảo nhằm thu hút nhiều người và công ty tham giaTheo đóhọ sẽ tạo ra cảm giác cấp bách, cạnh tranh giả tạo giữa các công ty để khiến các doanh nghiệp này hào hứng với các giải thưởng. Những kẻ lừa đảo sẽ sử dụng những khẩu hiệu như “Nhanh lên, các đề cử sẽ kết thúc bất cứ lúc nào”, hay “Cơ hội cuối cùng để gửi bài dự thi”, và còn nói rằng các đối thủ cạnh tranh đã tham gia cuộc thi. “Sự thật là không có cuộc thi hay quy trình đánh giá thực sự nào. Những giải thưởng vô nghĩa chỉ đơn giản được trao cho bất kỳ ai sẵn sàng trả tiền. Giá yêu cầu dao động từ 5.000 AED (hơn 32 triệu đồng) đến 30.000 AED. Một số cá nhân và công ty thừa nhận họ đã trả tiền vì sợ đối thủ cạnh tranh của họ giành được giải thưởng”, Gulf News viết.

Trong đó có một người được trao giải, điều hành một tiệm bánh ở thành phố Lucknow (Ấn Độ), cho hay ông đã bỏ ra 300.000 Rupee (hơn 86 triệu đồng) cho một giải thưởng xuất sắc. “Một người đại diện đã thuyết phục tôi tham gia giải thưởng. Ông ấy cho tôi biết tên của ba doanh nhân Lucknow đã đăng ký tham gia. Tôi không muốn bị tụt hậu. Ban tổ chức đã đưa tôi đến Dubai và đưa tôi vào một khách sạn đẹp gần Burj Khalifa. Tôi cũng nhận được một chiếc cúp và một bức ảnh chính mình được một diễn viên Bollywood ca tụng. Thật là một ý kiến ​​hay. Tôi đã không làm bất cứ điều gì xứng đáng với giải thưởng, nhưng bằng cách đó, không có bất kỳ người nhận nào khác”, vị doanh nhân trên lập luận.

Ngoài ra, một công ty bán lẻ lớn ở UAE cho hay công ty đã được chào mời nhận giải thưởng tại lễ trao giải khu vực ở Dubai với điều kiện họ quyên góp 8.000 USD (hơn 189 triệu đồng) tiền tài trợ. “Chúng tôi tự đề cử mình cho hai giải thưởng riêng biệt – Nhà tuyển dụng tốt nhất và Nhân tài xuất sắc nhất. Tuy nhiên, vài ngày trước khi sự kiện diễn ra, ban tổ chức đã gọi cho chúng tôi và nói rằng chúng tôi sẽ được đảm bảo một vé cho giải thưởng “Nhà tuyển dụng tốt nhất” và sẽ lọt vào danh sách năm người hàng đầu cho giải “Quản lý Nhân tài” nếu chúng tôi tài trợ 8.000 USD. Sau đó, chúng tôi phát hiện ra tất cả những người được nhận giải thưởng thật ra đều đã tài trợ tiền”, vị giám đốc nhân sự của công ty trên kể lại với Gulf News.

 

Chính phủ Malaysia hành động

Gần đây, vào tháng 7.2022, tiến sĩ Wan Junaidi Tuanku Jaafar, bộ trưởng phụ trách các vấn đề về nghị viện và pháp luật, Văn phòng Thủ tướng Malaysia, cho hay chính phủ nước này sẽ sẵn sàng hành động chống lại những người lạm dụng các danh hiệu, giải thưởng giả mạo và không được công nhận trong việc tổ chức các hoạt động và sự kiện, theo báo The Star.

Bộ trưởng Wan Junaidi Tuanku Jaafar cho biết thêm những hành vi phạm tội như trên có thể bị buộc tội theo Đạo luật Vi phạm liên quan đến Giải thưởng (Đạo luật 787), có thể bị phạt tiền lên đến 500.000 RM (hơn 2,6 tỉ đồng) và bị xử tù lên đến 20 năm.

“Một số người tin rằng bằng cách sử dụng danh hiệu giả, họ sẽ có thể thuyết phục và đánh lừa công chúng rằng họ có địa vị và uy tín nhất định trong cộng đồng. Điều đáng lo ngại hơn là những người này lạm dụng các danh hiệu như thế cho các trường hợp liên quan đến gian lận và các tội phạm khác”, Bộ trưởng Wan Junaidi Tuanku Jaafar cảnh báo.

 

VĂN KHOA

TNO