26/01/2025

TP.HCM: Ít nhất phải hết học kỳ 1 mới có thể chuyển đổi môn tự chọn

TP.HCM: Ít nhất phải hết học kỳ 1 mới có thể chuyển đổi môn tự chọn

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, ít nhất học sinh phải học hết học kỳ 1 để đảm bảo các điều kiện về kiểm tra, đánh giá môn học rồi mới xem xét đến việc chuyển đổi môn tự chọn.

 

 

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD-ĐT có hướng dẫn: “Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD-ĐT”. Do vậy, việc thay đổi sẽ do nhà trường quyết định. Tuy nhiên, từng trường sẽ có kế hoạch tổ chức giảng dạy, xây dựng cơ cấu lớp, quy định sĩ số lớp, phân công giáo viên, cơ sở vật chất… nên sẽ có những hướng dẫn cụ thể. Phụ huynh và học sinh (HS) cần theo dõi các hướng dẫn của trường. Cũng theo ông Quốc, ít nhất HS phải học hết học kỳ 1 để đảm bảo các điều kiện về kiểm tra, đánh giá môn học rồi mới xem xét đến việc chuyển đổi môn tự chọn.

TP.HCM: Ít nhất phải hết học kỳ 1 mới có thể chuyển đổi môn tự chọn - ảnh 1

 

Học sinh lớp 10 Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)  KHOA LÂM

Thời điểm này, HS đã trải qua gần hết học kỳ 1 với việc học theo tổ hợp môn tự chọn. Theo ghi nhận từ các trường THPT, số HS có nhu cầu chuyển đổi môn học chưa trở thành “hiện tượng” nhưng các trường vẫn phải chuẩn bị kế hoạch để đáp ứng quyền lợi của HS.

Theo ông Tô Lâm Viễn Khoa, Hiệu phó Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh), trong tổng số 985 HS lớp 10 thì có 1 HS muốn chuyển từ môn địa lý sang môn sinh học do gia đình có định hướng HS du học ngành y. Nhà trường đã trao đổi với phụ huynh, và gia đình đã thực hiện cam kết HS có thể theo kịp chương trình học kỳ 2 dù không học môn này ở học kỳ 1.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Q.3), cho biết: “Nhà trường cũng lường trước tình huống có thể kết thúc học kỳ 1, khi có điểm kiểm tra các môn thì có thể HS có nhu cầu điều chỉnh. Vì vậy trường chuẩn bị kế hoạch để đáp ứng quyền lợi học tập của HS”. Ông Khoa cho hay, trước hết trường trao đổi, tư vấn một lần nữa với phụ huynh, nắm bắt nguyên nhân, lý do thực sự của việc chuyển đổi tổ hợp môn. “Tránh tình trạng cứ mỗi học kỳ lại có tâm lý thích thì chuyển, chuyển một cách vô tội vạ. Trường xác định cực cũng phải cho HS chuyển vì HS vui vẻ mới học được, tuy nhiên cũng cần có giới hạn. Trường sẽ trao đổi với phụ huynh thật nghiêm túc khi họ thay đổi chính lựa chọn của họ và con em so với trước đây”, ông Khoa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (Q.5), cho hay: “Có khoảng dưới 10 HS có khả năng xin chuyển đổi. Sau khi HS làm đơn, giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu lý do. Nếu lý do về hướng nghiệp thì động viên, phân tích cho HS theo hướng phù hợp, còn nếu HS muốn chuyển vì sức học thì sẽ có những động viên khác. Tuy nhiên, nếu phụ huynh và HS vẫn cương quyết thì trao đổi với phụ huynh và có những cam kết phối hợp với nhà trường, hỗ trợ, đồng hành trong việc bù đắp kiến thức cho HS”.

 

BÍCH THANH

TNO