24/12/2024

Cơ hội tỉ USD từ viên nén gỗ

Cơ hội tỉ USD từ viên nén gỗ

Châu Âu đối mặt thiếu năng lượng vào mùa đông, viên nén gỗ VN được săn tìm, có cơ hội vượt lên thành mặt hàng xuất khẩu tỉ USD. Dù làm từ những tạp phẩm là chính nhưng vẫn còn không ít rào cản với mặt hàng này.

 

 

 

Cơ hội tỉ USD từ viên nén gỗ - Ảnh 1.

Viên nén gỗ tập kết ra cảng chuẩn bị xuất khẩu – Ảnh: C.TUỆ

Trái ngược với sự chững lại sau nhiều năm tăng trưởng cao của tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ, xuất khẩu viên nén gỗ đang tăng mạnh, góp phần quan trọng để ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2022.

 

Tăng trưởng bất ngờ

Trong chín tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ ước đạt 530 triệu USD, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 có thể đạt trên 700 triệu USD.

Theo một số chuyên gia, với mức tăng trưởng khá bất ngờ của đặt hàng viên nén gỗ từ Việt Nam, cùng năng lực thích ứng nhạy bén của doanh nghiệp trong nước, viên nén gỗ có thể gia nhập nhóm các mặt hàng “tỉ USD” trong tương lai gần.

Ông Vũ Thanh Tùng, giám đốc Công ty CP Smart Wood Việt Nam – công ty chuyên xuất khẩu viên nén gỗ sang Nhật Bản và Hàn Quốc từ năm 2013, cho biết dự báo nhu cầu sử dụng viên nén gỗ thế giới đến năm 2025 khoảng 30 triệu tấn. Từ giữa năm nay, nhiều khách hàng Liên minh châu Âu (EU) đã sang Việt Nam tìm kiếm nguồn cung viên nén gỗ để bù đắp sự giảm sút mang tính khủng hoảng nhiên liệu.

Ông Nguyễn Thanh Phong, tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (Bình Định), thì xác nhận đã phải… từ chối đặt hàng từ EU do công ty hiện chỉ đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu đi Nhật theo hợp đồng đã ký dài hạn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Sỹ Hoài, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt nam (Viforest), cho rằng cuộc xung đột Nga và Ukraine khiến nguồn cung khí đốt khan hiếm, trong khi nhu cầu sử dụng viên nén gỗ để đốt lò sưởi trong mùa đông tại thị trường EU vẫn tiếp tục tăng mạnh. Viên nén gỗ cũng đáp ứng được yêu cầu giảm phát thải nên hiện nay nhiều khách hàng ở EU sang Việt Nam tìm mua, đẩy giá viên nén gỗ có lúc đã chạm đáy dưới 100 USD/tấn, nay lên tới 200 USD/tấn.

 

Nhiều rào cản cần vượt qua

Theo ông Hoài, dù được chào giá cao nhưng xuất khẩu viên nén gỗ từ Việt Nam sang EU vẫn còn khiêm tốn do EU lại đòi hỏi truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rất nghiêm ngặt để đảm bảo gỗ hợp pháp và chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chủ yếu là FSC).

Ông Vũ Thanh Tùng cho hay thị trường chính của VN hiện tại là Hàn Quốc và Nhật Bản. Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 10 – 15% tổng nhu cầu trên toàn thế giới. Muốn tăng trưởng mạnh xuất khẩu không dễ. 

“Khó nhất là vấn đề chứng chỉ. Ngành lâm nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS), nhưng thị trường EU lại ưu tiên chứng chỉ rừng FSC. Nước ta hiện mới chỉ có trên 250.000ha rừng có chứng chỉ FSC. Để các khu rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ mất nhiều thời gian và nguồn lực”, ông Tùng nói.

Tiếp theo là chất lượng viên nén gỗ. Tiêu chuẩn của EU hiện cao hơn hàng xuất khẩu đi Nhật Bản và Hàn Quốc. Ví dụ như độ tro, xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản họ yêu cầu 3% nhưng tại thị trường EU yêu cầu dưới 1%. Điều này đồng nghĩa nguyên liệu đầu vào phải rất sạch, vỏ cây phải bị loại bỏ. Doanh nghiệp có thể chỉ mất một số năm để tìm kiếm nguồn nguyên liệu có chứng chỉ. 

Tuy nhiên, hiện chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu độ tro dưới 1%. Theo một số doanh nghiệp, đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải đầu tư nhiều tiền bạc để cải thiện thiết bị và công nghệ.

 

Cạnh tranh “khốc liệt” nguyên liệu

Ông Ngô Sỹ Hoài cho biết nguồn nguyên liệu cho sản xuất viên nén là từ gỗ rừng trồng (chiếm 75 – 80%) và phế liệu của ngành công nghiệp gỗ (chiếm 20 – 25%). Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng viên nén gỗ đang phải cạnh tranh khốc liệt với dăm gỗ. Giá viên nén tăng mạnh, nhưng Việt Nam cũng không thể tăng tốc xuất khẩu một cách đột biến vì phải cạnh tranh nguyên liệu với dăm gỗ – mặt hàng đang có giá tương đương, quy trình chế biến xuất khẩu đơn giản hơn rất nhiều.

Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài cũng lo ngại vì hiện các nhà máy sản xuất viên nén gỗ đều hoạt động không hết công suất do không đủ nguyên liệu. “Nếu chặt cây tiêu, xoài, mít, điều… làm nguyên liệu thì rủi ro rất lớn và không bền vững”, ông Phong nói.

Giám đốc Công ty CP Smart Wood VN thông tin rằng trước đây các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các phế phẩm ngành chế biến gỗ để tạo ra viên nén. Nhưng từ cuối năm 2021, các doanh nghiệp khó xuất khẩu, thiếu đơn hàng do bị điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. 

“Câu chuyện nguyên liệu là câu chuyện dài hạn. Để phát triển bền vững và các phân khúc sản phẩm trong ngành công nghiệp gỗ không kìm hãm, thậm chí làm hại nhau, các doanh nghiệp cần có phương án đầu tư và quy hoạch vùng nguyên liệu để sản xuất”, ông Tùng nói.

Cơ hội tỉ USD từ viên nén gỗ - Ảnh 2.

Viên nén gỗ sau quá trình sản xuất – Ảnh: C.TUỆ

Tránh tranh mua tranh bán

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends, cho biết trong bối cảnh thiếu nguyên liệu đầu vào, nhiều doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu “tạp” hơn và mở rộng mạng lưới thu mua nguyên liệu ở địa bàn xa hơn. Ví dụ, một số doanh nghiệp ở Quảng Nam thu mua ở khu vực Tây Nguyên.

Ông Vũ Thanh Tùng công nhận nhu cầu và giá tăng cao nên “nhà nhà” đua nhau sản xuất trong khi nguồn nguyên liệu đang khan hiếm dẫn tới cạnh tranh nguyên liệu.

Ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng rất khó can thiệp để loại bỏ sự cạnh tranh nguyên liệu giữa dăm gỗ và viên nén gỗ và việc cạnh tranh theo cơ chế thị trường này, nhìn chung, có lợi cho nông dân trồng rừng. 

“Cũng có lúc đã bàn tới việc tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ (hiện là 2%), hoặc áp dụng “quota” xuất khẩu dăm gỗ, nhưng những phương án này đều đi ngược xu thế thị trường, xu hướng tự do hóa thương mại. Ngành viên nén gỗ buộc phải cạnh tranh giá với dăm gỗ.

“Chúng tôi đã ra mắt Chi hội Viên nén gỗ, trực thuộc Viforest, tập hợp các doanh nghiệp thành “bó đũa” để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế, tránh hiện tượng “tranh mua tranh bán” còn khá phổ biến và tăng giá bán viên nén gỗ sản xuất tại Việt Nam. 

Đồng thời các hội viên của chi hội cũng phải bàn thảo và thống nhất chuẩn mực kinh doanh, cùng nói không với nguyên liệu gỗ bất hợp pháp và không bền vững. Chúng tôi mong muốn tạo ra tình thế win-win (các bên cùng thắng)”, ông Hoài nói.

* Ông Ngô Sỹ Hoài (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam): Cơ hội lớn, doanh nghiệp cần tạo vùng nguyên liệu

Xu hướng thương mại xanh, kinh tế xanh tăng trưởng ngày càng áp đảo trên phạm vi toàn cầu. Nhu cầu viên nén gỗ – là nhiên liệu sinh khối, có khả năng tái tạo, được coi là “năng lượng sạch” – ngày càng tăng. Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, bao gồm FSC, PEFC, CFCS… là điều kiện bắt buộc.

Trong tương lai các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén gỗ cần quan tâm tới việc tạo ra vùng nguyên liệu của mình nhằm ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào. Tạo vùng nguyên liệu có thể thông qua hình thức các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân, các doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm cơ hội liên kết hợp tác với các công ty lâm nghiệp có quỹ đất sản xuất để phát triển vùng nguyên liệu.

* Ông Bùi Chính Nghĩa (phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp): Ngăn cạnh tranh không lành mạnh

Hiện nguồn nguyên liệu gỗ nói chung của nước ta còn dồi dào, đủ cung cấp cho ngành chế biến gỗ. Với viên nén gỗ, nguyên liệu chủ yếu là phụ phẩm nên không bị ảnh hưởng bởi nguồn cung. Tuy nhiên cục bộ ở một số địa phương có việc cạnh tranh thu mua nguyên liệu.

Giải pháp trước mắt, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam làm việc với các doanh nghiệp dăm gỗ và viên nén gỗ để thống nhất các biện pháp, không để việc cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các bên. Đồng thời, khuyến cáo các địa phương tuyên truyền, phổ biến đến người dân, chủ rừng và các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ trong khai thác, thu mua nguyên liệu gỗ.

Về lâu dài, cần tổ chức sản xuất tốt, tạo liên kết giữa chủ rừng và doanh nghiệp, nhất là cần có doanh nghiệp chuyên cung cấp nhiều chủng loại, nguyên liệu cho ngành gỗ.

CHÍ TUỆ
TTO