Dồn lực kích cầu trong nước

Dồn lực kích cầu trong nước

Xuất khẩu giảm, kích cầu nội địa gặp không ít khó khăn vì giá cả tăng… là những lo lắng của người dân, doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.

 

Tiêu dùng trong nước dè dặt

Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 15 ngày đầu tháng 11 đã giảm 6,3% so với 15 ngày cuối tháng 10. Đáng chú ý, trong khi nhập khẩu tăng 5,8%, thì xuất khẩu giảm tới 16,7%. Có thể thấy, càng về cuối năm, dấu hiệu giảm tốc của xuất khẩu ngày càng hiện rõ. Kích cầu nội địa cuối năm và đầu năm sau là một trong những giải pháp được đề cập khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Thế nhưng, kích cầu nội địa trong bối cảnh hiện nay cũng rất khó khăn khi tình trạng thất nghiệp, cắt giảm lao động tiếp tục xảy ra tại nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất lớn, giá cả hàng hóa trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Dồn lực kích cầu trong nước - ảnh 1
Lạm phát cơ bản 10 tháng năm nay tăng 2,14%  TH

Theo số liệu công bố mới nhất từ Tổng cục Thống kê, giá thuê nhà đã tăng trở lại do nhu cầu của người dân tăng cao, một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022 – 2023 đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10.2022 tăng 0,15% so với tháng trước. So với tháng cuối năm 2021, CPI tháng 10 năm nay đã tăng 4,16% và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, bình quân 10 tháng năm 2022, CPI tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,14%. Theo cơ quan thống kê, biến động giá tiêu dùng trong 10 tháng qua chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu tăng.

 

Kích cầu không chỉ bằng giảm giá

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: Kích cầu nội địa vẫn sẽ là chìa khóa duy nhất để “cứu” tiêu dùng khi thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng. Bởi DN gặp khó khăn xuất khẩu sẽ có chiến lược quay về thị trường nội địa. Song, tình hình tiêu dùng trong nước từ nay đến năm sau có thể sẽ không còn dễ dàng như trước, nên phải có giải pháp dự phòng. Theo đó, giải pháp giảm giá sẽ dễ hơn là tăng thu nhập. Nhưng giảm giá đến mấy cũng phải có tiền thì người dân mới mua sắm được. Trong khi đó, cơn bão cắt giảm nhân sự đang càn quét nhiều khu công nghiệp.

“Trong bối cảnh hiện nay, phải sớm tháo chính sách về tài chính để DN có cơ hội vay được với lãi suất tốt, đáo hạn các hợp đồng vay cũ. Có tiền rồi thì sản xuất kinh doanh mới tăng tốc được, giảm được việc sa thải lao động. Từ đó, người lao động mới đi làm, có tiền và mua sắm… Vòng tròn đơn giản chỉ vậy thôi, nhưng đứt gãy một trong dây chuyền đó thì toàn bộ nền kinh tế bị chững lại”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh hiến kế.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cũng khẳng định việc giảm giá hàng hóa chỉ là một giải pháp nhỏ và sẽ khó đạt mục tiêu kích sức cầu, nhất là khi số người bị thất nghiệp được dự báo sẽ ngày càng tăng như hiện nay. Chính phủ cần phải đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy tổng cầu chung của nền kinh tế, tạo công việc cho nhiều DN để người lao động không bị thất nghiệp, duy trì được thu nhập. Song song đó, các ngân hàng cũng phải đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng để nhiều người có cơ hội mua sắm các loại hàng hóa có giá trị cao dịp cuối năm như nhà, xe, ti vi… Đồng thời, giải pháp giảm thuế thu nhập cá nhân cũng cần được xem xét để góp phần thúc đẩy cầu tiêu dùng từ số lượng người đang đi làm công ăn lương hiện nay.

 

NG.NGA – H.MAI

TNO