Việt Nam – Indonesia hội tụ lợi ích chiến lược
Việt Nam – Indonesia hội tụ lợi ích chiến lược
Chiều tối 21-12, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đáp xuống sân bay Soekarno-Hatta tại thủ đô Jakarta, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Indonesia trong ba ngày.
Indonesia là thành viên duy nhất của ASEAN nằm trong Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), trong khi vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao ở khu vực và toàn cầu. Do đó chuyến thăm được kỳ vọng mang lại nhiều kết quả thực chất trên nhiều lĩnh vực. Nói như Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông, hai nước có nhiều lợi ích tương đồng và sự hội tụ các lợi ích chiến lược.
Nhân dịp này, Tuổi Trẻ phỏng vấn ông CALVIN KHOE, đồng giám đốc phòng Nghiên cứu và Phân tích của Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia (FPCI) – một trung tâm nghiên cứu và phân tích chính trị uy tín ở Indonesia.
Việt Nam được dự đoán sẽ vượt Thái Lan (về kinh tế) trong một thời gian không lâu nữa, do đó việc phát triển mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Indonesia – gã khổng lồ ASEAN và thành viên G20 – là điều rất quan trọng.
Karim Raslan (cây bút bình luận về Đông Nam Á) nói với Tuổi Trẻ.
Hợp tác “kiên cường”
* Là chuyên gia theo dõi sát quan hệ Việt Nam – Indonesia, ông mong đợi gì từ chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc?
– Chuyến thăm là cột mốc củng cố quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia. Hai nước gần đây thường xuyên trao đổi cấp cao. Tháng 11-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ở Campuchia. Trước đó, tháng 8-2022 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joko Widodo điện đàm. Ngoài ra, hai bên còn trao đổi thường xuyên ở cấp bộ trưởng và quốc hội.
Tôi mong đợi nội dung tuyên bố chung giữa hai lãnh đạo và cập nhật kế hoạch hành động, chờ xem những ý tưởng mới hợp tác chẳng hạn về biến đổi khí hậu và kinh tế số.
Ngoài các vấn đề song phương, tôi tin cuộc gặp lần này là động lực rất tốt để lãnh đạo hai nước cùng bàn giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu như khủng hoảng Myanmar, Biển Đông và xung đột Nga – Ukraine.
* Còn về tiềm năng hợp tác thương mại đầu tư, nhất là mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỉ USD vào năm 2028?
– Trong khu vực ASEAN, Malaysia và Singapore là những quốc gia thương mại, trong khi Thái Lan, Indonesia và Việt Nam là những nước công nghiệp. Tôi nghĩ quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Indonesia là sự kết hợp tốt trong bối cảnh Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng và quan tâm mở rộng thị trường ở Indonesia.
Tôi phải dùng từ “kiên cường” khi nói về quan hệ thương mại Indonesia – Việt Nam. Thương mại song phương vẫn tăng trưởng ấn tượng, bất chấp việc hai nước chịu nhiều tổn thất nặng nề trong hơn hai năm dịch bệnh COVID-19.
Năm 2021, kim ngạch thương mại đạt 11,5 tỉ USD khi đại dịch vẫn phức tạp, vượt mục tiêu 10 tỉ USD hai nước đã cam kết. Tôi nghĩ chúng ta có một tương lai tươi sáng phía trước và tôi lạc quan hai bên sẽ đạt mục tiêu 15 tỉ USD vào năm 2028.
Bên cạnh đó, Việt Nam trong những năm qua đã thu hút hàng tỉ đô la Mỹ đầu tư nước ngoài. Đây cũng là điều mà tôi nghĩ Indonesia nên học hỏi. Indonesia đang đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới nhân kỷ niệm 100 năm lập quốc nên rất cần thu hút ngoại lực.
Về đầu tư, Việt Nam là điểm thu hút sự quan tâm của các công ty Indonesia. Nền kinh tế số của Việt Nam đang tăng trưởng tốt. Một người bạn của tôi, là phó chủ tịch một start-up đang mở rộng hoạt động tại ASEAN, cho biết Việt Nam là quốc gia thú vị để khám phá. Em trai tôi đang làm việc cho start-up tiket.com cho biết doanh nghiệp của mình cũng muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.
Về kinh tế, Việt Nam và Indonesia đang truyền cảm hứng cho nhau. Việc hai quốc gia cùng cởi mở với tự do thương mại cũng góp phần tăng thêm sự tự cường cho khu vực ASEAN.
Chia sẻ kinh nghiệm
* Ngoài những tương đồng về văn hóa và lịch sử, hai nước cũng tương đồng về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ. Nhưng chính sách này đang đối mặt nhiều thách thức, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn mạnh mẽ hiện nay ở khu vực?
– Theo quan sát của tôi, Việt Nam là một trong những quốc gia ASEAN xử lý quan hệ với Trung Quốc và Mỹ rất tốt. Việt Nam có một cách tiếp cận độc đáo mang tính chiến lược về cân bằng quan hệ với hai cường quốc này, có thể biến mối quan hệ từ xấu thành tốt.
Trung tâm nghiên cứu của tôi vừa thực hiện một cuộc khảo sát, trong đó 51% số người tham gia cho biết chúng tôi cần cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, nghĩa là chúng tôi phải tiếp tục duy trì quan hệ tốt với cả hai nước này. Do đó kinh nghiệm của Việt Nam trong việc cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ giúp Indonesia đối phó hiệu quả với chính trị cường quyền trong khu vực.
Lễ đón nghi thức cao nhất
Sáng nay (22-12), Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ chủ trì lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với nghi thức cao nhất. Hai nhà lãnh đạo sẽ tiến hành hội đàm và chứng kiến lễ ký kết văn kiện hợp tác của một số bộ ngành, sau đó sẽ gặp gỡ báo chí để thông tin về kết quả hội đàm.