25/12/2024

Sản vật độc, lạ ‘phập phồng’ đón tết

Sản vật độc, lạ ‘phập phồng’ đón tết

Theo thông lệ, thời điểm trước tết 1 tháng các nhà vườn đang tất bật chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm, nhưng năm nay không khí dường như xen lẫn hồi hộp, lo lắng.

 

Vào mùa vẫn chưa thấy khách

Những ngày này, đi qua đường Mai Chí Thọ (P.Bình Khánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM), nơi tập trung khá nhiều nhà vườn kinh doanh cây hoa kiểng, nhiều người không thể rời mắt trước hàng bưởi kiểng vàng rực được trang trí bắt mắt.

“Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng một số người đã đặt cọc, nhờ nhà vườn chăm sóc, cận tết mới lấy về trưng”, T.A (nhân viên vựa cây Thanh Giang trên đường Mai Chí Thọ) cho biết. Bưởi kiểng ở đây đều là giống bưởi Diễn, vận chuyển từ Hưng Yên vào, được chủ vườn chào bán với nhiều mức giá khác nhau, tùy số lượng quả, độ tuổi, hình dáng cây…

Theo các nghệ nhân, để có một cây bưởi kiểng đẹp thì mất rất nhiều công đoạn. Cây lên được chậu cũng mất khoảng 2 – 3 năm, chờ cho ra lá mới ghép quả, nên giá thành sẽ cao. Các chậu bưởi này có thể trưng được đến tháng 2, tháng 3. Những cây bưởi với các thế độc, lạ khác nhau như: dáng huyền, song thân, tam thân… hút mắt người xem, thường sẽ bán được nhanh hơn. Giá bưởi Diễn trồng kiểng trưng tết dao động từ 14 – 40 triệu đồng/cây. Cá biệt, một số chậu bưởi cổ thụ có tuổi đời lên đến hàng chục năm, thân cây sần sùi, thô ráp, có dáng đẹp… được chủ vườn định giá lên tới 85 triệu đồng/cây.

Sản vật độc, lạ 'phập phồng' đón tết - ảnh 1
Khách đã bắt đầu hỏi mua cây kiểng độc, lạ để chơi tết QUANG THUẦN

Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A (xã Phú Tân, H.Châu Thành, Hậu Giang) cho biết từ năm 2019 đến nay các thành viên câu lạc bộ đã chặt bỏ vườn bưởi chuyển đổi sang cây trồng khác cho phù hợp và hiện không còn ai trồng bưởi và tạo hình bưởi hồ lô. Bưởi hồ lô khắc chữ Tài – Lộc các năm trước có giá bán từ 400.000 – 900.000 đồng/trái; bưởi Tài – Lộc và có hình thỏi vàng, đồng tiền giá từ 1 – 1,1 triệu đồng/trái, nhưng năm nay sản lượng ít, sức mua kém nên nhiều nhà vườn cũng chưa thể ước lượng được giá thị trường thế nào.

Tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều nhà vườn cho biết nhu cầu tiêu thụ trái cây độc, lạ dịp tết năm nay không còn cao như các năm trước. Mọi năm từ tháng 10 khách hàng hoặc đại lý đã liên hệ để đặt hàng với số lượng lớn, nhưng năm nay đến thời điểm này vẫn chưa có khách mua. Trước đây, mỗi trái bưởi có giá từ 50.000 – 120.000 đồng, sau khi tạo hình hồ lô, in chữ “Tài”, “Lộc” có giá lên đến cả triệu đồng, số lượng cung ứng ra thị trường từ 10.000 – 20.000 trái, nhưng năm nay rất ít khách đặt hàng. Không chỉ bưởi hồ lô mà xoài khắc chữ, dưa hấu thỏi vàng cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Ông Nguyễn Văn Trung (ngụ xã Vĩnh Bình, H.Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), từng nhiều năm sản xuất bưởi hồ lô dịp Tết, chia sẻ mấy năm trước làm bưởi hồ lô dịp tết rất lãi. Trái bưởi năm roi, bưởi da xanh bình thường bán 100.000 đồng/cặp nhưng khi tạo hình hồ lô thì giá lên tới 1,2 hoặc 1,5 triệu đồng/cặp, thậm chí có năm là 2 triệu đồng. Mỗi cây chỉ cần dăm cặp bưởi là người trồng đã đủ lãi, chưa cần bán những trái thường khác.

“Cách đây 4, 5 năm, mỗi dịp cuối năm vườn nhà tôi luôn thu hoạch khoảng 400 – 500 cặp bưởi hồ lô, cho thu nhập khá cao. Tuy nhiên từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, nhu cầu tiêu thụ giảm nên sản lượng bưởi hồ lô ở vườn cũng giảm xuống nhiều. Hai năm vừa rồi dịch bệnh quá không bán được. Năm nay tôi thấy thị trường chững lắm, mấy mối cũ còn chưa đặt tiền cọc, trong khi mọi năm đã cọc từ lâu rồi”, ông Trung cho hay.

 

Nhà vườn thận trọng

Anh Nguyễn Thanh Tâm, một hộ chuyên tạo hình dừa hồ lô rất hút khách ở TT.Châu Thành (H.Châu Thành, Bến Tre) cho biết: “Dừa là loại trái cây thông dụng ở Bến Tre. Ngày tết giá dừa không tăng nhiều nhưng nếu tạo hình đẹp và có thêm các chữ “Tài, Lộc, Phúc, Đức”… giá tăng gấp hàng chục lần.

“Tết năm nay tôi cũng có làm dừa hồ lô tài lộc tạo hình nhưng không nhiều như mọi năm vì nhu cầu thị trường đã giảm rõ rệt. Tổng cộng cả vườn chỉ khoảng 400 trái. Chi phí cho sản xuất từ khuôn nhựa, dây buộc và công chăm sóc khá tốn kém”, anh Tâm cho biết. Còn chị Bích Ngọc, chủ cửa hàng trực tuyến chuyên kinh doanh sản vật độc, lạ trưng, cúng tết, cũng ngậm ngùi: “Mọi năm tôi vẫn đặt hàng các nhà vườn để cung cấp các loại trái cây tạo hình, khắc chữ để phục vụ khách hàng, nhưng năm nay do thấy khó khăn quá nên tôi tạm ngưng. Thật ra vẫn có vài mối quen hỏi thông tin, nhưng so với các năm trước thì khá ít nên tôi đành quyết định nghỉ 1 năm nghe ngóng, sang năm tính tiếp”.

Chị Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vinaco Thanh Hóa, cũng chia sẻ: “Năm trước bọn tôi kinh doanh bưởi Tiến Vua, đặc sản của địa phương, nhưng thị trường loạn quá, bán cạnh tranh đủ mức giá và đủ loại kích cỡ. Tôi mua bưởi của người dân trồng đã 75.000 đồng/quả, trọng lượng trên 1 kg, về trang trí thêm hoa văn đẹp mắt, nhưng trừ chi phí vận chuyển, tính ra vẫn lỗ vì không cạnh tranh được các loại bưởi giá rẻ như loại bưởi màu đỏ chỉ bằng nắm tay, giá 30.000 – 40.000 đồng/quả. Dĩ nhiên là tiền nào của đó, bưởi rẻ thì loại giống đã thoái hóa, ăn không ngon, nhưng nhu cầu mùa tết chỉ là trưng, cúng, nên người tiêu dùng không quan tâm nhiều đến chất lượng. Năm nay sản lượng bưởi Tiến Vua sụt giảm hơn trước, việc thu mua khó khăn hơn và nhu cầu thị trường vẫn chưa biết thế nào nên hợp tác xã chúng tôi phân vân chưa biết có tiếp tục kinh doanh mặt hàng này hay không, phải đợi đến gần tết mới tính. Chắc chỉ bán sỉ thôi chứ không bán lẻ nữa, rất vất vả mà lại dễ lỗ vốn”.

Chị Kiều Anh, tiểu thương kinh doanh hàng tết tại Lào Cai, chào hàng: “Tôi bán nhiều loại trái cây, hạt khô, bánh mứt… và tết năm nay có sản phẩm mới là lúa vàng để trưng. Xu hướng gần đây người dân có vẻ chuộng cắm, trưng bông lúa. Lúa này chính xác là cây yến mạch, sau đó người ta nhuộm màu vàng tươi để trưng được lâu. Tôi kinh doanh hàng sỉ, năm nay tình hình mua bán còn khá chậm, hy vọng đến gần tết sẽ nhộn nhịp hơn”.

Ông T.A.T, chủ trang trại Ngọc Thạch Thảo (H.Hóc Môn, TP.HCM), cũng hé lộ kế hoạch tung hàng loạt sản phẩm độc, lạ vào dịp tết sắp tới: “Năm nay kinh tế khó khăn, tuy nhiên truyền thống du xuân, sắm tết của người dân vẫn được duy trì nên tôi quyết định “chơi lớn”. Hiện nay hội hoa xuân Tao Đàn đang mời gọi các nhà vườn, nghệ nhân tham gia, ngoài ra còn có một khu vực hội hoa xuân khác tại TP.Thủ Đức cũng đang chờ xác nhận địa điểm. Tôi quyết định sẽ trưng bày những sản phẩm đá quý, đá phong thủy, cây kiểng bon sai độc đáo nhất để người dân tham quan”.

 

Tái hiện “trên bến dưới thuyền” Tết Quý Mão

Chợ hoa xuân Tết Quý Mão năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 6 – 21.1.2023 (nhằm ngày 15 – 30 tháng chạp) tại tuyến đường Bến Bình Đông, Nguyễn Văn Của nhằm tái hiện không khí tấp nập “trên bến dưới thuyền” từ nhiều thập kỷ trước. Hiện nay hạ tầng nơi đây đã được nâng cấp, mở rộng và ngầm hóa lưới điện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương kinh doanh cũng như người dân tham quan thưởng lãm.

Điểm nổi bật của chợ hoa xuân “trên bến dưới thuyền” Tết Quý Mão 2023 là có sự góp mặt của các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về sản xuất hoa kiểng, trái cây độc đáo. Với kết quả hoạt động xúc tiến thương mại của UBND Q.8, năm nay chợ hoa xuân sẽ có nhiều không gian hoa đặc sắc của TP.Đà Lạt, nhiều loài hoa của H.Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và đặc biệt là những sản vật đến từ tỉnh Vĩnh Long – vùng đất có rất nhiều loại trái cây ngon, nổi tiếng và lạ mắt…

Dự kiến chợ hoa tết “trên bến dưới thuyền” sẽ có 666 điểm kinh doanh hoa, cây kiểng, trái cây (gồm 593 điểm kinh doanh hoa, cây kiểng và thêm 73 điểm kinh doanh trái cây dọc tuyến đường Bến Bình Đông) phục vụ nhu cầu mua sắm ngày tết.

 

QUANG THUẦN

TNO