15/09/2024

Ngộ độc thực phẩm bữa ăn bán trú: Các trường sẽ siết chặt quản lý ra sao?

Ngộ độc thực phẩm bữa ăn bán trú: Các trường sẽ siết chặt quản lý ra sao?

Trước sự việc hàng trăm học sinh Trường Ischool Nha Trang (Khánh Hòa) bị ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn bán trú, các trường tại TP.HCM đã siết chặt công tác quản lý bếp ăn.

 

 

 

 Ngộ độc thực phẩm bữa ăn bán trú: Các trường sẽ siết chặt quản lý ra sao? - ảnh 1
Các trường học tại TP.HCM siết chặt công tác quản lý bếp ăn và đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú từ vụ ngộ độc thực phẩm trường học ở Nha Trang  ẢNH MINH HỌA NHẬT THỊNH

Do điều kiện cơ sở vật chất không phù hợp để tổ chức bếp ăn tại trường nên Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM) tổ chức bữa ăn bán trú theo hình thức suất ăn công nghiệp.

Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, cho hay nhà trường chọn đơn vị cung cấp suất ăn đảm bảo các yêu cầu, tiêu chí và được Ban An toàn vệ sinh thực phẩm cấp chứng nhận đảm bảo điều kiện thực hiện. Nhà trường cũng lưu ý chọn đơn vị cung cấp suất ăn mà cự ly từ nơi chế biến đến trường ngắn, thời gian di chuyển đảm bảo chất lượng bữa ăn…

Tuy nhiên, cũng từ vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm tại Trường Ischool Nha Trang, ông Khoa cho hay ngay lập tức làm việc với đơn vị cung cấp, yêu cầu kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn bữa ăn cho học sinh. Đồng thời, nhà trường yêu cầu đơn vị chế biến phải giám sát đảm bảo nguyên liệu đầu vào đảm bảo quy định an toàn thực phẩm về chuỗi cung cấp thực phẩm, nguyên liệu…

Tương tự, bà Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1), cho biết dù đơn vị chế biến suất ăn đã cung cấp đầy đủ giấy chứng nhận, hồ sơ thủ tục theo đúng quy định nhưng khi có thông tin sự việc ở Nha Trang, ngay lập tức nhà trường đã yêu cầu đơn vị cung cấp suất ăn phải siết chặt công tác kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, phải đảm bảo vệ sinh, an toàn trong quá trình nấu, chế biến.

Bà Thu Hương cho biết thêm, nhà trường sẽ tổ chức tăng cường kiểm tra, giám sát bếp nấu của đơn vị cung cấp để kịp thời chấn chỉnh, tránh tối đa những nguy hiểm đối với học sinh.

Về phía Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, cho hay ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT TP.HCM đã xác định việc đảm bảo an toàn và sức khỏe của học sinh là nhiệm vụ quan trọng của mỗi nhà trường. Ngoài việc phối hợp với Ban An toàn vệ sinh thực phẩm của TP.HCM tổ chức tập huấn quy trình cho các cơ sở giáo dục thì Sở GD-ĐT còn chỉ đạo nhà trường phải thực hiện nghiêm túc những yêu cầu chuyên môn, nguyên tắc của Ban An toàn thực phẩm.

Đặc biệt, nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành của từng bữa ăn của học sinh hàng ngày và thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp.

Nhà trường cũng tổ chức kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân viên, bảo mẫu thực hiện công tác cấp dưỡng, ăn uống cho học sinh trong các căn tin, bếp ăn tập thể.

Theo Sở GD-ĐT, người đứng đầu nhà trường chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý, cơ quan thẩm quyền trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại đơn vị và tăng cường dinh dưỡng hợp lý cho học sinh.

Từ diễn biến vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Ischool Nha Trang, ông Trọng cũng cho hay đây là sự việc cụ thể và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nên Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có nhắc nhở, yêu cầu các trường không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn và yêu cầu của Ban An toàn vệ sinh thực phẩm của TP.

Đồng thời, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý liên quan rà soát, kiểm tra các bếp ăn, căn tin trường học trong thời gian tới, theo ông Trọng.

 

BÍCH THANH

TNO