26/12/2024

Triển vọng dự án của Nga nhằm thay thế đường ống Nord Stream

Triển vọng dự án của Nga nhằm thay thế đường ống Nord Stream

Để đảm bảo dòng chảy năng lượng được thông suốt, Nga đang tìm các phương án thay thế và chuyển hướng xuất khẩu năng lượng khỏi châu Âu.

 

 

 

Sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine vào ngày 24.2, Mỹ và phương Tây đã triển khai hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga, trong đó đáng kể đến là việc ngăn chặn nguồn cung khí đốt từ Nga. Chính vì thế, Nga đang gấp rút tìm phương án thay thế.

Dự án “Power of Siberia 2”

Nga và Trung Quốc đang xúc tiến đàm phán việc triển khai dự án đường ống dẫn khí đốt “Power of Siberia 2” tới Trung Quốc mà hai bên đã thảo luận nhiều năm qua nhằm thay thế cho dự án Nord Stream 2 đã bị Liên minh châu Âu (EU) đình chỉ hoàn toàn.

Ngày 15.9, Phó thủ tướng, cựu Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã xác nhận việc này và cho biết, đường ống dẫn khí đốt “Power of Siberia 2” sẽ bắt đầu từ phía tây của Nga, chảy qua Mông Cổ đến Trung Quốc; dự kiến sẽ cung cấp 50 tỉ m3 khí đốt/năm cho Trung Quốc. Ngày 16.9, trong cuộc phỏng vấn với Kênh Truyền hình Rossiya-1, Phó Thủ tướng Novak cho biết việc xây dựng đường ống dẫn khí “Power of Siberia 2” dự kiến bắt đầu triển khai vào năm 2024 và hoàn thành vào năm 2029.

Triển vọng dự án của Nga nhằm thay thế đường ống Nord Stream - ảnh 1
Bản đồ đường ống Power of Siberia 1 và 2 từ Nga sang Trung Quốc  RUSSIA BRIEFING

Theo Bộ Năng lượng Nga, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang EU năm 2022 sẽ giảm khoảng 50 tỉ m3 và Tập đoàn Năng lượng Gazprom dự kiến sẽ tăng sản lượng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc lên 20 tỉ m3/năm.

Hiện nay, Nga đang cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống dẫn khí đốt “Power of Siberia 1”, trải dài từ phía đông Siberia sang phía bắc Trung Quốc. Dự án này do Tập đoàn Gazprom của Nga điều hành theo thỏa thuận trị giá 400 tỉ USD kéo dài 30 năm, bắt đầu từ cuối năm 2019.

Dự án “Power of Siberia 2” cũng được Mông Cổ ủng hộ. Phát biểu tại cuộc gặp ba bên với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Uzbekistan bên lề hội nghị thượng đỉnh của tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào ngày 15.9, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh cho biết ông ủng hộ việc xây dựng đường ống khí đốt này qua đất Mông Cổ.

Dự án “Power of Siberia 2” được xem là cột mốc quan trọng trong nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu năng lượng của Nga khỏi châu Âu. Moscow kỳ vọng Trung Quốc có thể thay thế châu Âu, trở thành khách hàng khí đốt chính của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc đàm phán sẽ không hề dễ dàng vì Bắc Kinh có vẻ không cần thêm nguồn cung khí đốt cho đến sau năm 2030.

Giáo sư Victor Ng Ming-tak tại Hồng Kông nhận định rằng Trung Quốc khó có thể hỗ trợ cuộc khủng hoảng khí đốt hiện nay của Nga một cách công khai vì họ e ngại phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn cần hợp tác thương mại với phương Tây.

Hơn nữa, hiện nay, Trung Quốc còn đang có các hợp đồng khí đốt dài hạn với Qatar, Mỹ và các tập đoàn dầu khí toàn cầu với tổng khối lượng 42 triệu tấn LNG/năm. Hồi tháng 2, Bắc Kinh cũng đã đồng ý mua khí đốt từ đảo Sakhalin ở vùng Viễn đông của Nga, với khối lượng nhập 10 tỉ m3 khí đốt/năm từ năm 2026 và đang đàm phán về dự án đường ống dẫn khí đốt Trung Á – Trung Quốc, nhập 25 tỉ m3 khí đốt/năm từ Turkmenistan, thông qua Tajikistan và Kyrgyzstan.

 

Dự án Trung tâm cung ứng khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 12.10, tại Diễn đàn Tuần Năng lượng Nga ở Moscow, Tổng thống Putin lần đầu tiên lên tiếng đề xuất rằng Nga có thể tăng khối lượng xuất khẩu khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đường ống ở biển Đen.

Chỉ một ngày sau đó, tại một cuộc hội kiến với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực tổ chức tại Astana (Kazakhstan), Tổng thống Putin nhắc lại đề xuất này. Ông Putin đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ hiện là tuyến vận chuyển khí đốt tới châu Âu đáng tin cậy nhất nên đề nghị xây dựng một trung tâm cung ứng khí đốt tại nước này, đồng thời nêu rõ trung tâm sẽ do hai bên cùng thiết lập và không chỉ có chức năng đảm cung ứng mà còn có thể giúp ổn định giá cả – vấn đề rất quan trọng trong mua, bán khí đốt. Theo ông Putin, mặc dù hiện nay giá khí đốt đang ở mức rất cao nhưng các bên có thể dễ dàng điều chỉnh giá thị trường về mức bình thường mà không chịu ảnh hưởng của các vấn đề chính trị.

Triển vọng dự án của Nga nhằm thay thế đường ống Nord Stream - ảnh 2
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin trước cuộc hội đàm ngày 13.10 tại Astana, Kazakhstan  REUTERS

Ông Alexey Miller, Tổng giám đốc điều hành Gazprom, cho biết đã sẵn sàng xây dựng các liên kết khí đốt bổ sung hướng tới Thổ Nhĩ Kỳ dưới biển Đen, đồng thời đề xuất tạo ra một trung tâm thương mại ở biên giới EU-Thổ Nhĩ Kỳ, nơi khí đốt có thể được bán trên thị trường.

Ngày 19.10, phát biểu trước các nghị sĩ, Tổng thống Erdogan cho biết đã nhất trí với Tổng thống Putin về việc thành lập trung tâm khí đốt tại nước này.

Đây là đề xuất năng lượng thứ hai mà Tổng thống Putin đưa ra trong vòng một tuần, giữa bối cảnh Moscow bị cáo buộc dùng khí đốt như “công cụ chính trị” để gây áp lực lên châu Âu nhằm chia rẽ ủng hộ của khu vực dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Đề xuất của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng khi mùa đông giá rét cận kề và tình trạng thiếu hụt nhiên liệu làm tăng lạm phát, buộc nhiều ngành công nghiệp phải cắt giảm sản lượng và khiến hóa đơn điện của người dân tăng vọt. Tuy nhiên, có vẻ EU vẫn chưa muốn nhượng bộ bởi trước đó Đức đã từ chối đề xuất của ông Putin về việc đẩy mạnh dòng khí đốt đến châu Âu thông qua một nhánh của đường ống Nord Stream 2 vốn chưa đi vào hoạt động.

Triển vọng dự án của Nga nhằm thay thế đường ống Nord Stream - ảnh 3
Nhân viên an ninh tại một cơ sở thuộc đường ống Nord Stream 2 tại Lubmin, Đức  REUTERS

Các chuyên gia đánh giá, đề xuất lập Trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ của ông Putin dường như là một biện pháp đáp trả các biện pháp trừng phạt của EU. Chuyên gia về chính sách năng lượng Simone Tagliapietra thuộc Viện Nghiên cứu Bruegel ở Brussels (Bỉ) nhận định đây là một nỗ lực nữa của Nga nhằm sử dụng khí đốt như công cụ địa chiến lược để làm suy yếu các nước EU và NATO khi tìm cách lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ với viễn cảnh trở thành một trung tâm năng lượng, trong khi cố gắng tạo ra chia rẽ mới giữa các nước châu Âu.

Mehmet Ogutcu, Chủ tịch Câu lạc bộ Năng lượng London, đánh giá đề xuất cho thấy Nga “đang ở trong tình thế rất khó khăn” về xuất khẩu năng lượng. Hiện nay, do hai đường ống Baltic đều không hoạt động nên Nga chỉ có thể vận chuyển khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống ở Ukraine với lưu lượng đã giảm đáng kể.

Hơn nữa, từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã ấp ủ tham vọng trở thành một trung tâm khí đốt của châu Âu nên việc đồng ý với đề xuất của Nga có thể giúp Ankara thành một thế lực mạnh mẽ trên thị trường năng lượng toàn cầu, đóng vai trò trung gian trong dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Hiện Ankara cũng không tham gia các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moscow khi tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cả Nga và Ukraine và coi mình là trung gian hòa giải giữa các bên xung đột. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế đánh giá, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải rất thận trọng với đề xuất từ phía Nga và hành động một cách tinh tế để đạt được thế cân bằng bởi hiện nay Mỹ đang gây áp lực về việc Thổ Nhĩ Kỳ phải có đường lối cứng rắn hơn với Nga.

Chuyên gia Simone Tagliapietra cho rằng, kế hoạch của Tổng thống Putin khó có khả năng thành công và cho dù Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý với đề xuất của Nga thì EU cũng sẽ không chấp thuận việc này. Hơn nữa, theo ông Massimo Di Odoardo, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu khí đốt từ Công ty tư vấn Wood Mackenzie (Scotland), các đường ống hiện có hoàn toàn đủ công suất để tăng dòng khí đốt từ Nga đến châu Âu, do đó, ý tưởng rằng châu Âu cần thêm đường ống để tăng công suất tiếp nhận khí đốt của Nga “thực sự không đúng”.

Triển vọng không sáng sủa

Có thể thấy về cơ bản, các phương án thay dòng chảy năng lượng của Nga qua hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 bằng các đường ống dẫn khí đốt tới Trung Quốc và xây dựng một Trung tâm cung ứng khí đốt mới ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể triển khai một sớm một chiều. Trung Quốc nói riêng và các nước châu Á nói chung cũng như Thổ Nhĩ Kỳ đều đang “không muốn chọn phe” khi đi theo chiều hướng song lập. Họ không muốn cô lập Nga để tận dụng nguồn năng lượng giá rẻ nhưng cũng không muốn bị xem là vừa hỗ trợ Nga và lại vừa muốn duy trì tốt quan hệ với phương Tây bởi các tính toán địa chiến lược của riêng mình. Bên cạnh đó, việc thay đổi hoàn toàn hệ thống cung ứng dầu mỏ, khí đốt của một quốc gia không hề dễ dàng bởi đều đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng vận chuyển lớn. Hơn nữa, dự án xây dựng Trung tâm cung ứng khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ là không hề đơn giản bởi nó đòi hỏi cần phải tiến hành đánh giá kỹ thuật, thương mại, pháp lý cùng các nghiên cứu về tính khả thi chứ chưa nói gì đến việc châu Âu có chấp nhận hay không. Do đó, triển vọng các dự án thay thế đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 của Nga có vẻ không mấy sáng sủa như kỳ vọng của Moscow, bởi việc đàm phán về các dự án này sẽ rất phức tạp, thậm chí có thể kéo dài nhiều năm vì hàm chứa quá nhiều rủi ro chính trị, thương mại và tài chính.

 

NGUYỄN LONG

TNO