Đầu tư điện gió ngoài khơi ở Côn Đảo hơn 6.000 đồng/kWh, vì sao ưu tiên chọn kéo cáp ngầm?
Đầu tư điện gió ngoài khơi ở Côn Đảo hơn 6.000 đồng/kWh, vì sao ưu tiên chọn kéo cáp ngầm?
Theo EVN, mỗi kWh điện gió được đầu tư có giá thành lên tới 6.016 đồng thì phương án đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển có giá thành điện năng sẽ là 2.142 đồng/kWh.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo mới nhất gửi Bộ Công Thương về việc lựa chọn phương án cấp điện cho Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), trong đó bổ sung thêm các nội dung liên quan, gồm phương án cấp điện cho Côn Đảo để làm cơ sở so sánh lựa chọn cho phù hợp.
Theo đó, đi kèm với báo cáo này, EVN có gửi thêm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo bổ sung lựa chọn phương án cấp điện, trong đó nêu ra 5 phương án cấp điện cho Côn Đảo. Bao gồm: phương án phát triển nguồn nhiệt điện tại chỗ; phát triển nguồn điện mặt trời và điện gió trên mặt đất; phát triển điện gió ngoài khơi; phát triển nguồn điện gió ngoài khơi kết hợp hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) hoặc diesel và phương án đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển.
Theo tính toán của cơ quan tư vấn, chi phí đầu tư xây dựng dự án điện gió ngoài khơi trong giai đoạn 2025-2029 là 2,91 triệu USD/MW (trước VAT) và sau đó giảm về khoảng 2,71 triệu USD/MW kể từ năm 2030. Kết quả so sánh các phương án cũng chỉ ra, việc đầu tư điện gió có giá thành điện năng cao hơn nhiều so với đầu tư tuyến cáp ngầm vượt biển.
Cụ thể, nếu như mỗi kWh điện gió được đầu tư, có giá thành lên tới 6.016 đồng thì khi tích hợp BESS hoặc chạy dầu diesel, giá còn cao hơn nhiều. Trong đó, nếu tích hợp với BESS thì giá thành sẽ là 7.476 đ/kWh; tích hợp cả BESS và chạy dầu diesel thì giá thành lên tới 8.705 đồng/kWh.
Tuy vậy, theo tính toán từ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nếu thực hiện phương án đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển thì giá thành điện năng sẽ là 2.142 đồng/kWh.
EVN cho rằng, qua nghiên cứu và tính toán cho thấy phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển sẽ đáp ứng được tất cả các tiêu chí. Bao gồm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng trưởng (nhu cầu tiêu dùng điện), nguồn cung cấp điện sẽ được ổn định và liên tục, hướng đến giảm phát thải khí các bon, bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo, chiếm ít diện tích sử dụng đất trên đảo…
Thông tin về tiến độ dự án, EVN cho hay dự án ở cấp điện áp 110kV, có rất nhiều hạng mục phải khảo sát, thi công trên biển nên thời gian khảo sát phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết biển. Trường hợp bất lợi nhất, thời gian thực hiện công tác khảo sát có thể tính bằng năm.
Do vậy, dự án cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị hồ sơ, trong khi so với kế hoạch tổng thể thực hiện được Hội đồng thành viên EVN thông qua, đến thời điểm này, tiến độ hoàn thành công tác phê duyệt chủ trương đầu tư đã bị chậm khoảng 3 tháng.
Theo EVN, chủ trương cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo đã được Chính phủ, các bộ ngành, UBND các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng có ý kiến đồng thuận. Ngoài nhiệm vụ cấp điện, phương án này còn góp phần tăng cường năng lực thông tin viễn thông cho huyện đảo thông qua việc tích hợp tuyến truyền dẫn cáp quang.
Vì vậy, EVN kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, thông qua phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo bằng tuyến đường dây 110kV kết hợp cáp ngầm vượt biển, có ý kiến thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo nội dung tờ trình trước đó, tạo điều kiện để tập đoàn có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Trước đó, EVN có tờ trình về dự án với tổng mức đầu tư là 4.950,1 tỉ đồng. Do cấp điện từ hệ thống lưới điện quốc gia, giá bán điện sẽ thống nhất với hệ thống điện toàn quốc, nên giá bán được tính toán theo giá bình quân gia quyền cho các loại phụ tải, với mức 2.429,6 đồng/kWh. Phương án này đã được lấy ý kiến các bộ ngành liên quan.