27/01/2025

Miền Trung có nhiều thế mạnh, nhưng nền tảng phát triển công nghiệp phụ trợ còn yếu

Miền Trung có nhiều thế mạnh, nhưng nền tảng phát triển công nghiệp phụ trợ còn yếu

Hội thảo Thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung do báo Tuổi Trẻ cùng Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại Quảng Nam tập trung thảo luận liên quan đến việc thúc đẩy công nghiệp phụ trợ.

 

 

 

Miền Trung có nhiều thế mạnh, nhưng nền tảng phát triển công nghiệp phụ trợ còn yếu - Ảnh 1.

Các đại biểu trao đổi bên lề trước khi bước vào hội thảo Thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung – Ảnh: TẤN LỰC

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Thế Chữ – tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – nhìn nhận miền Trung có nhiều thế mạnh như cảng nước sâu và các ngành công nghiệp dựa vào cảng biển có cơ hội phát triển như lọc hóa dầu, đóng tàu, sản xuất thép, công nghiệp nặng, công nghiệp ô tô.

Nhiều sản phẩm công nghiệp từ miền Trung nay đã xuất đi khắp thế giới, mang về hàng tỉ USD cho đất nước mỗi năm.

Trong số đó, có nhiều sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ ngày càng cao. Một số doanh nghiệp “đầu đàn” khi vào khu vực đã kéo theo các nhà thầu phụ, dần tạo sự phát triển lan tỏa. Hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, nhà thầu phụ mọc lên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lớn đều chung nhận định rằng nền tảng công nghiệp phụ trợ tại miền Trung hiện vẫn còn quá yếu để đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt trong các ngành có hàm lượng công nghệ cao.

Tính liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương trong vùng còn lỏng lẻo, chưa tạo được hệ thống cung ứng đủ mạnh.

Việc thiếu hụt chuỗi cung ứng làm giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Các nhà máy sản xuất bảng mạch, thiết bị điện tử miền Trung đều phụ thuộc nặng nề vào chuỗi cung ứng ở các trung tâm công nghiệp hai đầu Bắc – Nam hoặc nước ngoài.

Ông LÊ THẾ CHỮ – tổng biên tập báo Tuổi Trẻ

Miền Trung có nhiều thế mạnh, nhưng nền tảng phát triển công nghiệp phụ trợ còn yếu - Ảnh 3.

Hơn 150 đại biểu, chuyên gia thảo luận về vấn đề hình thành hệ sinh thái phát triển công nghiệp phụ trợ miền Trung – Ảnh: HỮU HẠNH

Là một trong những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn ở miền Trung, trong đó có sự đóng góp lớn từ công nghiệp cơ khí ô tô, những năm vừa qua bộ mặt kinh tế của tỉnh Quảng Nam đã có nhiều đổi thay. Đặc biệt, mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng địa phương này vẫn giữ vững được đà tăng trưởng.

Miền Trung có nhiều thế mạnh, nhưng nền tảng phát triển công nghiệp phụ trợ còn yếu - Ảnh 4.

Ông Lê Trí Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Ảnh: TẤN LỰC

Ông Lê Trí Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng vấn đề liên kết cùng phát triển không phải là mới vì đây là thực tiễn đã được đặt ra từ rất lâu. Tuy nhiên việc thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng. 

Vậy đâu là những nguyên nhân? Làm sao để liên kết cùng phát triển công nghiệp? Đó là những câu hỏi mà lâu nay chúng ta vẫn còn trăn trở. 

“Khi nói đến liên kết phát triển ở miền Trung nhiều người thường nghĩ đến du lịch. Trên thực tế, du lịch miền Trung đã ngồi lại cùng nhau làm nên chương trình “con đường di sản”. Còn vấn đề liên kết công nghiệp, để đảm bảo công nghiệp hóa hiện đại hóa vẫn đang là vấn đề các địa phương đau đáu mong mỏi”- ông Thanh nhấn mạnh. 

Miền Trung có nhiều thế mạnh, nhưng nền tảng phát triển công nghiệp phụ trợ còn yếu - Ảnh 5.

Công nghiệp ô tô là điểm sáng của tỉnh Quảng Nam hiện nay . Trong ảnh: Lắp ráp ô tô KIA tại THACO Chu Lai – Ảnh: TẤN LỰC

Qua chương trình, ông Thanh kỳ vọng thời gian sắp tới, các tỉnh miền Trung cũng sẽ hình thành nên chuỗi liên kết phát triển công nghiệp dựa trên thế mạnh của mỗi địa phương. Cụ thể như tại Quảng Nam là sự trưởng thành vượt bậc tại khu kinh tế Chu Lai – Trường Hải với vai trò của Thaco. Từ đó có thể là “hạt nhân” để sự kết nối và lan tỏa sang các ngành công nghiệp khác.

Ông Đặng Bá Dự, giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam, cho biết từ thực tế phát triển công nghiệp và đặc biệt khi đại dịch xảy ra vừa qua, đã giúp nhìn nhận rõ vai trò của chuỗi cung ứng và sự liên kết phát triển theo cụm ngành công nghiệp.

Đây là vấn đề không mới bởi vai trò của chuỗi liên kết, cụm liên kết ngành công nghiệp là bài toán không chỉ các doanh nghiệp, mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng luôn nghĩ tới.

Miền Trung có nhiều thế mạnh, nhưng nền tảng phát triển công nghiệp phụ trợ còn yếu - Ảnh 6.

Ông Đặng Bá Dự, GĐ Sở Công Thương Quảng Nam – Ảnh: HỮU HẠNH

Theo ông Dự, thực tế trong những năm qua, các khu công nghiệp phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch ngành, các cụm liên kết ngành hình thành tự phát, rất ít liên kết giữa các doanh nghiệp hạt nhân và các doanh nghiệp, chủ thể kinh tế khác bên ngoài.

Do vậy việc hình thành hệ sinh thái phát triển công nghiệp phụ trợ không những có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp mà còn liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế bền vững của cả vùng.

Ông Dự lấy ví dụ ngành công nghiệp ô tô nước ta có khoảng 20 doanh nghiệp lắp ráp lớn, chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3.

Đây là con số đáng báo động nếu nhìn sang Thái Lan với 16 doanh nghiệp lắp ráp ô tô lớn đã có tới gần 700 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3.

“Chúng tôi nhìn nhận việc hình thành một hệ sinh thái phát triển công nghiệp, trong đó xây dựng cơ chế cụm liên kết ngành sản xuất mà địa phương đang có thế mạnh, chẳng hạn như tại Quảng Nam có cơ khí ô tô mà Thaco đóng vai trò hạt nhân là việc rất quan trọng” – ông Dự nói.

Miền Trung có nhiều thế mạnh, nhưng nền tảng phát triển công nghiệp phụ trợ còn yếu - Ảnh 7.

Dây chuyền lắp ráp xe tải tại Nhà máy ô tô Chu Lai Trường Hải – Ảnh: TẤN LỰC

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Huy, phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng hầu hết các tỉnh đều có những doanh nghiệp công nghiệp lớn, làm “hạt nhân” kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ để dần tạo sự phát triển lan tỏa.

Theo ông Huy, công nghiệp đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo của tỉnh. Trong đó tỉnh đã hình thành Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thu hút được nhiều dự án.

Với tiềm năng và thế mạnh của mình, trong thời gian tới công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi định hướng phát triển theo các nhóm ngành chế biến, chế tạo lọc dầu, đóng tàu biển, điện tử viễn thông; điện khí, năng lượng sạch…

“Tôi cho rằng đối với các tỉnh trong khu vực, việc tăng cường các mối quan hệ hợp tác liên tỉnh, đầu tư trọng điểm vào các vùng, xây dựng cơ chế liên kết phát triển công nghiệp giữa các tỉnh trong vùng có ý nghĩa quan trọng nếu muốn có đột phát trong phát triển công nghiệp” – ông Huy nói.

Chương trình hội thảo Thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp miền Trung do UBND tỉnh Quảng Nam, Cục Công nghiệp Bộ Công thương và báo Tuổi Trẻ đồng phối hợp tổ chức tại Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Hội thảo này là một hoạt động trong Diễn đàn Công nghiệp – Xây dựng nền công nghiệp tự chủ 2022 do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ tháng 9-2022.

Miền Trung có nhiều thế mạnh, nhưng nền tảng phát triển công nghiệp phụ trợ còn yếu - Ảnh 8.

Trung tâm cơ khí ô tô tại nhà máy của Thaco Chu Lai – Ảnh: TẤN LỰC

TRƯỜNG TRUNG
TTO