23/12/2024

Mở rộng cửa ngõ phía đông TP.HCM

Mở rộng cửa ngõ phía đông TP.HCM

Sau khi khởi công cầu Nhơn Trạch, khởi động Vành đai 3, TP.HCM lên kế hoạch bổ sung thêm những cây cầu kết nối với tỉnh Đồng Nai để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội giữa hai địa phương và cả vùng.

 

 

Đột phá kinh tế toàn vùng

Nếu như TP.HCM được xem là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước thì Đồng Nai lâu nay vẫn được mệnh danh là “thủ phủ” cả về công nghiệp lẫn chăn nuôi của cả nước. Chính vì vậy, nhu cầu kết nối về giao thông để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội giữa hai địa phương là rất lớn.

Mở rộng cửa ngõ phía đông TP.HCM - ảnh 1
Càng có nhiều cầu nối TP.HCM – Đồng Nai, việc kết nối, phát triển kinh tế vùng sẽ càng được thúc đẩy. Vị trí dự kiến xây cầu Nhơn Trạch   NGỌC DƯƠNG

Hiện nay, kết nối giao thông đường bộ giữa TP.HCM và Đồng Nai thông qua 3 tuyến đường chính gồm: QL1A qua cầu Đồng Nai; QL1K qua địa phận Bình Dương sang Đồng Nai qua cầu Hóa An và tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây qua cầu Long Thành. Riêng khu vực phía tây nam của Đồng Nai kết nối với TP.HCM qua phà Cát Lái. Theo Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), không chỉ ít về số lượng, thực trạng hiện nay của cả 3 tuyến giao thông kết nối chính giữa hai địa phương cũng rất đáng lo ngại khi tất cả đều đang quá tải.

Cụ thể, đối với tuyến QL1K, cầu Hóa An có quy mô 4 làn xe đang khai thác với lưu lượng vượt quá năng lực thiết kế là 48.000 PCU/ngày đêm (PCU là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn), tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra. Tương tự, tuyến QL1A, cầu Đồng Nai có quy mô 8 làn xe cũng đang khai thác với lưu lượng 216.000 PCU/ngày đêm, vượt xa năng lực thiết kế là 96.000 PCU/ngày đêm. Do đó, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông rất nghiêm trọng. Trong khi đó, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với quy mô 4 làn xe dù mới được đưa vào khai thác khoảng 7 năm cũng đã quá tải trầm trọng và đang mòn mỏi chờ chốt phương án mở rộng. Nhìn chung, năng lực thiết kế của các tuyến đường, cầu kết nối hiện nay là không đủ, không đáp ứng được nhu cầu giao thông – vận tải kết nối giữa hai địa phương. Do đó, cần thiết phải đầu tư mở rộng hoặc bổ sung thêm các tuyến đường kết nối theo quy hoạch.

TS Dương Như Hùng, Khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhấn mạnh TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương nằm trong khu vực chiếm tỷ trọng đóng góp GDP lớn nhất vào nền kinh tế không chỉ vùng phía nam mà của cả nước. Trong đó, thế mạnh của TP.HCM là dịch vụ, Đồng Nai và Bình Dương là sản xuất. Càng kết nối đi lại dễ dàng, nguồn nhân lực giữa các địa phương càng di chuyển nhanh hơn, lưu thông hàng hóa càng thuận lợi hơn. Chi phí logistics giảm, các doanh nghiệp, nhà sản xuất sẽ tăng lợi thế cạnh tranh, tiếp cận thị trường xuất khẩu dễ dàng hơn, người dân cũng sẽ hưởng lợi lớn khi chi phí đi lại, giá cả hàng hóa giảm. Đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19, các nước đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư, vùng kinh tế trọng điểm phía nam sẽ có lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất lớn.

Theo ông Hùng, một cây cầu được hình thành không chỉ mang ý nghĩa kết nối hai bên bờ sông, kết nối hai địa phương mà còn kéo theo sự phát triển đô thị và kiến tạo nên những cộng đồng dân cư xung quanh khu vực kết nối. Nếu như trước đây hai bên bờ sông chỉ là cây cỏ mọc dại, đất hoang hoặc khu dân cư bình thường thì sau khi có cầu, giá trị bất động sản tại hai đầu cầu sẽ tăng lên nhanh chóng. Những nhà đầu tư sẽ tìm đến, hình thành những khu đô thị cao cấp, khu thương mại sầm uất hoặc những cao ốc, văn phòng. Đặc biệt ở hướng TP.Thủ Đức, nhiều người dân sống ở đây có thể tiếp cận nhanh chóng với các khu vực sản xuất phía Đồng Nai.

Mở rộng cửa ngõ phía đông TP.HCM - ảnh 2
Phối cảnh cầu Nhơn Trạch

Đổi hướng kết nối với Nhơn Trạch để phát triển khu Nam

Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP bổ sung các phương án quy hoạch cầu kết nối TP.HCM với Đồng Nai.

Với khoảng 40 km chiều dài đường sông tiếp giáp giữa hai địa phương (từ cầu Đồng Nai đến cầu Phước Khánh), hiện tại theo quy hoạch có 5 cầu kết nối TP.HCM với Đồng Nai, gồm: cầu Đồng Nai, cầu Long Thành, cầu Nhơn Trạch, cầu Phước Khánh và cầu Cát Lái (tên tạm gọi gắn với thay phà Cát Lái). Trong đó, có 4 vị trí cầu đã và đang được đầu tư xây dựng.

Cụ thể, cầu Đồng Nai (trên QL1A) đã được xây dựng hoàn chỉnh với quy mô 8 làn xe; cầu Long Thành (cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) đã đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, đang nghiên cứu đầu tư xây dựng giai đoạn hoàn thiện 8 làn xe; cầu Phước Khánh (cao tốc Bến Lức – Long Thành) giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe đã hoàn thiện, giai đoạn tiếp sẽ đầu tư 8 làn xe; cầu Nhơn Trạch (trên đường Vành đai 3) đang được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, giai đoạn hoàn thiện sẽ đầu tư 8 làn xe.

Đối với cầu Cát Lái, năm 2017, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy hoạch cầu kết nối giữa khu vực Q.2 (nay là TP.Thủ Đức) với H.Nhơn Trạch, Đồng Nai. Tuy nhiên, Sở GTVT đánh giá khi đầu tư xây dựng công trình sẽ cần điều chỉnh quy hoạch lộ giới đường Nguyễn Thị Định từ 60 – 77 m, quá trình triển khai dự án nguy cơ ùn tắc giao thông trên tuyến, tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác cảng Cát Lái. Mặt khác, hiện nay, dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đã khởi công và TP.HCM có kế hoạch nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu – Vành đai 3. Khi đó, quy mô cầu có thể xem xét điều chỉnh giảm. Trường hợp cầu kết nối H.Nhơn Trạch được đầu tư sau khi có tuyến đường liên cảng sẽ hạn chế ảnh hưởng đến giao thông khu vực nút giao Mỹ Thủy và đường Nguyễn Thị Định.

Mở rộng cửa ngõ phía đông TP.HCM - ảnh 3
 Càng có nhiều cầu nối TP.HCM – Đồng Nai, việc kết nối, phát triển kinh tế vùng sẽ càng được thúc đẩy. Vị trí dự kiến xây cầu Nhơn Trạch LÊ BÌNH

Do đó, Sở GTVT đề xuất điều chỉnh hướng tuyến của cầu Cái Lái theo dự kiến trước đây. Công trình sẽ có điểm đầu trên đường trục Bắc – Nam TP.HCM rồi đi về phía đông vượt rạch Đĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng, trùng tuyến Hoàng Quốc Việt, cắt đường Huỳnh Tấn Phát. Cầu sau đó vượt sông Đồng Nai qua xã Phú Hữu, Phú Đông, H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) rồi đi trùng đường quy hoạch để kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành.

“Ngoài khắc phục các tồn tại của phương án vị trí cũ, vị trí này còn tạo ra một trục giao thông mới (song song cầu Phú Mỹ 2), giúp chia sẻ áp lực giao thông cầu Phú Mỹ hiện hữu; tạo một trục giao thông kết nối các tuyến đường trên cao số 1 – 2 – 3, các tuyến đường trục chính (Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng…) của TP.HCM với tỉnh lộ 25C của Đồng Nai để kết nối hai đô thị, hai sân bay (Tân Sơn Nhất và Long Thành). Đồng thời, sẽ tạo ra trục kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển khu Nam TP”, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM nhận định.

 

Thêm cầu nối từ TP.Thủ Đức

Bên cạnh điều chỉnh hướng tuyến cầu Cát Lái, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị bổ sung quy hoạch 1 cầu kết nối TP.Thủ Đức với xã Tam An, H.Long Thành, Đồng Nai. Cây cầu này là ý tưởng được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề xuất trước đó, nhằm tăng kết nối giao thông, kinh tế giữa hai địa phương.

TS Dương Như Hùng, Khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, phân tích: “Vùng lõi TP.HCM hiện đất chật người đông. Nếu có thể mở thêm hướng giao thông kết nối với các địa phương láng giềng như Đồng Nai, Bình Dương thì nhiều người dân TP có thể chuyển tới sinh sống tại những vùng xa trung tâm thuộc TP.Thủ Đức mà không cần quá lo lắng đến vấn đề di chuyển hằng ngày vào nội đô để làm việc, vui chơi. Đây là một hình thức giãn dân cơ học một cách tự nhiên. Có thể thấy, hoàn thiện hạ tầng giao thông liên vùng không chỉ giúp đột phá kinh tế mà còn có thể thay đổi dung mạo đô thị toàn vùng”.

Hiện nay, có hai phương án đang được các đơn vị thống nhất nghiên cứu kỹ. Trong đó, phương án 1 là hướng tuyến bắt đầu từ đường Vành đai 3 tại vị trí nút giao Gò Công – giao với đường nhánh nối từ Vành đai 3 ra xa lộ Hà Nội. Tuyến đi về hướng đông, vượt sông Tắc để vào địa bàn cù lao Long Phước, hướng tuyến bám theo các trục đường quy hoạch của các đồ án quy hoạch 1/2.000, sau đó tuyến rẽ về phía đông nam để kết nối vào hướng tuyến dự kiến của Đồng Nai. Chiều dài tuyến đoạn qua TP.HCM khoảng 5,4 km.

Đối với phương án 2, hướng tuyến bắt đầu từ nút giao giữa đường D1 và nhánh nối xa lộ Hà Nội. Tuyến đi về hướng đông theo đường quy hoạch chui dưới Vành đai 3, sau đó vượt sông Tắc để vào địa bàn cù lao Long Phước, sau đó tuyến rẽ về phía đông nam giống phương án 1. Chiều dài tuyến đoạn qua TP.HCM khoảng 6 km.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đánh giá với đà phát triển giao thông hiện tại, bộ mặt đô thị, hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, nhu cầu hiện tại và phát triển trong tương lai vẫn đòi hỏi cần mạng lưới giao thông kết nối nhiều hơn nữa. Tỉnh Đồng Nai được coi là “cửa ngõ” vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với dân số gần 3,1 triệu người, đang phát triển mạnh mẽ với giao thương năng động, có ảnh hưởng đến cả các tỉnh Tây nguyên và Bà Rịa-Vũng Tàu, nên càng cần được tăng cường phát triển về hạ tầng giao thông. Đồng Nai và TP.HCM cách biệt bởi các sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Việc kết nối vùng sẽ được thúc đẩy khi càng có nhiều điểm nối giao thông ở các lát cắt tại các dòng sông này thông qua việc xây dựng các cây cầu.

HÀ MAI

TNO