Chiến lược xây dựng những ‘đại bàng quốc tịch Việt’: Gầy dựng ‘sếu đầu đàn’ dẫn dắt nền kinh tế

Chiến lược xây dựng những ‘đại bàng quốc tịch Việt’:

Gầy dựng ‘sếu đầu đàn’ dẫn dắt nền kinh tế

Để hiện thực hóa khát vọng về một thế hệ “đại bàng quốc tịch Việt”, theo các chuyên gia, cần chính sách hỗ trợ lớn từ Chính phủ, đặc biệt các chủ trương quan điểm phải xuyên suốt, dài hơi, mang tính đột phá…

 

 

Phải tạo ra các doanh nghiệp Việt “cầm cái”

TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, cho rằng: Tham vọng để VN có những doanh nghiệp (DN) tầm cỡ đa quốc gia, làm chủ được chuỗi giá trị để dẫn dắt nền kinh tế trong thực tế đã được đề cập đến từ lâu, nhưng chúng ta chưa làm được hay nói đúng hơn chưa có một chính sách đủ tầm, tập trung và dài hơi để đạt cho bằng được. Chẳng hạn như câu chuyện “ông” VinFast đã sản xuất được xe buýt điện rồi, nhưng đến nay, DN chưa nhận được hỗ trợ cụ thể nào từ Chính phủ. Ví dụ là quy định buộc các đơn vị công có sử dụng xe buýt, ưu tiên mua xe buýt điện sản xuất trong nước. Làm vậy mới tạo động lực khuyến khích DN phát triển.

“Chúng ta đang từng bước gầy dựng nên những con chim đầu đàn cho nền kinh tế thì phải tận dụng tối đa những gì DN trong nước làm được, phải khuyến khích, hỗ trợ, ủng hộ tối đa. Phải để họ đứng vững trong nước thì cơ hội DN ra nước ngoài mới hiện thực được. Từ đó mới có DN đa quốc gia “made in Vietnam”, TS Phùng Đức Tùng nói.

Thừa nhận việc hiện thực hóa khát vọng những “đại bàng quốc tịch Việt” lúc này khá gian nan do thế giới có độ cạnh tranh cao, độ mở rất lớn, thay đổi nhanh. Tuy nhiên, TS Phùng Đức Tùng vẫn tỏ ra lạc quan, không phải vì thế mà chúng ta không làm được. Kinh tế toàn cầu năm tới đối diện nguy cơ suy thoái. Nhưng VN trong khu vực ít bị ảnh hưởng hơn, vẫn còn nhiều cơ hội nếu biết tận dụng tốt. Vấn đề là bắt buộc phải có sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ. Phải xác định được ngành nào làm mũi nhọn để tập trung chính sách hỗ trợ và làm sớm ngày nào hay ngày đó.

Gầy dựng 'sếu đầu đàn' dẫn dắt nền kinh tế - ảnh 1
Cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có hàm lượng chất xám cao  THÁI NGUYỄN

Đây cũng là quan điểm của TS Huỳnh Thanh Điền (Đại học Kinh tế TP.HCM). Theo TS Điền, nền kinh tế VN sau dịch Covid-19 đang nổi lên như một cực tăng trưởng mới. Mỹ hay các nước phương Tây đã phát triển từ lâu và giờ họ có chiến lược đưa DN lớn qua các nước đang phát triển. Sản xuất chuyển dịch về khu vực châu Á thì VN sở hữu rất nhiều lợi thế. Như vậy, về mặt nội tại, VN sau thời gian tích cực thu hút FDI theo hướng tiếp thu công nghệ, tạo công ăn việc làm trong nước thì người lao động đã làm chủ được công nghệ. Dẫn câu chuyện nhiều thương hiệu Việt đã vươn tầm thế giới như VinFast của Vingroup hay Thaco (Trường Hải), ông Điền khẳng định: “VN hoàn toàn có thể sản sinh ra những tập đoàn, những DN công nghiệp hùng mạnh có khả năng dẫn dắt toàn ngành và đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Vấn đề hiện nay là làm sao để đội ngũ doanh nhân Việt mạnh dạn dám làm, muốn làm”.

Các chuyên gia đều cho rằng VN muốn phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, buộc phải có các DN chủ lực làm chủ chuỗi giá trị. Đó là những DN lớn có ý tưởng sản phẩm, có ý tưởng thiết kế kỹ thuật, có tiềm lực để xây dựng được thương hiệu và phát triển được hệ thống phân phối. Khi đó, DN lớn sẽ đặt hàng các DN nhỏ và vừa, hướng dẫn họ về công nghệ, kiểm soát về chất lượng. Mỗi một “ông lớn” sẽ tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho hàng ngàn DN vừa và nhỏ. Với mô hình phát triển như vậy, mỗi ngành kinh tế sẽ tạo dựng được một đội ngũ DN Việt lớn mạnh, nội lực và hoàn toàn làm chủ chuỗi giá trị. Đây là tiền đề vững chắc để kéo nền kinh tế không chỉ phát triển nhanh mà còn phát triển mạnh, bền vững.

 

Cần có quỹ hỗ trợ “sếu đầu đàn”

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Nghị quyết 29 đưa ra một chủ trương xây dựng những “sếu đầu đàn” với một diện mạo mới, phải làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo và phải có thương hiệu dần vươn ra khu vực và toàn cầu lan tỏa thúc đẩy các DN khác cùng phát triển. Với đề bài đó, Chính phủ hoàn toàn tạo dựng nền móng, bộ khung cho các tập đoàn lớn mạnh đúng nghĩa.

“Đó là DN lớn không chỉ là có vốn nhiều mà phải có chất. Chất ở đây là DN phải làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo và có thương hiệu quốc tế. Lớn hơn là phải có tính lan tỏa, tạo cơ hội cho các DN khác phát triển. Như vậy, dứt khoát phải có môi trường kinh doanh thuận lợi, ít rủi ro giúp DN có cơ hội tiếp cận nguồn lực để tăng sức cạnh tranh…”, ông Thành nói

Trong thực tế, mô hình DN, tập đoàn dẫn dắt một ngành công nghiệp đã có bài học từ Hàn Quốc, Đức. Sứ mệnh “cầm cái” chuỗi giá trị, dẫn dắt hệ thống DN nhỏ và vừa đối với 1 DN hay 1 tập đoàn, không thể tự một mình làm nổi. Phải có “bà đỡ” là cơ chế, chính sách. Khi 1 DN, tập đoàn được “chọn mặt gửi vàng” một cách công khai, minh bạch thì Chính phủ phải dồn lực hỗ trợ bằng nhiều chính sách thiết thực liên quan đến mặt bằng, đất đai, thuế, bảo lãnh cho vay vốn, bảo lãnh phát hành trái phiếu, thậm chí là bảo lãnh tín dụng quốc tế. Cùng với đó, phải có chính sách hỗ trợ gắn kết những mối quan hệ tạo thành chuỗi giá trị giữa DN lớn – các DN vừa và nhỏ. Các DN vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị cũng sẽ được hỗ trợ như ưu đãi về thuế hay chi phí liên quan đào tạo, chuyển giao công nghệ

Thảo luận thêm, TS Phùng Đức Tùng nêu quan điểm: “Không chỉ có chính sách mà quan trọng nhất là chính sách đó có độ “dài hơi” bao lâu. Trước mắt cần có 2 quỹ tài chính hỗ trợ cho DN. Đó là quỹ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D), tài trợ cho các DN mũi nhọn. Quỹ này rất quan trọng bởi nếu Chính phủ không hỗ trợ R&D, một mình DN cho dù tầm vóc lớn cỡ nào, rất khó tự thân đầu tư làm R&D được. Thứ hai, là quỹ hỗ trợ DN ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, ưu tiên tuyệt đối cho DN làm hàng hóa có hàm lượng chất xám cao, giá trị cao xuất khẩu gắn “made in Vietnam”. Quỹ này cho vay lãi suất ưu đãi”. Thứ ba, các chính sách, hay các quỹ nói trên phải ổn định, lâu dài, thậm chí có thể kéo dài 30 năm như một số nước đã làm”.

TS Phùng Đức Tùng dẫn chứng Hàn Quốc có quỹ hỗ trợ nghiên cứu này từ rất lâu đời. Nhờ vậy, họ mới có những Samsung, Hyundai. Đến tận lúc này, đã lớn mạnh, đóng góp 20% GDP của Hàn Quốc, nhưng Samsung vẫn tiếp tục nhận được hỗ trợ từ chính phủ nếu có nghiên cứu sản phẩm mới, mang tính đột phá. Để nghiên cứu và làm thành công màn hình LED, Samsung nhận hỗ trợ từ chính phủ nước này 32 triệu USD. Đức cũng có quỹ hỗ trợ DN để R&D triển khai sản phẩm mới trị giá 3 tỉ euro mỗi năm. Tương tự, Nhật Bản cũng ưu tiên DN nhỏ có nghiên cứu đóng góp vào nền y khoa nước nhà và có thể hỗ trợ 1 triệu USD ngay lập tức nếu sản phẩm có giá trị nhân văn…

“Không thể chính sách nay có, vài năm sau lại bỏ khiến DN không an tâm đầu tư sản xuất được. Đòi hỏi DN có tầm nhìn dài hạn trong khi chính sách của chúng ta lại thay đổi liên tục thì rất khó? Chẳng hạn, hiện DN đang gặp khó về vốn, vay không được, hoặc chỉ vay trong ngắn hạn, cùng lắm là trung hạn, còn dài hạn là không thấy. Trong khi đó, DN tìm nguồn vốn huy động qua kênh trái phiếu DN thì trước “thả” thoải mái, nay lại phanh đột ngột khiến DN đang làm ăn tốt cũng “vạ lây”. Chính sách thay đổi nhanh như vậy, DN tài giỏi cỡ nào cũng không trở tay kịp. Thế nên, quan trọng nhất là có hệ thống pháp luật nhất quán, ổn định nhiều năm, định hướng rõ ràng và chọn ngành công nghiệp mũi nhọn để xây dựng nên những con chim đầu đàn”, TS Phùng Đức Tùng nhấn mạnh.

Ngân hàng NN-PTNT có nguồn vốn hỗ trợ nhà nông thì nay ngân hàng cũng phải có nguồn vốn hỗ trợ DN làm công nghiệp mũi nhọn với lãi suất thấp nhất. Trong thực tế, DN ngành công nghiệp hầu như không tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp để đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ, làm những mặt hàng mang tính cạnh tranh cao từ điện tử, ô tô, cơ khí, năng lượng tái tạo…

TS Phùng Đức Tùng

 

NGUYÊN NGA – HÀ MAI

TNO