Thị xã lên thành phố, 300 doanh nghiệp ‘vùng khó’ chết đứng vì bị cắt ưu đãi thuế
Thị xã lên thành phố, 300 doanh nghiệp ‘vùng khó’ chết đứng vì bị cắt ưu đãi thuế
Gần 300 doanh nghiệp ở TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) bị cắt toàn bộ ưu đãi thuế mà trước đó vẫn được hưởng theo chế độ vùng khó khăn, chỉ vì thị xã Gia Nghĩa được chuyển thành thành phố.
Bỗng dưng mất ưu đãi
Năm 2018, nhận thấy thị xã Gia Nghĩa có tiềm năng lại nằm trong khu vực địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nên có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp về thuế, anh Nguyễn Cao Lập đã thành lập Công ty TNHH cung ứng vật liệu xây dựng Việt Đức (phường Quảng Thành, TP Gia Nghĩa).
Theo đó, từ lúc thành lập đến năm 2021, cơ quan thuế vẫn cho doanh nghiệp của anh Lập được hưởng chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (trong 4 năm đầu).
Tuy nhiên đến năm 2022, doanh nghiệp bất ngờ nhận được thông báo đã chậm nộp thuế và phải đóng mức thuế cùng mức phạt chậm nộp hơn 200 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc các ưu đãi đầu tư của doanh nghiệp đã bị cắt, lại đúng vào bối cảnh doanh nghiệp vừa qua giai đoạn đại dịch, kinh doanh ngưng trệ.
“Năm 2021 công ty lỗ hơn 1,5 tỉ đồng. Nếu không được tiếp tục ưu đãi chúng tôi sẽ tính chuyển sang một địa phương lân cận hoặc sẽ phải thu hẹp đầu tư. Không được hưởng ưu đãi thuế ở một địa bàn như thế này thì gần như không thể nào tồn tại được”, anh Lập chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh, anh Nguyễn Văn Anh – giám đốc Công ty TNHH Gia Khang Đắk Nông (phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa) – cũng vô cùng bức xúc vì phải nộp thuế cùng số tiền chậm nộp thuế năm 2020 gần 60 triệu đồng trong khi 2 năm vừa qua công ty của anh lợi nhuận không cao.
Không chỉ có hai doanh nghiệp này, trên địa bàn TP Gia Nghĩa có hàng trăm doanh nghiệp mới thành lập khác cũng ở trong tình trạng tương tự đang lo lắng vì ưu đãi bị cắt đột ngột và bất hợp lý.
Trước đó, nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư 2014, tại phụ lục III – danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư quy định thị xã Gia nghĩa cùng với các huyện của tỉnh Đắk Nông thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo chính sách này, các doanh nghiệp thành lập mới được hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, 2 năm tiếp theo nộp thuế với mức thuế suất là 10%. Từ năm thứ 16 trở đi các doanh nghiệp mới phải nộp thuế với mức thuế suất là 20%.
Hiện toàn thành phố chỉ có hơn 900 doanh nghiệp, trong đó có gần 300 doanh nghiệp mới thành lập. Tính đến trước thời điểm năm 2020, 300 doanh nghiệp trên vẫn nằm trong số được hưởng ưu đãi thuế.
Tuy nhiên, mọi chuyện đảo lộn kể từ ngày 1-1-2020 khi TP Gia Nghĩa chính thức được thành lập, toàn bộ các ưu đãi trên cho doanh nghiệp đã bị bãi bỏ.
Đủ kênh kiến nghị vẫn chưa thấy hồi đáp
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết đã nhiều lần gửi kiến nghị đến các cơ quan trong tỉnh và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Văn phòng Chính phủ và Tổng cục Thuế nhưng chưa nhận được phản hồi.
Cục Thuế tỉnh Đắk Nông cho biết mấu chốt vấn đề nằm tại số thứ tự 38, phụ lục III về danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư ban hành kèm nghị định số 31/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26-3-2021.
Phụ lục này quy định chỉ có các huyện và thị xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được hưởng ưu đãi cho vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn chứ không có quy định cho TP Gia Nghĩa.
Thế nhưng, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) vẫn đang được hưởng ưu đãi cho địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Các doanh nghiệp ở TP Kon Tum cũng đang được hưởng ưu đãi thuế cho địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Trong khi TP Gia Nghĩa, nơi có điều kiện có phần khó khăn hơn cả hai thành phố trên lại không được hưởng ưu đãi. Cục Thuế tỉnh Đắk Nông cũng nhận thấy nên giữ mức ưu đãi cũ cho các doanh nghiệp ở TP Gia Nghĩa.
Còn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông, từ tháng 6-2021 tới nay, bằng nhiều con đường, cơ quan này đã gửi nhiều văn bản xin hướng dẫn cho vấn đề này đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thuế cùng Văn phòng Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể.