Phương Tây ‘giữ ấm’ cho Ukraine trong mùa đông
Phương Tây ‘giữ ấm’ cho Ukraine trong mùa đông
Phương Tây đang gia tăng hỗ trợ Ukraine giữa mùa đông khi hạ tầng đã bị tàn phá nặng nề và dự báo chiến sự sắp tới còn căng thẳng hơn.
Sau khi liên tục hứng chịu các đợt tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng nhưng không kịp sửa chữa, nhiều trạm cung cấp điện trên khắp Ukraine đã phải thường xuyên ngừng hoạt động khẩn cấp, trong khi nhu cầu sử dụng điện đang tăng lên do trời trở lạnh. Hãng điều hành lưới điện quốc gia Ukrenergo đầu tuần thông báo chỉ có thể đáp ứng 73% nhu cầu và đang đàm phán với các nước Romania, Slovakia và Hungary về việc nhập khẩu điện, theo Bloomberg. Công ty năng lượng EKU (Ukraine) cuối tuần qua thử nghiệm nhập khẩu điện từ Romania và cho biết đây có thể là công cụ giúp ổn định hệ thống năng lượng tại Ukraine.
NATO bàn cách hỗ trợ
Ngoại trưởng các nước NATO ngày 29.11 bắt đầu hội nghị kéo dài 2 ngày tại Romania nhằm thảo luận về việc hỗ trợ cho Ukraine và các đối tác khác đang chịu sức ép như Bosnia, Georgia và Moldova. Đối diện với hành động mà Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cáo buộc là “sử dụng mùa đông làm vũ khí” của Nga, các nhà ngoại giao NATO dự kiến sẽ bàn bạc việc viện trợ nhiên liệu, vật tư y tế, đồ dùng mùa đông cho Ukraine, bên cạnh tiếp tục viện trợ quân sự như các hệ thống phòng không, đạn dược, theo Reuters.
Người dân xách can đi lấy nước tại Kyiv ngày 24.11 REUTERS |
Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ công bố khoản viện trợ lớn cho Ukraine và làm việc với các nước khác để cung cấp thiết bị giúp khôi phục năng lực truyền tải điện của Ukraine. Trả lời phỏng vấn tờ The Guardian hôm qua, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly tuyên bố NATO cam kết hỗ trợ Ukraine vượt qua “mùa đông khó khăn” này dù viễn cảnh về cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột vẫn còn xa vời.
Trước đó, ngoại trưởng của 7 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có chuyến thăm Kyiv vào ngày 28.11 và cam kết sẽ giúp Ukraine chuẩn bị cho mùa đông, khôi phục hạ tầng năng lượng.
Cũng trong ngày 28.11, các nhà ngoại giao EU tiếp tục không thể đồng thuận về việc áp giá trần đối với dầu thô nhập từ Nga bằng đường biển. Theo Đài France24, Ba Lan muốn mức giá trần phải thấp hơn đề xuất trước đó của nhóm G7 nhằm hạn chế nguồn tài chính của Nga cho chiến sự tại Ukraine.
Chiến trường sắp nóng hơn
Về tình hình chiến sự, lực lượng Nga tiếp tục pháo kích thành phố Kherson ở miền nam Ukraine sau khi rút qua bờ đông sông Dnipro từ đầu tháng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã tấn công 30 khu định cư tại tỉnh Kherson 258 lần trong một tuần qua. Tại tỉnh Donetsk ở miền đông, lực lượng Nga cũng đẩy mạnh tấn công quanh các thành phố Bakhmut, Avdiyivka và Lyman. Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ, tuyên bố của Nga về việc giành được thêm các vị trí quanh Bakhmut không báo hiệu lực lượng này sắp bao vây thành phố.
ISW dự báo giao tranh dọc theo các tiền tuyến có khả năng sẽ gia tăng trong những tuần sắp tới, khi mùa đông khiến mặt đất đóng băng giúp phương tiện dễ di chuyển hơn, không bị bùn lầy. Mặt khác, Reuters hôm qua dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ Washington và Moscow đã sử dụng kênh giải nguy xung đột một lần từ khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bắt đầu vào ngày 24.2. Quan chức cho biết Mỹ là bên chủ động liên lạc để trình bày quan ngại về hoạt động quân sự của Nga gần cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Chưa rõ đó là vụ nào nhưng vị quan chức nói không liên quan vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan ngày 15.11 làm 2 người thiệt mạng. Trước đây, chiến sự từng xảy ra gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và cũng từng có đồn đoán về việc đập Nova Kakhovka ở Kherson có thể bị Nga cho nổ để cản bước lực lượng Ukraine, dù Moscow phủ nhận thông tin này.
Đối thoại hạt nhân Nga – Mỹ bị hoãn
Bộ Ngoại giao Nga xác nhận cuộc đàm phán về hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START giữa Nga và Mỹ tại Cairo (Ai Cập) từ ngày 29.11 đến 6.12 đã bị hoãn và không nêu rõ ngày khôi phục, theo Đài RT.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phía Nga đã đơn phương hoãn cuộc đối thoại và nói sẽ đề xuất ngày họp mới. Hiện chưa rõ lý do cuộc họp bị hoãn ngay trước giờ G. Hiệp ước New START, có hiệu lực vào năm 2011, giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như việc triển khai các tên lửa phóng từ đất liền hoặc tàu ngầm cùng máy bay ném bom có thể mang các đầu đạn này. Hiệp ước được gia hạn thêm 5 năm vào đầu năm 2021 và hai nước đang đàm phán để gia hạn thêm hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa hai cường quốc. Cơ chế giám sát khu vực vũ khí của hai bên theo hiệp ước đã bị đình chỉ từ năm 2020 do đại dịch Covid-19.
VI TRÂN
TNO