22/01/2025

Đến năm thứ 3, chán nản ngành học: Sinh viên nên tiếp tục hay dừng lại?

Đến năm thứ 3, chán nản ngành học: Sinh viên nên tiếp tục hay dừng lại?

Nhiều sinh viên học đến năm 3 nhưng vẫn còn mơ hồ về chuyên ngành mà bản thân lựa chọn và lưỡng lự giữa việc tiếp tục cố gắng hay dừng lại.

 

 

Mơ hồ về định hướng tương lai

Học đại học với tâm lý ráng cầm cự vì chọn sai ngành nghề không phải là câu chuyện xa lạ đối với sinh viên hiện nay. Thế nhưng, không phải ai cũng đủ can đảm dành thời gian dừng lại, tìm hiểu đam mê thật sự của bản thân.

Chia sẻ về cơ duyên chọn ngành sư phạm Nga, Nguyễn Võ Quỳnh Giang (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết đây thực ra là nguyện vọng 2 của cô. Tuy yêu thích công việc liên quan đến ngoại ngữ nhưng Giang thật sự muốn theo đuổi ngành ngôn ngữ Trung.

Nữ sinh viên tâm sự cô không đặt nhiều kỳ vọng với ngành học hiện tại nhưng không dám thi lại ngành khác vì phải thuyết phục gia đình. “Bắt đầu lại từ đầu cần phải đủ nỗ lực, bỏ thời gian học lại, ôn thi lại, và tìm được đúng ngành mà mình sẽ theo đuổi hết 4 năm đại học, chứ không đơn giản chán nản là có thể bỏ”, Giang bộc bạch.

Còn Nguyễn Đoàn Yến Thơ (20 tuổi, sinh viên ngành báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết, ước mơ lớn nhất của cô là trở thành MC (người dẫn chương trình) truyền hình. Ban đầu, Thơ chọn ngành báo chí vì nghĩ rằng có khả năng viết lách. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, Thơ nhận thấy chuyên ngành này không phù hợp với năng lực của mình.

Dù đã có lúc muốn dừng việc học để tập trung học kỹ năng làm MC nhưng nữ sinh viên vẫn tiếp tục đến giảng đường vì sợ làm bố mẹ thất vọng.

Nói đến lý do sinh viên Việt Nam ngại dừng lại để tìm hướng đi mới, Thơ bày tỏ: “Tôi cũng như những bạn đồng trang lứa cố gắng học trong sự tẻ nhạt, ráng cầm cự vì nghĩ tới công sức của bố mẹ đã nuôi mình ăn học đến bây giờ. Một số bạn khác lại thấy tiếc nuối thời gian đã bỏ ra nên đành ‘phóng lao thì phải theo lao’, không dám mạo hiểm”.

Đến năm thứ 3, chán nản ngành học: Sinh viên nên tiếp tục hay dừng lại? - ảnh 1
Yến Thơ (áo đen) đã nhiều lần trăn trở về việc đổi ngành học  CLB SÂN KHẤU VÀ ĐIỆN ẢNH TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN TP.HCM

Dừng lại để hiểu mình

Trong khi đó, có những sinh viên quyết định tạm ngừng việc học để chọn lại chuyên ngành phù hợp. Chẳng hạn, Nguyễn Anh Kiệt (21 tuổi) đang học song bằng gồm ngành văn học, chuyên ngành biên kịch điện ảnh-truyền hình (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) và đạo diễn điện ảnh-truyền hình (Trường ĐH Sân khấu-Điện Ảnh TP.HCM).

Trước đó, Kiệt từng là sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nhưng nhận thấy bản thân không theo kịp chương trình nên quyết định tạm ngừng một năm để chọn học ngành khác.

“Lúc đó, tôi rất hoang mang, không rõ liệu rằng ngành học mới có phù hợp hay không. Đến tận khi có giấy báo trúng tuyển, tôi mới báo tin cho gia đình biết. Ban đầu mẹ trách vì sao tôi không cho gia đình biết sớm hơn mà phải chịu đựng mọi thứ một mình. Cuối cùng gia đình cũng đã dần hiểu và chấp nhận đam mê của tôi”, Kiệt bộc bạch.

Nam sinh viên chia sẻ đã cố tự tạo ra một cơ hội “dừng lại để hiểu mình”. “Những công việc làm thêm giúp tôi có nhiều trải nghiệm và nhận ra đam mê của mình. Ngoài ra, để ôn thi lại, tôi cũng đã dành nhiều thời gian ôn tập lại kiến thức ở bậc THPT, rồi tự học thêm về cách cảm thụ phim để thi vào Trường ĐH Sân khấu-Điện Ảnh TP.HCM”, Kiệt chia sẻ.

Đến năm thứ 3, chán nản ngành học: Sinh viên nên tiếp tục hay dừng lại? - ảnh 2
Anh Kiệt mong rằng các sinh viên nên suy nghĩ thật kỹ trước khi chuyển ngành  NVCC

Từng được người thân định hướng theo ngành luật, H.Đ.K.L (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã quyết định bảo lưu kết quả học tập, bất chấp sự phản đối từ gia đình.

Nữ sinh viên kể cô đã chịu rất nhiều áp lực dẫn đến trầm cảm nhưng đã quyết tâm thi lại và đỗ vào ngành văn học, chuyên ngành biên kịch điện ảnh-truyền hình (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM).

“Ban đầu, tôi còn định không học đại học mà chuyển qua học nghề may. Tuy nhiên, trong thời gian bảo lưu kết quả học tập, tôi bắt đầu đam mê nghiên cứu phim ảnh và quyết tâm ôn thi lại. Đến tận ngày tới trường nộp hồ sơ để bước vào ngành học mới, tôi vẫn còn một chút lưỡng lự và tự liệu rằng bản thân sẽ lại từ bỏ một lần nữa hay không. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, tôi rất hài lòng với ngành học của mình”, L. tâm sự.

 

Hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (cựu giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng việc quyết định dừng lại và lựa ngành học mới đòi hỏi sinh viên phải có bản lĩnh và sự tự tin nhất định.

“Sinh viên nên chuẩn bị kế hoạch ngắn hạn lẫn dài hạn để chia sẻ và thuyết phục bố mẹ. Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. Vì thế, hãy lựa chọn ngành nghề bản thân thật sự đam mê và phù hợp với nhu cầu xã hội. Đứng trước những khó khăn, hãy tìm cách chia sẻ với bố mẹ, vạch ra những mục đích, hướng đi để chứng minh”, ông An nhắn nhủ.

Trả lời PV Thanh Niên bên lề triển lãm du học Hoa Kỳ gần đây tại TP.HCM, tiến sĩ David M. Shafer của ĐH công lập North Carolina (Mỹ), chia sẻ: “Gap year (năm tạm ngừng) ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, với hai người con đang học đại học, tôi không khuyến khích sinh viên năm cuối tạm ngừng việc học để chọn ngành nghề khác. Các bạn hãy nghĩ đến 3 năm học tập và số tiền học phí đã bỏ ra. Tại sao bạn không hoàn thành chương trình học rồi tìm việc làm và tiếp tục học ngành khác?”.

“Trong thời đại ngày nay, chúng ta đâu nhất thiết tốt nghiệp ĐH, ra trường là có thể làm đúng chuyên ngành của mình. Đôi khi bạn cảm thấy chán nản với ngành học hiện tại nhưng nó có thể mở ra nhiều cơ hội cho bản thân trong tương lai”, tiến sĩ Shafer nói.

 

Đồng hành cùng con

Cũng có những bậc phụ huynh thấu hiểu và sẵn sàng đồng hành cùng con trong hành trình gap year.

Kể về trải nghiệm cùng con gap year, bà Võ Thị Phương (46 tuổi, ngụ ở Huế) cho biết luôn ủng hộ con gái được học ở môi trường tốt nhất và tôn trọng đam mê của con. Vì thế, con gái tên Phạm Thị Kiều Oanh (20 tuổi) ngỏ ý muốn gap year để ôn thi lại vào ngành kế toán Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, bà Phương không phản đối quyết định của con.

 

TRÂM TRẦN – HOÀI THƯƠNG

TNO