22/12/2024

Công nghệ Mỹ thúc đẩy chương trình vũ khí bội siêu thanh của Trung Quốc?

Công nghệ Mỹ thúc đẩy chương trình vũ khí bội siêu thanh của Trung Quốc?

Các nhóm nghiên cứu quân sự dẫn đầu những chương trình bội siêu thanh và tên lửa của Trung Quốc đang mua một loạt công nghệ chuyên dụng của Mỹ, theo tờ The Washington Post ngày 17.10.

 

 

Trong các cuộc trả lời phỏng vấn với The Washington Post, các nhà khoa học làm việc trong mạng lưới rộng lớn của các viện nghiên cứu quân sự Trung Quốc và những công ty hỗ trợ đã tiết lộ rằng công nghệ của Mỹ giúp họ khắc phục những lỗ hổng quan trọng trong công nghệ nội địa và đóng vai trò chủ chốt cho những tiến bộ trong vũ khí Trung Quốc.

“Trong trường hợp này, công nghệ của Mỹ vượt trội hơn, chúng tôi không thể làm được một số thứ nếu không có công nghệ nước ngoài”, một nhà khoa học Trung Quốc làm việc trong phòng thí nghiệm của một trường đại học thử nghiệm các phương tiện bội siêu thanh cho hay.

 

“Rất đáng lo ngại”

The Washington Post dẫn một cơ sở dữ liệu liên bang Mỹ cho hay trong số công ty Mỹ có sản phẩm tiếp cận các nhóm nghiên cứu quân sự của Trung Quốc, có những công ty đang là đối tượng được hưởng lợi từ các khoản tài trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ để thúc đẩy sự đổi mới tiên tiến. “Tình trạng đó rất đáng lo ngại, bởi vì điểm mấu chốt là công nghệ mà có thể được sử dụng cho vũ khí bội siêu âm thanh đã được tài trợ bởi người nộp thuế của Mỹ, thông qua chính phủ Mỹ, nhưng lại kết thúc ở Trung Quốc”, ông Iain Boyd, giám đốc Trung tâm Sáng kiến ​​an ninh quốc gia thuộc Đại học Colorado (Mỹ) và là người thực hiện nghiên cứu về bội siêu âm thanh, nhận định.

Bội siêu thanh liên quan đến một loạt công nghệ mới nổi có thể giúp tên lửa đạt tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh và có khả năng né tránh các hệ thống phòng thủ hiện nay. Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết Mỹ và Trung Quốc đang tham gia một cuộc chạy đua phát triển vũ khí bội siêu thanh mạnh nhất.

Công nghệ Mỹ thúc đẩy chương trình vũ khí bội siêu thanh của Trung Quốc? - ảnh 1
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh vào năm 2019  REUTERS

Để chế tạo một tên lửa bội siêu thanh, các nhà khoa học cần giải quyết những vấn đề vật lý tiên tiến liên quan đến hành trình bay của tên lửa. Các cuộc thử nghiệm đường hầm gió và phóng thử tên lửa thật rất tốn kém. Các nhà khoa học Trung Quốc cho The Washington Post hay việc sử dụng phần mềm thương mại của Mỹ giúp giảm thiểu thời gian và nguồn lực cần thiết cho các cuộc thử nghiệm như thế.

Công nghệ đang được phía Trung Quốc mua bao gồm nhiều dạng phần mềm kỹ thuật có sự hỗ trợ của máy tính, chẳng hạn như phần mềm đàn hồi có thể được sử dụng để mô phỏng và phân tích các điều kiện vật lý khắc nghiệt mà các phương tiện bay trên không phải trải qua, theo The Washington Post. Phần mềm đó cho phép các nhà khoa học kiểm tra các thiết kế mà không cần phải dựa vào các cuộc thử nghiệm đường hầm gió và các cuộc diễn tập phóng tên lửa tốn kém hơn.

 

“Tìm đường đến các nhóm quân sự Trung Quốc”

Chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ cấm mọi hoạt động bán các sản phẩm của nước này sang Trung Quốc nếu có thông tin những sản phẩm đó sẽ được sử dụng để phát triển tên lửa hoặc được dành cho một thực thể bị hạn chế. Nhưng một số công nghệ có ứng dụng trong nghiên cứu hàng không vũ trụ dân sự lại đang đến tay các nhóm quân sự và các thực thể bị hạn chế của Trung Quốc thông qua những công ty Trung Quốc làm trung gian. Vài công ty trong số đó công khai quảng cáo mối quan hệ với các nhóm quân sự và vũ khí trên trang web của họ, theo The Washington Post.

Những hạn chế về xuất khẩu áp dụng đối với các công ty và tổ chức trong một danh sách đen được gọi là Danh sách thực thể. Danh sách này cấm bán những mặt hàng mà không có sự phê chuẩn trước của chính phủ Mỹ cho những thực thể bị xem là mối nguy đối với an ninh quốc gia. Với phân tích của mình, The Washington Post phát hiện ít nhất 50 đối tượng mua sắm ở Trung Quốc nằm trong Danh sách thực thể.

Ngoài ra, bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu mua sắm của chính phủ Mỹ và những tài liệu hợp đồng khác, The Washington Post xác định kể từ năm 2019 có gần 50 công ty Mỹ có sản phẩm được bán thông qua các bên trung gian cho những nhóm quân sự Trung Quốc làm việc về công nghệ tên lửa.

 

 VĂN KHOA

TNO