Biển Đông yên bình là điều kiện để phục hồi kinh tế bền vững sau dịch

Biển Đông yên bình là điều kiện để phục hồi kinh tế bền vững sau dịch

Đó là thông điệp được nhiều đại biểu, diễn giả nhắc tới trong phiên khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 do Học viện Ngoại giao phối hợp cùng các đối tác trong và ngoài nước tổ chức ở Đà Nẵng ngày 16-11.

 

 

 

Biển Đông yên bình là điều kiện để phục hồi kinh tế bền vững sau dịch - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 có sự tham gia của gần 500 đại biểu từ 20 quốc gia – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đây là hội thảo có sự góp mặt của hơn 220 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 250 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến đến từ 20 quốc gia. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định cục diện thế giới đã diễn ra những thay đổi nhanh chóng và chưa từng có.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết chủ đề “Biển hòa bình – Phục hồi bền vững” được chọn để chia sẻ bởi trong bối cảnh hiện nay, việc đi lại tự do, an bình trên biển là điều kiện tiên quyết để phục hồi bền vững sau đại dịch.

Trong chương trình, các đại biểu sẽ thảo luận về cách thức giải quyết các thách thức bất ổn ở Biển Đông và đưa ra các sáng kiến, đề xuất cụ thể để thúc đẩy các hoạt động hợp tác và duy trì phục hồi sau đại dịch.

Nhiều đại biểu cho rằng cộng đồng quốc tế cần có giải pháp sáng tạo để cải thiện tính minh bạch và thúc đẩy lòng tin chiến lược giữa các bên, cần có hành động cụ thể để duy trì ổn định chính trị, duy trì phục hồi kinh tế và cần có sáng kiến thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là vai trò trung tâm của ASEAN.

Biển Đông yên bình là điều kiện để phục hồi kinh tế bền vững sau dịch - Ảnh 2.

Chuẩn đô đốc Jurgen Ehle, cố vấn quân sự cấp cao, Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu của EU, phát biểu tại hội thảo – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Phát biểu đầu tiên sau chương trình khai mạc, chuẩn đô đốc Jurgen Ehle – cố vấn quân sự cấp cao, Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu của EU – cho rằng khu vực biển Đông Nam Á và Biển Đông là tuyến hàng hải vô cùng quan trọng đối với thế giới.

Đặc biệt, eo biển Malacca là nơi đi lại của 2/3 tàu bè trên thế giới, trong đó chủ yếu là những con tàu to lớn nhất thế giới. Do vậy việc duy trì một trật tự trên biển với sự tuân thủ, tin tưởng và hợp tác là rất cần thiết để đảm bảo cho sự phục hồi bền vững sau đại dịch.

Chuẩn đô đốc Jurgen Ehle cũng nhấn mạnh việc tôn trọng đầy đủ, thiện chí thực thi các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS để giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Đồng thời cũng nhìn nhận trong bối cảnh hiện nay, Biển Đông là trung tâm của cục diện quốc tế đang thay đổi. Việc tôn trọng các nguyên tắc trên Biển Đông sẽ góp phần định hình các nguyên tắc khác ở các biển và đại dương khác.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, tiến sĩ Phạm Lan Dung, quyền giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết Hội thảo Biển Đông lần thứ 14 hướng tới mục tiêu tìm hiểu những thay đổi địa chính trị toàn cầu mới nhất trên Biển Đông, xác định các rủi ro tiềm ẩn và tìm cách khôi phục lòng tin, thúc đẩy đối thoại và hợp tác.

Hội thảo sẽ định vị Biển Đông trong bối cảnh địa chính trị đang biến đổi, đan xen giữa điểm nóng cũ và mới, trong sự hiệu quả của các cấu trúc quản trị hiện hành và xem xét vai trò của UNCLOS sau 40 năm và DOC sau 20 năm.

Ngoài ra, hội thảo tập trung vào nội dung thúc đẩy các thực tiễn tốt nhất để tìm kiếm cơ hội hợp tác, từ xây dựng năng lực đối phó với các mối đe dọa phức hợp trên biển, xây dựng các quy định trong những lĩnh vực phi truyền thống và có liên hệ với nhau tới chủ đề thúc đẩy kinh tế xanh, đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững.

Biển Đông yên bình là điều kiện để phục hồi kinh tế bền vững sau dịch - Ảnh 3.

Các đại biểu quốc tế tham gia hội thảo tại Đà Nẵng trong ngày 16 và 17-11 – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

TRƯỜNG TRUNG
TTO