22/12/2024

EU khó áp giá trần với dầu Nga

EU khó áp giá trần với dầu Nga

Cuộc họp bàn của Liên minh châu Âu (EU) về việc áp giá trần với dầu Nga lâm vào thế bế tắc cuối tuần này, khi các nước chưa thể thống nhất về mức giá để hạn chế được nguồn thu của Nga nhưng không gây sốc cho thị trường toàn cầu.

 

 

 

EU khó áp giá trần với dầu Nga - Ảnh 1.

Chất phụ gia được bơm từ bồn chứa tại nhà máy lọc dầu của Công ty MOL ở Hungary – một thành viên của EU – Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters cho biết EU đã hủy cuộc họp dự kiến vào tối 25-11 (giờ Bỉ) vì các bên vẫn bất đồng quan điểm và sẽ quay lại đàm phán vào đầu tuần sau. Trong khi đó, Nga cũng đang lên phương án đáp trả những nước ủng hộ việc áp giá trần.

 

Chia rẽ vì bất đồng lợi ích

Cuộc họp vào ngày 24-11 của EU kết thúc trong chia rẽ khi mà chỉ vài ngày nữa, ngày 5-12, lệnh cấm nhập khẩu với dầu Nga dự kiến có hiệu lực.

Do lệnh cấm chỉ có hiệu lực trong EU, nên để thắt chặt hơn nữa nguồn thu của Nga, phương Tây muốn có một mức giá trần để khống chế giá dầu Nga bán cho các nước bên ngoài EU.

Mức giá trần cũng sẽ giảm thiểu tác động của lệnh cấm nói trên với thị trường. Một số chuyên gia cho rằng nó có thể đẩy giá dầu xuống dưới mốc 95 USD/thùng vào cuối năm nay.

Kế hoạch của phương Tây là cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm vận chuyển dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi nó được bán với giá thấp hơn mức trần do nhóm G7 và các đồng minh đặt ra.

Vì các công ty vận chuyển và bảo hiểm lớn của thế giới nằm tại các nước G7 nên mức giá trần sẽ khiến Nga rất khó bán dầu – mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước này và chiếm khoảng 10% nguồn cung thế giới – với giá cao hơn.

Tuy nhiên, 27 nước thành viên EU có sự khác biệt lớn về việc nên áp mức giá trần bao nhiêu. Theo Hãng tin Bloomberg, nhóm G7 đề xuất mức giá trần từ 65 – 70 USD/thùng.

Nhưng Ba Lan, Estonia và Litva muốn mức trần thấp hơn nhiều, khoảng 30 USD/thùng, cho rằng mức này sát với chi phí sản xuất của Nga. Trong khi đó, Hy Lạp, Cyprus và Malta lại muốn một mức cao hơn để tránh ảnh hưởng đến các mảng kinh tế quan trọng như vận tải biển, thương mại.

Một số nước còn đề xuất được bồi thường để áp giá trần. “Nếu bạn đặt mức trần giá quá cao, nó sẽ không thực sự hiệu quả”, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nói trên kênh Bloomberg TV.

Các nhà ngoại giao châu Âu vẫn hy vọng sẽ đi đến được sự nhất trí trong những ngày tới, nhưng hiện tại họ vẫn chưa biết làm sao để thu hẹp những khác biệt quá lớn.

Theo một nhà ngoại giao, Ba Lan còn muốn gắn mức giá trần với gói biện pháp trừng phạt Nga mới nhất mà EU đang soạn thảo.

“Trong khi đó Malta, Hy Lạp và Cyprus tham gia vì tiền, với mức trần cao hơn, hoặc bồi thường. Các quan điểm cách nhau rất xa và chẳng thấy Mỹ ở đâu để mang hai bên lại gần nhau”, nhà ngoại giao này bình luận.

 

Bài toán khó

Trong khi đó, giới phân tích không mấy lạc quan về việc áp giá trần với dầu Nga. Họ cho rằng nó sẽ khó thực hiện, giám sát khi đẩy trách nhiệm cho các công ty vận chuyển, mua bán dầu.

Chuyên gia Vivek Dhar của Ngân hàng Thịnh vượng chung của Úc nhận định việc vận chuyển dầu hiện tại của Nga cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách vận chuyển và bảo hiểm của EU.

Mức giá mà nhóm G7 đề xuất, từ 65 – 70 USD/thùng, cũng được đánh giá là không hiệu quả. Theo Công ty năng lượng S&P Global Commodity Insights, Nga hiện đang bán dầu ở giá “khuyến mãi” chỉ 56 USD/thùng, thấp hơn gần 30 USD so với dầu Brent.

“Nếu mức trần được đặt gần bằng mức giá mà Nga hiện đang bán thì thật khó để chính sách này làm giảm lợi nhuận của Nga.

Hy vọng mức trần này chỉ là điểm khởi đầu và phương Tây sẽ siết chặt hơn nữa khi tình hình thị trường dễ chịu hơn” – tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Edward Fishman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách năng lượng Columbia.

Việc chọn một mức giá trần sẽ là bài toán khó cho EU. Đài CNBC dẫn quan điểm của nhà phân tích năng lượng Pavel Molchanov cho rằng mức giá trần thấp có thể khiến lạm phát tệ hơn, người tiêu dùng bất mãn và siết chặt thêm chính sách tiền tệ.

“Theo tôi, G7 sẽ đặt mức giá cao hơn là thấp để tránh vòng xoáy lạm phát thêm trầm trọng”, ông Molchanov nhận định.

 

Nga sẵn sàng đáp trả

Matxcơva đã nhiều lần khẳng định sẽ phớt lờ mức giá trần của EU và Điện Kremlin đang soạn thảo một sắc lệnh của Tổng thống Putin về việc cấm các công ty Nga và bất cứ thương nhân nào mua dầu của họ để bán lại cho những bên tham gia áp giá trần, theo Bloomberg.

Về cơ bản, sắc lệnh sẽ cấm mọi tham chiếu liên quan đến giá trần trong các hợp đồng dầu thô hoặc sản phẩm của Nga, đồng thời cấm mọi chuyến hàng đưa đến những nước áp dụng giá trần.

Trước đó, ông Putin đã nhiều lần cảnh báo điều này, cho rằng chính sách của phương Tây sẽ gây hậu quả nặng nề cho thị trường năng lượng.

Matxcơva cũng đang chuyển hướng bán dầu cho các đối tác “định hướng thị trường”, và nhiều khách hàng lớn của Nga như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước không tham gia chính sách của EU vẫn đang mua dầu của Matxcơva.

TRẦN PHƯƠNG
TTO