26/12/2024

Sau sốt vẫn ho dai dẳng cả tháng trời, bệnh gì?

Sau sốt vẫn ho dai dẳng cả tháng trời, bệnh gì?

Nhiều người lo lắng mặc dù đã hết sốt, cảm cúm nhưng những cơn ho vẫn “đeo bám” cả tháng trời không hết. Biểu hiện ho dai dẳng có nguy hiểm không? Làm sao để điều trị?

 

 

Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Vũ Văn Thành – trưởng khoa bệnh phổi mãn tính, Bệnh viện Phổi trung ương – cho hay tình trạng ho kéo dài là do kích ứng sau khi nhiễm vi rút. Khi vi rút cúm gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp, dẫn đến xuất tiết và cần có thời gian để tế bào tổn thương lành lại.

Vì vậy, khi hết sốt, người bệnh vẫn ho kéo dài là bình thường và thông thường đây là triệu chứng ho lành tính, không đáng lo ngại.

“Người bệnh có thể sử dụng các loại thảo dược, thuốc để điều trị triệu chứng, giảm ho, rát họng thông thường. Nếu ho, có đờm quá nhiều, người bệnh có thể uống thuốc điều trị triệu chứng, làm loãng dịch nhầy đường hô hấp”, bác sĩ Thành khuyến cáo.

Tuy nhiên, bác sĩ Thành cũng nhấn mạnh với triệu chứng ho nhiều, dai dẳng cũng cần loại trừ những nguyên nhân do các bệnh lý khác gây nên như hen phế quản, bệnh lý về mũi xoang, phổi…

Cụ thể, những trường hợp hen phế quản sau khi nhiễm vi rút sẽ biểu hiện bệnh lý hen rất rõ. Ngoài ho sẽ kèm theo triệu chứng khác như khó thở, thở rít, khò khè. Hoặc những người thường xuyên hút thuốc lá, tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm thì ho dai dẳng có thể là biểu hiện của bệnh tắc nghẽn phổi, ung thư phổi…

“Nếu biểu hiện ho kéo dài, không thuyên giảm thì người bệnh cần đến chuyên khoa hô hấp để được thăm khám loại trừ các nguyên nhân”, bác sĩ Thành khuyến cáo.

Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng lạm dụng kháng sinh vẫn khá phổ biến. Rất nhiều người khi có biểu hiện ho được các nhà thuốc cho sử dụng kháng sinh. Bác sĩ Thành cảnh báo người dân tuyệt đối không sử dụng kháng sinh khi không có sự chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh cũng không nên dùng thuốc trị ho kết hợp thuốc long đờm cùng một thời điểm. Khi lượng đờm tiết ra nhiều nhưng phản xạ ho lại giảm đi sẽ khiến đờm không thể ra ngoài, thậm chí có thể gây nghẽn đường thở.

Bác sĩ khuyến cáo để phòng cúm mùa thông thường, cần nâng cao sức đề kháng cơ thể, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý. Đeo khẩu trang khi tới nơi đông người và tiếp xúc với người bệnh, không sử dụng chung khăn mặt và các vật dụng sử dụng trong ăn uống.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương… mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

LINH HÂN
TTO