24/12/2024

Làm việc trong lĩnh vực metro, học ngành nào?

Làm việc trong lĩnh vực metro, học ngành nào?

Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) TP.HCM được đưa vào chạy thử nghiệm sẽ là bước ngoặt quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ đưa toàn tuyến metro vào vận hành thương mại trong thời gian tới.

 

 

Vậy sinh viên (SV) theo học những ngành nào ra trường có thể làm việc liên quan đến lĩnh vực này?

Nhiều vị trí cần tuyển dụng

Tuyến metro số 1 là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được xây dựng ở TP.HCM. Đây cũng là lần đầu thành phố đưa vào đào tạo và tuyển dụng những ngành nghề được xem là mới xuất hiện ở VN. Nhưng trước đó nhiều năm, một số trường ĐH đã đón đầu đào tạo ngành liên quan đến metro phục vụ nhu cầu nhân lực tương lai.

Làm việc trong lĩnh vực metro, học ngành nào? - ảnh 1
Những học viên học lái tàu cho tuyến metro số 1 đầu tiên ở TP.HCM PHẠM HỮU

Bà Văn Thị Hữu Tâm, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1), cho biết khi tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên chính thức đi vào thương mại sẽ có nhiều vị trí việc làm được tạo ra. Bên cạnh các vị trí nhân sự văn phòng tại trụ sở chính, còn có 2 bộ phận công việc quan trọng là vận hành và bảo dưỡng.

Cụ thể, theo bà Tâm, trong số 377 vị trí thuộc bộ phận vận hành thì có 58 lái tàu hiện đã tuyển chọn và đang được đào tạo tại Trường CĐ Đường sắt. Bên cạnh đó, 19 nhân viên phụ trách công tác giám sát và điều khiển tàu. Nhân sự nhà ga 300 người gồm quản lý, nhân viên bán vé, nhân viên an toàn. Bộ phận bảo trì, bảo dưỡng khoảng 165 người gồm các vị trí: nhân sự kỹ thuật đầu máy toa xe, kỹ thuật đường ray, kỹ thuật điện, giám sát hệ thống thông tin – tín hiệu, công trình, kiến trúc…

“Ngoài ra, cũng như các công ty vận hành đường sắt đô thị trong khu vực và trên thế giới, các vị trí hỗ trợ khác như an ninh, dịch vụ vệ sinh… Công ty sẽ hợp đồng tuyển dụng với các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp”, bà Tâm nói.

 

Trường ĐH đào tạo nhân lực đón đầu

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tâm, Tổ trưởng bộ môn Đường sắt – Metro Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Ngành đường sắt nói chung và đường sắt đô thị (metro) nói riêng là một tổ hợp công nghiệp bao gồm nhiều ngành nghề trong đó bao gồm: xây dựng, cơ khí, điện – điều khiển, công nghệ thông tin, kinh tế, quản lý và vận hành”. Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng các ngành nghề đào tạo tại các trường ĐH phục vụ trực tiếp cho đường sắt đô thị chưa thực sự phát triển và đáp ứng yêu cầu thực tế, trừ một số ngành truyền thống như xây dựng, quản lý dự án nói chung. Vì vậy, theo tiến sĩ Tâm, nhân lực trình độ ĐH cho lĩnh vực mới này của VN để phục vụ vận hành khai thác còn thiếu trầm trọng, một số ngành thì đã được đào tạo, tuy nhiên nhiều ngành khác còn chưa được khởi động đào tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tâm cho biết hiện trường ĐH này đang đào tạo một số ngành liên quan tới metro. Trong đó, 2 chuyên ngành xây dựng đường sắt – metro và xây dựng công trình giao thông đô thị thuộc ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông của trường đã bắt đầu đào tạo từ năm 2008 (30 SV tốt nghiệp mỗi năm). SV sau khi tốt nghiệp có thể tham gia thiết kế, thi công, giám sát, quản lý dự án xây dựng trong giai đoạn xây dựng. Ngoài ra, SV có thể tham gia công tác duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn vận hành metro sau này. Chuyên ngành hệ thống điện giao thông thuộc ngành kỹ thuật điện được mở đào tạo từ năm 2018 với số lượng gần 40 SV/lớp. SV sau khi tốt nghiệp có thể tham gia lắp đặt hệ thống điện metro trong giai đoạn xây lắp và vận hành hệ thống điện khi đi vào vận hành.

Cũng theo tiến sĩ Tâm, một số ngành được đào tạo đặc trưng của trường liên quan tới giao thông khác, SV cũng có thể tham gia công tác quản lý xây dựng, vận hành như: kinh tế vận tải, kinh tế xây dựng, quản lý dự án, công nghệ thông tin…

Ông Hồ Xuân Ba, Trưởng bộ môn Cầu hầm và Metro Phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải tại TP.HCM, cũng cho biết cách đây 15 năm trường đã có SV khóa đầu tiên tốt nghiệp chuyên ngành đường hầm và metro (ngành kỹ thuật công trình giao thông). Ngoài ra, SV tốt nghiệp 2 chuyên ngành giao thông thông minh và trang thiết bị điện của Khoa Điện – Điện tử của trường cũng có thể làm việc liên quan đến hệ thống metro khi chính thức vận hành.

Khu vực phía bắc, Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải cũng đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng đường sắt và metro. Thông tin được chia sẻ từ trường ĐH này, người tốt nghiệp ngành đường sắt metro có thể nhận lương từ 8 – 20 triệu đồng/tháng tùy thuộc vị trí công việc.

Làm việc trong lĩnh vực metro, học ngành nào? - ảnh 2
Hôm qua (21.12), đoàn tàu metro gồm 3 toa thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) lần đầu tiên chạy thử từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thái NGUYÊN ANH

Sinh viên cần trang bị những gì?

Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Tâm, đường sắt đô thị là lĩnh vực mới nên trong thời kỳ đầu phần lớn các công việc từ xây dựng tới vận hành khai thác sẽ là các đối tác nước ngoài đóng vai trò chủ đạo, nhân sự trong nước sẽ tham gia với vai trò phụ để học và chuyển giao các công nghệ. Vì vậy, SV cần trang bị cho mình tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh chuyên ngành và các kỹ năng về giao tiếp, cũng như tác phong làm việc chuyên nghiệp. Ngoài ra, SV cần rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, khả năng thích nghi nhanh với môi trường làm việc đa ngôn ngữ, đa văn hóa.

 

Những ngành học phục vụ lĩnh vực metro

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương cho rằng bạn trẻ có nhiều lựa chọn ngành học và trình độ đào tạo khác nhau để tham gia các công việc thuộc lĩnh vực metro mà không phải chỉ nhất thiết có bằng ĐH.

Trực tiếp phục vụ trên tàu hoặc liên quan đến tàu có các công việc như: lái tàu, điều động. Các bộ phận phát hành/soát vé đối với các hệ thống bán tự động, nhân sự phụ trách về an toàn cho hành khách và ê kíp trên tàu liên quan lĩnh vực dịch vụ, logistics…

Nhân sự công nghệ thông tin cực kỳ quan trọng trong quản lý hệ thống bằng tin học, hệ thống vé, vạch tuyến…

Nhiều người vẫn nghĩ khi xây dựng và vận hành metro thì đội ngũ kỹ thuật như xây dựng, cơ điện tử, cơ khí, điện tử, ô tô… sẽ không còn quan trọng. Tuy nhiên, lực lượng này sẽ theo sát các công việc của metro không chỉ trong khâu ý tưởng, lên bản vẽ, tổ chức thi công, giám sát, nghiệm thu mà còn quan trọng trong quá trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng và đảm bảo an toàn, phòng tránh các rủi ro và xử lý các lỗi vận hành của hệ thống.

Việc trang bị các kiến thức tùy thuộc vào từng ngành sẽ có những đặc điểm riêng, ví dụ như chuyên ngành xây dựng đường sắt – metro hoặc xây dựng công trình giao thông đô thị, SV cần nắm chắc các kiến thức nền tảng từ đại cương, cơ sở ngành, từ đó có nền tảng để nắm bắt tốt các kiến thức về chuyên ngành. Hiện nay chương trình đào tạo được chú trọng trang bị cho người học các kiến thức nền tảng tốt, để từ đó sau khi ra trường SV có thể tiếp cận được đa dạng ngành nghề trong lĩnh vực này.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Marketing và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng nếu xem metro là môi trường làm việc thì ở đó có rất nhiều công việc có liên quan từ trực tiếp đến gián tiếp. Ngoài lực lượng kỹ thuật trực tiếp tham gia vận hành hệ thống này thì để hình thành thói quen, văn hóa sử dụng phương tiện công cộng, phần nào cũng cần đội ngũ làm công tác thông tin – tuyên truyền. Cũng theo thạc sĩ Phương, có thể những bạn theo học truyền thông, quan hệ công chúng… đều có thể đảm trách được những công việc này. Và để có một đội ngũ nhân lực hùng hậu, quản lý tốt các công việc, ban hành đầy đủ các quy trình nghiệp vụ có liên quan, hệ thống hóa các công việc, quản trị tài chính – tài sản… cũng sẽ cần nhân lực từ các ngành quản trị nhân lực, kế toán – kiểm toán, tài chính…

“Tùy mô tả công việc và yêu cầu ở các vị trí khác nhau, các bạn trẻ có thể ứng tuyển làm việc tại metro. Trình độ chuyên môn ở đó cũng sẽ rất đa dạng từ trung cấp, CĐ đến bậc ĐH”, thạc sĩ Phương nói thêm.

 

HÀ ÁNH

TNO