Hộ chiếu văn hoá Việt Nam: Lo ngại khủng hoảng văn hóa ở nông thôn

Hộ chiếu văn hoá Việt Nam: Lo ngại khủng hoảng văn hoá ở nông thôn

Nông thôn – nơi gìn giữ, bảo lưu văn hoá truyền thống, cội nguồn của sức mạnh dân tộc – sẽ là tấm hộ chiếu văn hoá có giá trị mạnh mẽ cho Việt Nam tiến bước vững chắc vào tương lai.

 

 

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Lo ngại khủng hoảng văn hóa ở nông thôn - Ảnh 1.

Công trình nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam) mang nét đặc trưng tiêu biểu cho hình ảnh nông thôn làng quê Việt Nam – Ảnh: HOÀNG THÚC HÀO

Hội thảo văn hóa năm 2022 với chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc tỉnh Bắc Ninh diễn ra hôm nay 17-12 sẽ dành thời lượng không nhỏ cho chủ đề bảo vệ, phát huy vùng văn hóa nông thôn rất giàu có, đa dạng nhưng đang đứng trước nhiều thách thức.

 

“Giữ lấy chân quê” được không?

Nhận mình là một người đam mê, gắn bó với nông nghiệp, lại trăn trở về văn hóa, ông Lê Minh Hoan – bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – sẽ tham góp cho hội thảo bài phát biểu tâm huyết về chủ đề giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Với đặc thù của một quốc gia nông nghiệp, nông thôn ở nước ta chính là nơi lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống, từ văn hóa vật thể như kiến trúc nhà ở dân gian, trang phục dân tộc, đền chùa, miếu mạo đến văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng dân gian, âm nhạc truyền thống, ca dao, tục ngữ…

Đây là những thứ dệt nên tâm tình người Việt, hồn Việt, là chốn nương náu không chỉ cho người quê mà cả người phố.

Giống như nhiều người Việt Nam khác, ông Hoan cũng đi ra từ nông thôn, yêu mảnh đất chôn rau cắt rốn tha thiết nhưng rồi một ngày chạnh lòng nhận ra làng quê không còn thân thuộc, quyến luyến như ngày nào.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp có nhiều thời gian gắn bó với nông thôn, nông dân thừa nhận dù chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu trong việc tạo nên bộ mặt mới, sức sống mới cho nhiều làng quê, nhưng dường như nông thôn đây đó ít nhiều phai nhạt bản sắc.

Nơi này nơi kia hình như còn thiếu những điều đã nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách người làng quê.

Nông thôn nhiều nơi được hiện đại hơn nhưng dường như vô hồn vì những khối bê tông “đồng phục hóa”, những hàng cây xanh mát vệ đường, lũy tre làng bị thay thế một cách khiên cưỡng, làm mất đi hình ảnh nông thôn sinh thái. Kiến trúc truyền thống dựa vào phong thổ và văn hóa bản địa dần bị thay thế bằng nhà mái bằng, nhà phố hình ống, đường làng và hàng rào bê tông…

“Làng cao lên, làng to ra nhưng con người lại dần xa nhau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trăn trở.

Chúng ta nên dũng cảm, thẳng thắn đối mặt với những hiện tượng báo động trong xã hội gần đây như bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, xung đột đường phố. Tất cả đều là lăng kính có thể nhìn vào để giải mã các hiện tượng văn hóa. Đã có những đứt gãy văn hóa nông thôn trước sự du nhập văn hóa thiếu chọn lọc.

Ông Lê Minh Hoan (bộ trưởng Bộ NN&PTNT)

 

Cần chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa nông thôn

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm – viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa – có chung nỗi lo lắng về tình trạng “đồng phục hóa” các thiết chế văn hóa từ chương trình xây dựng nông thôn mới, do đó mà dẫn đến cả sự đồng phục trong nếp sinh hoạt ở nông thôn vốn rất đa dạng trước đây.

Tất nhiên nó còn có “lỗi” của xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Và một trong những ảnh hưởng không mong đợi là sự suy giảm đa dạng văn hóa và tạo ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của nhiều nhóm cộng đồng, tộc người.

Các nhà văn hóa thôn, xã được đầu tư xây dựng theo một chuẩn như nhau từ hình thức cho tới trang thiết bị và phần nào đó là cả các hoạt động dẫn đến sự nhàm chán, ít gần gũi với bản sắc văn hóa địa phương.

Công năng của hầu hết nhà văn hóa hiện nay chủ yếu vẫn chỉ là nơi họp hành, làm nhiệm vụ tuyên truyền chứ không đúng nghĩa là một nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Khẳng định những lễ hội, tập tục truyền thống ở nông thôn sẽ giúp kết nối con người với cội rễ, giúp con người sống tử tế hơn, an bình hơn, văn minh hơn nhưng ông Hoan cho rằng những giá trị ấy chỉ trường tồn khi văn hóa truyền thống không chỉ là của người cao tuổi, mà được thế hệ trẻ trân trọng đón nhận và phát triển phù hợp xu thế vận động của thời đại.

Để văn hóa truyền thống được nâng niu trong các thế hệ trẻ, ông Hoan đề nghị cần có chương trình mục tiêu quốc gia về Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Song song với đó, ông đề nghị cần có những giáo trình giảng dạy văn hóa nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội. Đặc biệt cần chú trọng nhóm đối tượng là học sinh từ những bậc học đầu tiên, bởi đó chính là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy liên tục văn hóa dân tộc.

Bà Châm đóng góp ý kiến cho rằng những người thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phải luôn cần chú trọng đến thực tế, tôn trọng thực tế và nhìn nhận rõ tính hiệu quả của việc áp dụng các tiêu chí trong thực tế, từ đó sẽ biết cách tích hợp, cách huy động và sử dụng các yếu tố văn hóa truyền thống trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

 

Công trình kiến trúc mang dấu ấn bản địa

Trong khi kiến trúc nông thôn đang bị “đồng phục hóa” trên diện rộng, gần đây nỗ lực của một vài kiến trúc sư đã đóng góp cho làng quê những công trình văn hóa cộng đồng vừa hiện đại vừa mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa như các công trình của kiến trúc sư

Hoàng Thúc Hào: nhà cộng đồng Suối Rè, Hòa Bình, nhà cộng đồng Tả Phìn, Sa Pa, làng du lịch homestay của nông dân Nậm Đăm, Quản Bạ, Hà Giang, nhà cộng đồng Cẩm Thanh, Hội An, Trường tiểu học Lũng Luông, Thái Nguyên, Trung tâm gốm Bát Tràng…

Những công trình này được đánh giá làm sống lại nhiều giá trị truyền thống bản địa, truyền cảm hứng nhất định.

THIÊN ĐIỂU
TTO