23/12/2024

Đề kiểm tra môn văn: Thay đổi nhưng cũng phải… từ từ ?

Đề kiểm tra môn văn: Thay đổi nhưng cũng phải… từ từ ?

Nhiều ý kiến cho rằng dù học sinh lớp 10 học theo chương trình mới nhưng 9 năm qua các em vẫn học và kiểm tra theo cách cũ, do vậy không nên thay đổi đề thi theo hướng gây sốc, đánh đố.

 

 

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng cần sớm “minh họa” về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Giáo viên cũng lúng túng

Theo ghi nhận, cách ra đề kiểm tra môn ngữ văn theo hướng đổi mới chưa được thực hiện đồng bộ tại các trường học mà vẫn kiểu “mỗi trường một phách”. Có trường trong đề thi gồm một phần trắc nghiệm, có trường lại ra đề theo hướng 100% tự luận; có trường sử dụng ngữ liệu mới, có trường vẫn dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) hay chỉ sử dụng một phần ngữ liệu mới.

Đề kiểm tra môn văn: Thay đổi nhưng cũng phải... từ từ ? - ảnh 1
Học sinh lớp 10 đang trong giai đoạn kiểm tra cuối kỳ 1 với nhiều thay đổi trong cách ra đề thi môn ngữ văn ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhiều giáo viên (GV) dạy ngữ văn rất lúng túng với chương trình mới, nhất là lớp 10. Đề kiểm tra giữa kỳ 1 được trường thực hiện theo hướng mở, kết quả là rất nhiều học sinh (HS) đạt điểm thấp. Việc đổi mới giảng dạy theo hướng trang bị kỹ năng cho người học không khó nhưng để HS vận dụng kỹ năng đã học vào một văn bản hoàn toàn mới, thậm chí mới nghe, đọc lần đầu thì quả không dễ dàng.

Bà Phạm Hà Thanh, GV dạy ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.Hà Đông, Hà Nội), cho biết những lúng túng là không thể tránh khỏi với cả cô và trò. Dù những năm gần đây, đề thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT ở phần 1 đọc hiểu cũng đã đưa vào ngữ liệu ngoài SGK vào đề thi, nhưng nay phải áp dụng cho toàn bộ đề thi sẽ không tránh khỏi hoang mang. Hiện nay, các trường chưa có hướng dẫn cụ thể mà chỉ bám vào chỉ đạo của Bộ GD-ĐT để ra đề nên chủ yếu vẫn tự mày mò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

 

Phải chấp nhận sự ngô nghê, bỡ ngỡ của HS

Theo bà Thanh, ở kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1, khi đề môn ngữ văn được ra hoàn toàn không có ngữ liệu trong SGK, GV khi chấm cũng phải chấp nhận những bài viết, những cảm nhận ngô nghê, thậm chí là lạc đề của HS và không thể đòi hỏi HS phải viết trơn tru như khi các em viết về những tác phẩm đã được ôn luyện nhiều, có nhiều bài văn mẫu để tiếp cận như trước. Những bài viết mang tính phát hiện, sáng tạo là rất hiếm hoi. Điều này cũng dễ hiểu khi 9 năm trước các em vẫn học chương trình cũ, quen với cách kiểm tra, thi cử cũ, không thể thay đổi ngay được. “Ngay cả GV chúng tôi khi tiếp cận tác phẩm mới cũng cần phải có thời gian để đọc, tìm hiểu bối cảnh ra đời, suy ngẫm thì mới cảm nhận sâu sắc được nên không thể đòi hỏi điều tương tự ở HS. Do vậy, GV không thể áp đặt cách đánh giá khắt khe trong quá trình chấm bài theo cách ra đề mới”, bà Thanh nói.

Đề kiểm tra môn văn: Thay đổi nhưng cũng phải... từ từ ? - ảnh 2
Một đề kiểm tra ngữ văn không có phần nghị luận văn học như mọi khi QUANG ĐỘ

Đổi mới từ từ, không gây sốc

Để tránh HS bỡ ngỡ, bà Phạm Hà Thanh cho biết chỉ yêu cầu HS viết tối đa 500 từ trong phần cảm nhận về ngữ liệu ngoài SGK, tránh để HS quá tải do phải viết quá dài hoặc nghĩ rằng đề thi mang tính đánh đố.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cũng cho biết trường mới kết thúc kỳ kiểm tra học kỳ 1. Với đề môn ngữ văn, do sự thay đổi lớn nhất nên trước kỳ kiểm tra tổ GV ngữ văn của trường đã đưa ra đề minh họa nhằm giúp HS không bất ngờ. Tuy nhiên, bà Quỳnh cũng nhìn nhận, HS lớp 10 dù học theo chương trình mới nhưng 9 năm qua các em vẫn học chương trình cũ, do vậy nói là đổi mới nhưng cũng phải từ từ, không thể thay đổi khiến HS bất ngờ, gây khó khăn cho các em được.

Ngay cả GV chúng tôi khi tiếp cận tác phẩm mới cũng cần phải có thời gian để đọc, tìm hiểu bối cảnh ra đời, suy ngẫm thì mới cảm nhận sâu sắc được nên không thể đòi hỏi điều tương tự ở HS. Do vậy, GV không thể áp đặt cách đánh giá khắt khe trong quá trình chấm bài theo cách ra đề mới.

Bà PHẠM HÀ THANH (GV Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.Hà Đông, Hà Nội)

Bà Phạm Hà Thanh cho biết vì đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tuyển sinh vào các trường ĐH thiết kế theo hướng trắc nghiệm kết hợp tự luận nên hiện nay cũng có xu hướng đưa một phần trắc nghiệm vào đề môn ngữ văn. Như đã nói, do GV tự mày mò mà chưa có đề mẫu nào của Bộ GD-ĐT nên hiện đề kiểm tra của trường đưa vào khoảng 15% là trắc nghiệm nhưng vẫn băn khoăn không biết “liều lượng” bao nhiêu là phù hợp.

Đề kiểm tra môn văn: Thay đổi nhưng cũng phải... từ từ ? - ảnh 3
Một đề kiểm tra ngữ văn cuối kỳ 1 được cho là quá dài PHỤ HUYNH CUNG CẤP

Bộ cần “minh họa” đề thi tốt nghiệp THPT 2025

Trước thực tế này, bà Phạm Hà Thanh chia sẻ, GV hiện nay rất mong Bộ GD-ĐT sớm công bố cách thức ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025, năm đầu tiên HS học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Việc chỉ đạo về đổi mới cách ra đề kiểm tra, đánh giá với môn ngữ văn cũng cần có hướng dẫn cụ thể để tránh mỗi trường, mỗi địa phương làm một kiểu như hiện nay.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh nói rõ thêm: “Ví dụ, Bộ chỉ đạo là tránh đưa ngữ liệu SGK vào đề kiểm tra thì đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ sẽ không đưa ngữ liệu SGK vào hay chỉ “hạn chế” hoặc “tránh”?”…

Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng cho biết hiện các trường vừa triển khai dạy học vừa nghe ngóng Bộ GD-ĐT sẽ thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT ra sao, kiểm tra đánh giá năng lực theo hướng nào.

 

Cần cẩn trọng khi ra đề kiểm tra trắc nghiệm môn văn

Ông Nguyễn Văn Lự, GV Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), cho rằng cần cẩn trọng khi ra đề kiểm tra trắc nghiệm với môn ngữ văn. Hiện nay, một số trường ĐH tuyển sinh tự nguyện đánh giá năng lực và tư duy bằng hình thức trắc nghiệm, trong đó có phần kiểm tra năng lực cơ bản về tiếng Việt của thí sinh.

Môn ngữ văn đặc thù, một số khái niệm và ngữ nghĩa của từ khóa câu hỏi và đáp án có ranh giới mờ, khó xác định được đúng sai, nên khó thống nhất trong giám khảo dẫn đến tranh cãi không hồi kết. Nếu dùng câu hỏi dễ hoặc ma trận gây nhiễu ít, HS sẽ làm đúng hết, điểm bài không phân hóa được năng lực người học và ngược lại.

Ông Lự chia sẻ: “Khi giảng dạy, tôi thường dùng đề mở và gợi dẫn nhẹ nhàng, từng bước giúp trò làm quen việc đọc và viết theo cách hiểu của các em; từng bước đưa trò vào hoạt động sáng tạo nói và viết, từng bước giúp trò thoát khỏi tâm lý e ngại không biết viết, không dám viết vì chưa từng tự viết văn bao giờ. Ví dụ: “Anh, chị thích nhất câu thơ/hình ảnh thơ/chi tiết/nhân vật nào trong tác phẩm ABC? Tại sao?”, hoặc viết đoạn nghị luận xã hội khoảng 10 – 15 dòng (100 từ) về đề tài quen thuộc. Mục đích là khơi gợi cho trò cảm hứng gần gũi, dễ hiểu để viết thành câu, thành đoạn và HS không cần phải sưu tầm, học thuộc các câu nói của các vĩ nhân hay học thuộc văn mẫu. Với tôi, trắc nghiệm chỉ dùng cho HS ôn tập, luyện tập còn kiểm tra lấy điểm thì không”.

Ông Nguyễn Văn Lự, GV Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), bày tỏ hy vọng đề ngữ văn trong kỳ thi năm 2025 sẽ theo hướng mở, chỉ nêu đề tài và viết bài luận khoảng 600 – 800 từ như một số quốc gia đang làm. Thầy cô giáo dạy ngữ văn rất mong, trong thời gian sớm nhất, Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn thống nhất hình thức kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn, đặc biệt là phương thức thi vào năm 2025.

Ông Lự cho rằng với môn ngữ văn, dù kiểm tra, đánh giá theo hình thức nào cũng đều phải bảo đảm nguyên tắc HS được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic, những suy nghĩ và tình cảm của mình, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo. HS cần được hướng dẫn tìm hiểu để có thể nắm vững mục tiêu, phương pháp và hệ thống các tiêu chí dùng để đánh giá các phẩm chất, năng lực này. Kiểm tra viết hoặc hỏi đáp, thuyết trình buộc HS phải tư duy, chọn lựa tri thức và kỹ năng tiếng Việt để trình bày (viết hoặc nói) ý và thái độ, cảm xúc. Việc coi thi nghiêm túc, tiến tới loại bỏ văn mẫu bằng những câu hỏi sáng tạo, không cần dùng tài liệu sẽ từng bước hình thành năng lực HS tự nói và viết theo gợi ý của thầy cô.

 

TUỆ NGUYỄN

TNO