22/01/2025

Cơ hội cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu

Cơ hội cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu

Trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam, bà Whitney Baird, Phó trợ lý Bộ trưởng phụ trách kinh tế và kinh doanh của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã trả lời riêng Thanh Niên về chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu trong bối cảnh mới.

 

 

 

Bà Whitney Baird (ảnh) đến Việt Nam tham dự Diễn đàn Bộ trưởng OECD – Đông Nam Á trong Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), do Úc và Việt Nam đồng chủ tịch. Mục đích là nhằm xây dựng quan hệ đối tác chặt chẽ hơn giữa OECD và các nước Đông Nam Á. “Đối với chính phủ Mỹ, chúng tôi tin rằng việc tổ chức OECD, nhóm các nước gắn bó với nhau bằng các giá trị chung và mong muốn đạt tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, có thể củng cố quan hệ với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là điều rất quan trọng”, bà cho biết.

 

Tầm nhìn của Mỹ về chuỗi cung ứng mới

Cơ hội cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu - ảnh 1

Mỹ đang cố gắng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19 cũng như những căng thẳng địa chính trị và tình hình thời tiết cực đoan. Về vấn đề này, bà Baird cho hay đại dịch Covid-19 đã phơi bày nhu cầu cấp bách cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng để đảm bảo tránh được tình trạng dễ bị tổn thương nếu chỉ tập trung vào một quốc gia, một khu vực hoặc một nhà sản xuất đơn lẻ. Bên cạnh đó, việc chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Ukraine cũng cho thấy cần hợp tác để đảm bảo có được chuỗi cung ứng bền bỉ, đa dạng hóa mạnh mẽ. “Từ góc độ của chúng tôi, Việt Nam chắc chắn đang ở vị trí tốt để trở thành một đối tác quan trọng trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, nữ quan chức Mỹ cho biết.

Về thách thức của chuỗi cung ứng mới, bà Baird nhận định đó chính là phải đảm bảo đa dạng hóa sản xuất. “Đối với chính phủ Mỹ, một phần trong các quan hệ đối tác cung ứng mà chúng tôi đang đẩy mạnh, thông qua Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) và những thỏa thuận đối tác khác với các nước, là nhằm đảm bảo mỗi chúng ta hợp tác cùng nhau để đa dạng hóa sản phẩm sao cho nước nào cũng có lợi. Khi xảy ra đứt gãy trong chuỗi cung ứng, chúng ta có khả năng chuyển hoạt động sản xuất hoặc chuyển nguồn cung sang nước khác”, theo bà.

“Về khuôn khổ IPEF, chúng tôi rất vui khi Việt Nam đã quyết định tham gia cả 4 trụ cột, trong đó có trụ cột về chuỗi cung ứng. Hiện đã có 13 nước tham gia IPEF, nên chúng tôi xem đây là cơ hội thật sự để mở rộng thảo luận thương mại, trong đó có thảo luận về chuỗi cung ứng, với đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam”, bà Baird nói.

Cơ hội cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu - ảnh 2
Hoạt động bốc dỡ container tại Cảng Trường Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM  NGỌC DƯƠNG

Cơ hội Việt Nam nâng cao vai trò trong chuỗi cung ứng

Đến nay, lợi thế của Việt Nam là chi phí sản xuất và lao động thấp. Bà Whitney Baird cho rằng để nâng cao vai trò của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới, Việt Nam cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. “Trong chuyến thăm cảng Cát Lái (TP.HCM), tôi được biết USAID và Hải quan Việt Nam đang hợp tác để cải thiện hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại. Vì thế, tôi nghĩ cần tập trung phát triển hạ tầng và đầu tư nâng cao hiệu quả trong quá trình xử lý”, bà phân tích. Bên cạnh đó, điều thứ hai là đầu tư vào nguồn nhân lực và không chỉ quan trọng cho Việt Nammà cả cho Mỹ. “Nâng cao kỹ năng, tái đào tạo kỹ năng, đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là các môn STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), sẽ giúp chuẩn bị được nguồn nhân lực. Tôi cho rằng đó là công việc phải được liên tục thực hiện không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Mỹ và mọi quốc gia khác”, bà nhấn mạnh.

 

Mỹ đánh giá cao không khí kinh doanh tại Việt Nam

Bà Whitney Baird cho biết trong cuộc gặp với ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông khẳng định doanh nghiệp Mỹ rất được chào đón ở TP.HCM. Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam cũng chia sẻ với bà về không khí kinh doanh rất tốt ở Việt Nam. Theo bà, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh tốt trong mặt bằng khu vực. Bà cũng kêu gọi hãy đảm bảo phụ nữ được tham gia trọn vẹn vào mọi lĩnh vực đời sống để có thể thật sự khai thác hết tiềm năng tăng trưởng của một quốc gia.

Bà Baird cũng lưu ý trong lúc các nước đang chuẩn bị cho một thế giới sẽ thay đổi vì biến đổi khí hậu, cần phải tính toán đến yếu tố này trong mọi quyết định đầu tư. Bà kêu gọi tăng cường đầu tư vào chuyển đổi năng lượng sạch, xe điện như là phương hướng cho tương lai. “Hãy cân nhắc những điều này để đảm bảo doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác được cơ hội”, bà nói.

THUỴ MIÊN

TNO