25/12/2024

Đái tháo đường ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?

Đái tháo đường ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?

Đái tháo đường nếu không được kiểm soát sẽ gây biến chứng khắp các cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt, thận.

 

 

Theo Bệnh viện Nhi T.Ư, đái tháo đường ở trẻ em thường gặp là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2. Trong đó, đái tháo đường type 1 do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng insulin thì mới có cơ hội sống.

Đái tháo đường ở trẻ em nguy hiểm như thế nào? - ảnh 1

 

Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng insulin BỆNH VIỆN NHI T.Ư

Insulin là một hormon được sản xuất ra bởi tế bào beta của tuyến tụy, hormon này giúp cơ thể sử dụng đường từ máu để tạo năng lượng.

Với đái tháo đường type 2, vấn đề chính là sự đề kháng insulin. Các tuyến tụy có thể tạo ra insulin, thường với số lượng lớn, nhưng insulin không hoạt động tốt vì các tế bào trong cơ thể đề kháng lại các tác dụng của insulin. Với đái tháo đường type 2, một thời gian sau tuyến tụy bị suy kiệt, cơ thể trở nên đề kháng với insulin và rơi vào tình trạng thiếu insulin.

Ngoài 2 type đái tháo đường phổ biến trên, ở trẻ em còn có thể gặp các bệnh lý như đái tháo đường sơ sinh (trẻ dưới 1 tuổi), đái tháo đường khởi phát ở người trẻ tuổi (MODY), hoặc đái tháo đường đi kèm với các tình trạng bệnh lý khác gây tổn thương tuyến tụy (đái tháo đường thứ phát).

 

Gia tăng trẻ mắc đái tháo đường type 2

Bệnh đái tháo đường type 1 không thể ngăn ngừa được. Đây không phải là bệnh truyền nhiễm, vì vậy trẻ em và thanh thiếu niên không thể mắc bệnh từ người khác hoặc truyền bệnh cho bạn bè hoặc thành viên trong gia đình. Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường type 1 rất phức tạp, xảy ra do sự kết hợp giữa gen trong cơ thể với một số yếu tố môi trường.

Đái tháo đường ở trẻ em nguy hiểm như thế nào? - ảnh 2
Các triệu chứng liên quan mắc đái tháo đường ở trẻ nhỏ BỆNH VIỆN NHI T.Ư

Không giống như bệnh đái tháo đường type 1, bệnh đái tháo đường type 2 có thể được ngăn ngừa. Tăng cân quá mức, béo phì và lối sống ít vận động là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Trước đây, bệnh đái tháo đường type 2 thường chỉ xảy ra ở người lớn. Nhưng hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2, do số lượng trẻ em thừa cân, béo phì ngày càng tăng nhanh.

Để giảm nguy cơ mắc và phát triển bệnh đái tháo đường type 2 cho trẻ em, các gia đình cần đảm bảo trẻ ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Khuyến khích con bạn ăn thực phẩm ít béo, hạn chế thức ăn và đồ uống có đường; duy trì hoạt động và hạn chế thời gian dành cho các hoạt động ít vận động.

 

Triệu chứng và biến chứng do đái tháo đường

Đái tháo đường là tình trạng đường máu tăng cao. Trong đó, đường máu lúc đói trên 7 mmol/l và sau ăn trên 11 mmol/l.

Những dấu hiệu phổ biến của bệnh đái tháo đường là: tiểu đêm thường xuyên; hay khát nước, uống nhiều nước; sụt cân; mệt mỏi; thay đổi cảm xúc.

Theo thời gian, các biến chứng của bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến các cơ quan chính trong cơ thể, bao gồm: tim, mạch máu (mạch vành, xơ vữa động mạch), dây thần kinh (tổn thương), mắt (nguy cơ mù lòa) và thận (suy thận). Duy trì mức đường huyết bình thường có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc nhiều biến chứng.

(Bệnh viện Nhi T.Ư)

 

LIÊN CHÂU

TNO