Vụng về nhưng tràn trề yêu thương
Vụng về nhưng tràn trề yêu thương
Mạng xã hội và các phương tiện truyền thông không phải tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Ngược lại, nếu biết tận dụng, nó sẽ khiến chúng ta kết nối lại gần nhau hơn khi không đủ can đảm để bày tỏ tình yêu thương trực tiếp.
Thông điệp này được chuyển tải một cách sinh động và đầy cảm xúc thông qua triển lãm đặc biệt mang tên “Vụng về nhưng tràn trề”.
Diễn ra từ ngày 15 đến 21-10 tại Ươm Art Hub (42/58 Hoàng Hoa Thám, phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM), triển lãm thu hút hàng trăm lượt người xem và cùng với đó là nhiều câu chuyện xúc động về tình cảm gia đình, cha mẹ và con cái.
Bỏ tiền túi làm triển lãm
Nói về lý do hình thành ý tưởng cho triển lãm, blogger Hoài – trưởng ban tổ chức (BTC) triển lãm – cho biết: “Tôi từng lén mẹ âm thầm nghỉ việc vì sợ mẹ thất vọng, buồn bã về tôi. Mãi đến khi tôi đi thiện nguyện 14 ngày tại Hà Nội, mẹ mới biết rằng tôi đã nghỉ việc.
Thế nhưng, trái ngược với suy nghĩ của tôi, mẹ chỉ nhắn tin nói nhớ tôi và hỏi rằng “Con có còn tiền xài không?”. Từ đó tôi và mẹ trở nên gần gũi và nói chuyện nhiều hơn.
Bất giác tôi nghĩ rằng gia đình nào cũng có những câu chuyện rất riêng nhưng cũng rất đặc trưng cho một gia đình châu Á. Thế là tôi tổ chức triển lãm này để cho mọi người thấy rằng, với nhiều người tình cảm là thứ khó bày tỏ, nhưng hãy cho họ một cơ hội để làm điều đó, dù là vụng về”.
Việc tổ chức triển lãm gặp rất nhiều khó khăn về mặt kinh phí, nhất là khi chị Hoài vừa nghỉ việc. Dù đã được hỗ trợ từ một số nhà tài trợ cũng như gia đình, nhưng phần lớn kinh phí làm triển lãm là tiền tiết kiệm của chị Hoài.
“Làm xong triển lãm tôi như một kẻ rỗng túi” – chị bật cười khi nói đến đây. Nhưng với chị, thứ chị mong muốn làm nhất lúc này là lan tỏa một thông điệp tích cực đến cộng đồng: mỗi người đều xứng đáng được lắng nghe câu chuyện của mình, cũng như có một “vùng biên giới” cần được tôn trọng, dù họ là ai đi nữa.
Không gian triển lãm “Vụng về nhưng tràn trề” được chia thành ba giai đoạn: lần đầu, lần hiểu và lần cuối – dựa trên trình tự thời gian. Tại đây trưng bày khoảng 20 tin nhắn có thật được cộng đồng đóng góp cho BTC và đã được xác thực.
Nếu ở “lần đầu”, người xem sẽ được chứng kiến những kỷ niệm đầu đời khó quên dưới cái nhìn của một người con với cha mẹ, thì “lần hiểu” là lời yêu thương vụng về cha mẹ cất lên sau những cuộc tranh cãi, giận hờn.
Khép lại không gian triển lãm, khu trưng bày những tin nhắn “lần cuối” đã khiến nhiều người bật khóc vì đó là những tin nhắn cuối cùng của chủ nhân mẩu tin nhắn với cha hoặc mẹ trước khi họ qua đời.
Thấu hiểu để rút ngắn khoảng cách thế hệ
Tại buổi khai mạc, Minh Trí, hay còn được biết đến với cái tên Nhím – một nghệ sĩ độc lập thuộc tổ chức nghệ thuật Homeland Artists được nhiều bạn trẻ yêu nghệ thuật mến mộ, cho rằng đôi khi khoảng cách thế hệ đã khiến cho cha mẹ và con cái trở nên xa cách. Cách giải quyết tốt nhất đó chính là trang bị đầy đủ kiến thức cho bản thân cũng như thử đặt mình vào vị trí của người khác.
“Bố mẹ tôi sinh ra trong sự bất ổn của chiến tranh, ngay ở tỉnh Quảng Trị chia đôi hai miền. Thế nên trong mắt họ, cuộc sống ổn định là điều được ưu tiên nhất. Còn tôi lại khao khát được tự do, do đó tôi từng có một khoảng thời gian rất khó khăn khi đối diện với bố mẹ mình.
Nhưng càng trưởng thành, tôi nhận ra đó là vì cả hai bên chưa từng thử thấu hiểu lẫn nhau. Tôi đã thử cố gắng chia sẻ với bố mẹ và tìm được tiếng nói chung khi cả hai đã đồng ý cho tôi đi theo con đường riêng của mình” – anh chia sẻ.
Một trong những trường hợp gây ấn tượng nhất với BTC là vị khách tên Tiên đến từ Trảng Bom, Đồng Nai. Chị cùng mẹ, dì, hai em và hai người con của mình lặn lội từ Đồng Nai lên TP.HCM hơn 1 tiếng rưỡi chỉ để xem triển lãm. Chị Tiên cùng người nhà của mình lặng lẽ đọc từng tờ ghi chú, sau khi đọc xong 20 câu chuyện, chị run giọng, nước mắt chảy dài.
“Khi biết về triển lãm, tôi cảm thấy như được “chạm”. Tôi như thấy mình trong những câu chuyện ở buổi triển lãm này, có lẽ bình thường tôi đã cố gắng bỏ qua hoặc phớt lờ nó đi vì cuộc sống còn có nhiều thứ lo toan. Nhưng khi đã làm mẹ, tôi mới hiểu rằng cha mẹ tôi trước đây không hề cố ý làm tổn thương tôi, chỉ là tình yêu của họ chưa hoàn hảo” – chị Tiên trải lòng.
Hay với Dương Thảo Vy (21 tuổi, sống tại quận 8, TP.HCM), cô đã bật khóc khi xem xong phần “lần cuối”: “Tôi rất ấn tượng với nội dung mà buổi triển lãm muốn truyền tải. Tôi là người sống xa nhà, vậy nên sau khi xem xong, có cái gì đó đã thôi thúc tôi nghĩ ngay đến cha mẹ mình cùng những kỷ niệm tươi đẹp với họ. Chắc chắn sau triển lãm này tôi sẽ gọi điện ngay cho cha mẹ”.
Bịch khăn giấy lau… nước mắt
Một số hình ảnh được trưng bày tại triển lãm. Những nét vẽ, chữ viết đơn giản nhưng đong đầy cảm xúc – Ảnh: N.QUỲNH
Bên cạnh trưng bày hình ảnh tin nhắn, “Vụng về nhưng tràn trề” còn trưng bày những dòng ghi chú viết tay căn dặn của mẹ mỗi khi mẹ vắng nhà, cũng như tổ chức một số hoạt động trò chơi giúp tăng tính tương tác giữa người tham gia và gia đình.
Thông qua trò chơi, có thể nhận thấy rằng đôi khi một số gia đình đã quen với lối sống không bày tỏ tình cảm quá nhiều, vì vậy khi lời yêu thương được cất lên, đó là điều “bất thường”.
Đỗ Trần Nghi Uyên (24 tuổi, sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM), một người tham gia trò chơi, nhận nhiệm vụ gửi tin nhắn “Nhớ mẹ quá” đến mẹ của cô và nhận lại tình huống “dở khóc dở cười”. Mẹ của Uyên liên tục gọi điện thoại và cho rằng “sợ cô bị bắt cóc” sau khi bà đọc dòng tin nhắn đó.
Khi ghé thăm triển lãm, mọi người cũng sẽ có cơ hội chia sẻ trực tiếp câu chuyện của mình bằng cách viết hay vẽ trong một cuốn sổ được chuẩn bị sẵn. Thu hút được nhiều đối tượng tham gia, quyển sổ là sự tập hợp của những nét vẽ ngây ngô về một mái nhà, mâm cơm… đến những dòng tâm sự giàu cảm xúc khó giãi bày ở bên ngoài.
Nói về kết quả của buổi triển lãm, chị Hoài rất vui khi đứa con tinh thần của mình đã chạm đến trái tim nhiều người: “BTC đã chuẩn bị một bịch khăn giấy 180 tờ dùng để lau nước mắt và khi chương trình kết thúc chỉ còn lại 20-30 tờ”.
Ngoài ra, chị cảm thấy thành công vì đã dám vượt qua những rào cản, giới hạn của bản thân để đóng góp cho cộng đồng. Trong tương lai, chị Hoài có ý định tổ chức thêm nhiều “Vụng về nhưng tràn trề” ở những tỉnh, thành khác nhau trên cả nước để tiếp tục lan rộng những giá trị tốt đẹp về hạnh phúc.
Cần thường xuyên bày tỏ tình cảm
ThS Lê Ngọc Bích Trâm, giảng viên khoa tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá việc thể hiện những cảm xúc, tình yêu thương trong gia đình là một trong những yếu tố quan trọng để thiết lập mối quan hệ gắn bó giữa cha mẹ và con cái.
“Yêu thương và được yêu thương là một trong những nhu cầu cơ bản và quan trọng của con người dựa trên nghiên cứu của nhà tâm lý học A. Maslow. Việc cha mẹ thường xuyên bày tỏ tình cảm với con cái ngay từ khi còn nhỏ không chỉ giúp con được nuôi dưỡng trong tình yêu thương, tạo sự tự tin về hình ảnh bản thân, biết cách ứng xử với các mối quan hệ xã hội mà còn giúp con có thể thể hiện tình yêu thương với người khác và chính mình” – cô Trâm chia sẻ.