26/12/2024

Học song ngành: Chấp nhận đánh đổi để tìm cơ hội

Học song ngành: Chấp nhận đánh đổi để tìm cơ hội

Ngày càng nhiều sinh viên lựa chọn chương trình đào tạo song ngành, dù biết cơ hội nhân đôi luôn đi kèm thách thức.

 

Con đường không dễ đi

Sức hút của chương trình đào tạo song ngành là không thể phủ nhận đối với sinh viên mong muốn chuẩn bị “hành trang” ở đa lĩnh vực. Tuy nhiên, sinh viên học song ngành sẽ phải đối mặt với nỗi lo học phí, quỹ thời gian bị thu hẹp, sức khỏe không đảm bảo…

Đang học cao học ngành quản lý văn hóa (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) và văn bằng 2 ngành luật học (Trường ĐH Mở TP.HCM), anh Lê Phan Hiếu Anh (23 tuổi) bộc bạch, do học cả ngày bên chương trình cao học, anh phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để xem lại bài giảng trực tuyến và làm bài tập ngành luật.

Hiếu Anh chia sẻ thêm: “Lịch học, lịch thi, lịch đi thực tế… đôi lúc trùng nhau khiến tôi bị sức ép thời gian, phải chọn một bên và bị ‘chậm nhịp’ ở bên còn lại”.

Ngoài ra, tài chính và sức khỏe cũng là hai điều khiến Hiếu Anh trăn trở: “Do chưa có việc làm ổn định, tôi đặt mục tiêu phải hoàn thành chương trình học trong thời gian sớm nhất, nếu kéo dài sẽ vượt quá khả năng chi tiêu của bản thân. Tôi cũng không thuê trọ tại TP.HCM mà về nhà ở Đồng Nai vì ưu tiên học phí, nên thời gian nghỉ ngơi giảm đi phần nào ảnh hưởng tới sức khỏe”, anh nói.

Học song ngành: Chấp nhận đánh đổi để tìm cơ hội - ảnh 1

 

Sinh viên song ngành cần sắp xếp thời gian hiệu quả NHƯ MAI

Tương tự, việc học song ngành sư phạm lịch sử-địa lý và sư phạm ngữ văn tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng đặt ra không ít thách thức cho Hồ Thanh Tú (20 tuổi).

“Trường chỉ hỗ trợ học phí cho ngành học thứ nhất nên tôi phải đóng học phí cho ngành còn lại. Tôi cũng phải tự tìm các tài liệu học tập, tham gia nhiều nhóm của khoa ngữ văn để cập nhật tình hình về chương trình đào tạo, thông tin liên lạc của giảng viên… Học phần của ngành chính được trường xếp cố định nên tôi cũng cố gắng đăng ký từ 2-3 môn/kỳ của ngành thứ 2 để theo kịp tiến độ và đảm bảo tốt nghiệp”, Tú cho biết.

 

Nhiều lợi ích

Bên cạnh khó khăn, các sinh viên cũng nhận lại nhiều lợi ích từ cả hai ngành học.

Hiếu Anh khẳng định, ngành quản lý văn hóa giúp anh có kiến thức sâu sát hơn về lĩnh vực văn học nghệ thuật mà bản thân đam mê và định hướng làm việc sau này, ngành luật cũng bổ trợ không ít. “Nhờ ngành luật, tôi nắm được những quy định trong thực tiễn hoạt động các ngành, giúp tư duy và làm việc lý tính hơn. Ngoài ra, hệ thống pháp lý từ những kiến thức pháp luật cũng hỗ trợ tôi trong quá trình học cao học, xa hơn là viết luận văn tốt nghiệp”, anh nói thêm.

Chỉ ra lợi ích của việc học song ngành, Thanh Tú chia sẻ: “Kiến thức lịch sử hay địa lý đều có thể lồng ghép vào môn ngữ văn và ngược lại. Với chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì dạy học liên môn hay nội môn là vô cùng cần thiết, nên học song ngành sẽ giúp tôi thuận lợi hơn trong việc giảng dạy sau này. Bên cạnh đó, tôi có thể thoải mái lựa chọn phân môn sao cho đáp ứng nhu cầu tuyển dụng giáo viên hiện giờ”.

Một trường hợp khác là N.V.Q (27 tuổi), đang theo học ngành sư phạm khoa học tự nhiên và ngành sư phạm hóa học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Nam sinh cho hay, cả hai ngành đã giúp anh học thêm một số kỹ năng nghiệp vụ sư phạm.

“Nếu khối ngành sư phạm luôn đòi hỏi sự khuôn mẫu, cẩn trọng thì việc học thêm kiến thức bổ trợ là cần thiết. Khi học song ngành thì khối lượng kiến thức sẽ nhiều gấp đôi, gấp ba so với một ngành. Tôi nghĩ hai ngành học khác nhau chắc chắn tăng thêm cơ hội việc làm”, V.Q giải thích về lựa chọn học song ngành.

 

Cơ hội phát huy năng lực

Từ năm 2020, ĐH Quốc Gia TP.HCM bắt đầu triển khai cho sinh viên học song ngành ở hai trường khác nhau trong cùng hệ thống. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận định: “Đây là cơ hội rất tốt để các bạn phát huy năng lực, có thêm kiến thức ở một lĩnh vực mà mình quan tâm và mở rộng khả năng tiếp cận cũng như tìm kiếm việc làm”.

Theo tiến sĩ Hạ, năng lực học tập của sinh viên không phải là điều đáng lo ngại, mà là việc sắp xếp thời gian học giữa hai ngành sao cho hợp lý. “Khi đến giai đoạn học kiến thức chuyên ngành với những bài tập lớn, mọi thứ rất khó và thời gian bỏ ra cũng nhiều. Điều quan trọng nhất lúc này là tổ chức, sắp xếp thời gian”, ông Hạ lưu ý.

Học song ngành: Chấp nhận đánh đổi để tìm cơ hội - ảnh 2
Sinh viên song ngành chấp nhận khó khăn để chuẩn bị cho tương lai NHƯ MAI

Tiến sĩ Hạ cũng nhấn mạnh về trách nhiệm của môi trường giáo dục: “Thách thức đặt ra cho cơ sở giáo dục là việc quản lý một cách khoa học, cần theo dõi quá trình đào tạo của sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên đăng ký và tự theo dõi quá trình ấy. Chẳng hạn, nhà trường có thể đưa ra nhiều sự lựa chọn cho sinh viên, làm sao để phù hợp với thời gian của họ. Việc quản lý phải linh hoạt để sinh viên có cơ hội tiếp cận chương trình đào tạo song ngành”.

Bên cạnh đó, nhà trường cần đảm bảo chuẩn đầu ra của hai ngành trong chương trình đào tạo song ngành là như nhau về lượng kiến thức, kỹ năng, thậm chí là cơ hội nghề nghiệp, theo ông Hạ.

 

Một số quy định cần chú ý về học song ngành

Theo Điều 18, Quy chế đào tạo chương trình đại học ban hành kèm Thông tư số 08 năm 2021 của Bộ GD-ĐT, sinh viên được đăng ký học chương trình thứ hai sớm nhất khi đã được xếp trình độ năm thứ hai của chương trình thứ nhất

Trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình tích lũy của chương trình thứ nhất đạt dưới điểm trung bình hoặc thuộc diện cảnh báo kết quả học tập thì phải dừng học chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo; sinh viên sẽ bị loại khỏi danh sách đã đăng ký học chương trình thứ hai.

 

THUÝ LIỄU – NHƯ MAI

TNO