Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản kêu cứu
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản kêu cứu
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho biết đang lâm vào cảnh kiệt quệ do bị ách tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) suốt một năm qua vì quy định của ngành thuế.
Theo số liệu của Hiệp hội Cao su, chỉ tính riêng năm doanh nghiệp (DN), số tiền hoàn thuế VAT chưa được giải quyết đã lên đến 289 tỉ đồng, chưa tính tiền lãi vay ngân hàng. Hiệp hội Sắn cũng “kêu cứu” tới Thủ tướng vì bị ách tiền hoàn thuế.
Bị treo cả trăm tỉ, DN chờ đợi đến kiệt quệ
Tại Hội thảo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững tổ chức ở TP.HCM ngày 8-11, nhiều DN xuất khẩu cao su cho biết đã phải giảm một nửa lương và đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không còn nguồn vốn để kinh doanh do bị nợ tiền hoàn thuế từ vài chục tỉ đến hàng trăm tỉ.
Bà Trần Lệ Thu, kế toán trưởng Công ty TNHH TM Hòa Thuận (quận 1, TP.HCM), cho biết kèm theo công văn 633, Tổng cục Thuế đính kèm danh sách 67 DN thuộc lĩnh vực rủi ro về hoàn thuế VAT, yêu cầu thanh tra, kiểm tra ngay và kết thúc chậm nhất trong tháng 5 nhưng đến nay đã qua thời hạn yêu cầu nửa năm nhưng các cục thuế vẫn chưa hoàn tất xác minh.
“DN chúng tôi dù không có tên trong danh sách này nhưng cũng rất khó khăn”, bà Thu nói và nhấn mạnh về bản chất, tiền hoàn thuế VAT là tiền của DN đã ứng trước nộp vào ngân sách khi mua nguyên liệu.
Khi DN đã thực hiện xuất khẩu xong thì phải trả lại cho DN để lấy vốn quay vòng mới. Đằng này DN đã ứng trước nộp vào ngân sách nhưng khi làm hồ sơ hoàn thuế thì… như đi xin.
Bà Thu cho biết gần đây cơ quan thuế đòi hỏi thêm rất nhiều thủ tục làm kéo dài quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, như yêu cầu các ngân hàng mà DN mở tài khoản phải cung cấp thông tin về việc thanh toán tiền hàng cho công ty.
Sau đó cơ quan thuế thanh tra tới lui không ra được biên bản kết luận thanh tra, làm kéo dài quá trình hoàn thuế. Số tiền thuế VAT từ tháng 12-2021, tháng 1-2022 đến nay vẫn chưa được hoàn đã lên đến 50 tỉ đồng. Do càng xuất càng tồn đọng thuế nên doanh số xuất khẩu của DN đã giảm đến hơn 90% so với cùng kỳ.
“Nếu cả nước khó khăn thì DN chúng tôi cũng chung lòng, nhưng trước mắt phải giải quyết hoàn cho chúng tôi vài tháng để DN phải trả lãi vay ngân hàng, trả lương, trang trải chi phí hoạt động…”, bà Thu bức xúc.
Đại diện Công ty TNHH thương mại và sản xuất Hoa Sen Vàng cho hay số thuế VAT chưa hoàn của công ty lên đến hàng trăm tỉ từ tháng 10-2021 đến nay.
“Việc đòi hỏi phải xác minh F1, F2, F3… rất khó khăn do có những nhà vườn đã nghỉ bán và họ cũng không hỗ trợ việc xác minh này hoặc họ canh tác trên đất khai hoang, đất thuê, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng tôi khi xuất khẩu đều có bộ chứng từ xuất khẩu có đầy đủ thông tin, thanh toán toàn bộ qua ngân hàng trong khi cơ quan thuế vẫn yêu cầu xác minh. DN chỉ biết chờ đợi đến kiệt quệ”.
Ông Trang Việt Hùng – giám đốc điều hành Công ty TNHH phát triển PTN (TP.HCM) – đặt câu hỏi là đa số DN xuất khẩu cao su trên địa bàn TP.HCM gần một năm qua không được hoàn thuế, trong khi các DN ở địa phương khác vẫn được cơ quan thuế hoàn bình thường. Vậy lý do là gì?
Chúng tôi chậm nộp thuế chúng tôi phải nộp phạt, vậy ai sẽ là người chi trả cho chúng tôi khi thuế chậm hoàn?
Ông Vũ Anh Phong (giám đốc Công ty CP cao su Việt Phú Thịnh)
Cơ quan thuế nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Duy Minh – cục trưởng Cục Thuế TP.HCM – nói cơ quan thuế vẫn tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế VAT, nơi nào chỉ đạo miệng không tiếp nhận hồ sơ, DN cứ phản ánh.
Tuy nhiên, ông Minh nói thêm rằng về quy định chung, các DN xuất khẩu đều thuộc diện được hoàn thuế VAT nhưng vừa qua có những trường hợp khi xác minh với phía Trung Quốc thì DN mà phía Việt Nam xuất khẩu hàng không tồn tại.
Trả lời câu hỏi liệu có tình trạng một số DN làm sai khiến cơ quan thuế ách hồ sơ hàng loạt DN khác, ông Minh cho biết đúng là vừa qua có những thông tin về chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT khiến cho có những việc cơ quan thuế phải rà soát. Nhưng cái nào đúng thì cơ quan thuế phải giải quyết hoàn thuế chứ không phải vì đó mà tắc.
Vậy quá trình xác minh “từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng” của cơ quan thuế bao lâu? Ông Minh cho biết theo quy định chỉ 40 ngày, nếu có kéo dài cũng chỉ thêm 20 ngày là phải trả lời rõ cho DN là hoàn hay không hoàn. Còn việc cơ quan thuế tìm cách này hay cách khác để kéo dài hay vận động DN rút hồ sơ hoàn thuế là sai.
“Trên thực tế trong quá trình xác minh có DN F2, F3 bỏ địa chỉ kinh doanh dẫn đến cơ quan thuế bị tắc nhưng việc xác minh là việc nội bộ của ngành thuế. Còn khi xác minh thấy rằng DN đã thực hiện hợp đồng, đã thanh toán đủ, có chứng thực hải quan thì cơ quan thuế đều giải quyết hoàn thuế”, ông Minh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Vinh, giám đốc Công ty TNHH thương mại Hoàng Dũng, cho biết nguyên nhân dẫn đến ách tắc bắt nguồn từ công văn 633 về thanh tra, kiểm tra DN có rủi ro về hoàn thuế VAT.
Trong đó, Tổng cục Thuế yêu cầu việc kiểm tra hoàn thuế VAT phải xác minh qua các khâu trung gian từ F1, F2, F3… đến khâu cuối cùng. Trường hợp các DN F1, F2, F3… không thuộc địa bàn của cục thuế quản lý thì làm văn bản gửi các cục thuế có liên quan để phối hợp rà soát, đối chiếu và gửi kết quả.
Sau đó ngày 9-3-2022, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành công văn số 1694 yêu cầu đoàn thanh tra thực hiện “công tác xác minh đến khâu cuối cùng, kết quả kiểm tra xác minh đối với DN F1, F2… đến khâu cuối cùng (trồng rừng)”.
“Trên thực tế chín năm trước Bộ Tài chính đã từng ban hành quy định này nhưng không thể thực hiện được nên buộc phải sửa bằng công văn 13706. Theo đó, quy định cơ quan thuế chỉ xác minh với DN bán hàng trực tiếp cho DN xuất khẩu để thực hiện hoàn thuế và việc kiểm tra xác minh các chứng từ này chỉ thực hiện trong thời gian 40 ngày. Ách tắc trong hoàn thuế VAT được tháo gỡ.
Còn hiện nay Tổng cục Thuế lại lập lại quy định hoàn thuế đã từng gây khó cho DN. Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các cục thuế thực hiện đúng quy định tại công văn 13706″, ông Nguyễn Quang Vinh kiến nghị.
Đề nghị kiểm tra xác minh trong 40 ngày
Vừa qua, tập thể DN cao su có trụ sở đóng trên địa bàn TP.HCM đã có đơn kiến nghị tập thể đề nghị Hiệp hội Cao su có văn bản gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM hoàn thuế cho DN theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính tại công văn 13706 là chỉ xác minh với DN bán hàng trực tiếp cho DN xuất khẩu để thực hiện hoàn thuế và việc kiểm tra xác minh các chứng từ này chỉ thực hiện trong thời gian 40 ngày.
Lo “chỉ đạo miệng”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số DN cho biết không chỉ ách hồ sơ hoàn thuế, kể từ tháng 2-2022 đến nay cơ quan thuế “chỉ đạo miệng” không cho DN nộp hồ sơ hoàn thuế những tháng tiếp theo. Riêng hồ sơ tháng
12-2021, tháng 1-2022 thì đến DN vận động rút hồ sơ về vì… theo quy định 40 ngày kể từ ngày DN nộp hồ sơ cơ quan thuế phải giải quyết hồ sơ, trong khi mãi gần một năm qua cơ quan thuế không hoàn thuế.
Chưa kể tuần nào cơ quan thuế cũng gửi văn bản xuống DN yêu cầu ký bổ sung, thực ra là một cách kéo dài thời gian kiểm tra vì trong thời gian kiểm tra thì ngưng hoàn thuế.