22/12/2024

Pháp, Đức đối đầu thương mại với Mỹ

Pháp, Đức đối đầu thương mại với Mỹ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gặp nhau tại Paris ngày 26-10 với nụ cười và cái bắt tay. Hai bên đã gác lại những bất hoà riêng và cùng tìm phương án đối phó với Mỹ về vấn đề thương mại.

 

 

 

 

Pháp, Đức đối đầu thương mại với Mỹ - Ảnh 1.

Thủ tướng Olaf Scholz (trái) và Tổng thống Emmanuel Macron tại Điện Elysee, Pháp, ngày 26-10 – Ảnh: REUTERS

 

Hiện đang có căng thẳng giữa Pháp và Đức nhưng quan hệ hai nước vẫn là động cơ của châu Âu. Để châu Âu hoạt động, động cơ này phải hoạt động.

Báo L’Express dẫn lời ông Stéphane Dion, đại sứ Canada tại Paris, cho biết.

Lãnh đạo hai đầu tàu kinh tế của châu Âu chỉ trích Mỹ “cạnh tranh không lành mạnh” và không loại trừ phương án trả đũa Washington.

 

Gác lại bất hoà

Theo Hãng tin AFP, trong những tuần gần đây, mối quan hệ giữa Paris và Berlin gia tăng bất hòa do áp lực từ chiến sự Ukraine và những tác động mạnh mẽ của cuộc chiến, đặc biệt là với thị trường năng lượng.

Về quốc phòng, Pháp đang bối rối trước kế hoạch của Đức về việc lập lá chắn tên lửa chung với các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sử dụng thiết bị của Mỹ. Trong khi đó, các dự án dài hạn hơn trong việc phát triển máy bay chiến đấu và xe tăng mới đang bị đình trệ.

Việc Đức chi tới 200 tỉ euro (hơn 200 tỉ USD) để trợ cấp giá khí đốt tăng vọt và từ chối thiết lập mức giá trần năng lượng trên toàn châu lục khiến Pháp và các nước Liên minh châu Âu (EU) khác lo ngại ảnh hưởng tới chi phí năng lượng tại nước họ.

Kế hoạch này được triển khai mà không có sự tham vấn của các đối tác châu Âu, đã gây ra sự hiểu lầm lớn và lo ngại về việc bóp méo cạnh tranh ở châu Âu, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, sau cuộc họp kéo dài hơn một tiếng so với dự kiến, bao gồm phiên dịch trực tiếp mà không có cố vấn, Thủ tướng Đức Olaf Scholz viết trên Twitter: “Đức và Pháp vẫn gần gũi và cùng nhau vượt qua những thách thức”.

Các quan chức Đức cho biết cuộc nói chuyện dài 3 giờ 20 phút mà hai nhà lãnh đạo dành cho nhau là một “cuộc trò chuyện rất mang tính xây dựng và hướng tới tương lai” và rằng hai bên thân thiết với nhau hơn những gì báo chí đưa tin.

Tuy nhiên, không rõ liệu có tiến bộ nào đạt được trong các vấn đề mà hai nước đang gặp khó khăn hay không.

 

Mối quan tâm chung

Sau khi công khai “làm lành”, hai nhà lãnh đạo Pháp – Đức lập tức hướng tới mục tiêu chung là cảnh báo về việc cạnh tranh “không lành mạnh” từ Mỹ và cân nhắc khả năng đáp trả.

Trong bữa trưa gồm cá, rượu vang và sâm panh tại Paris, ông Macron và ông Scholz nhất trí các kế hoạch trợ cấp gần đây của Chính phủ Mỹ là “những biện pháp bóp méo thị trường” nhằm thuyết phục doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ.

Theo đó, hai nước cho rằng không thể tiếp tục ngồi yên nếu Mỹ thúc đẩy đạo luật giảm lạm phát. Đạo luật này cắt giảm thuế và trợ cấp năng lượng cho các công ty đầu tư trên đất Mỹ, qua đó khuyến khích người tiêu dùng “mua hàng Mỹ” khi mua xe điện, gián tiếp ảnh hưởng đến ngành công nghiệp xe hơi lâu đời của Pháp và Đức.

Thông điệp từ Paris là nếu Mỹ không thu hẹp quy mô, EU sẽ đáp trả bằng các kế hoạch khuyến khích tương tự. Trang Politico đánh giá điều này có thể đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào cuộc đối đầu thương mại mới.

Sau cuộc trò chuyện với lãnh đạo Đức, ông Macron phát biểu trên kênh truyền hình France 2 rằng cần phải có “đạo luật mua hàng châu Âu”, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc và đối phó với kế hoạch khuyến khích mua hàng trong nước của Mỹ.

“Chúng ta cần đạo luật mua hàng châu Âu giống như Mỹ. Chúng ta cần dành trợ cấp cho các nhà sản xuất châu Âu của chúng ta”, tổng thống Pháp nói trên kênh truyền hình France 2.

Ông Macron chỉ trích EU “quá cởi mở” trong vấn đề trợ cấp nhà nước cho ô tô điện, trong bối cảnh châu lục này đang tìm cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh hơn.

“Trung Quốc đang bảo vệ ngành công nghiệp của họ, Mỹ đang bảo vệ ngành công nghiệp của họ và châu Âu là một ngôi nhà mở”, ông Macron nêu.

Pháp là nước dẫn đầu các nỗ lực chống lại đạo luật giảm lạm phát gần đây của Mỹ. EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga đều đã khiếu nại Tổ chức Thương mại thế giới rằng đạo luật của Mỹ vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, do đối xử không công bằng với các nhà sản xuất nước ngoài.

Theo một cố vấn của tổng thống Pháp, trước mắt ông Macron và ông Scholz đã nhất trí thúc đẩy Ủy ban châu Âu chuẩn bị phản ứng với đạo luật giảm lạm phát của Mỹ. Tuy nhiên, với những hướng đi có phần riêng rẽ thời gian qua, chưa rõ hai nhà lãnh đạo có cùng quan điểm về các bước cần thực hiện hay không.

 

Pháp chỉ trích Mỹ “tiêu chuẩn kép”

Hôm 21-10, Tổng thống Pháp đã chỉ trích chính sách năng lượng và thương mại của Mỹ là “tiêu chuẩn kép”. Cụ thể là giá năng lượng trong nước ở Mỹ thấp, trong khi họ bán khí đốt tự nhiên cho châu Âu với mức giá cao kỷ lục.

Trong một cuộc tranh luận tại quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã chỉ trích việc Mỹ bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho các công ty châu Âu với “giá cao gấp 4 lần giá mà nước này bán trong nước”.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng Mỹ “gây nguy hiểm cho sân chơi bình đẳng” và làm tăng nguy cơ xảy ra “một cuộc chiến thương mại mới”.

MINH KHÔI
TTO