19/11/2024

Một năm ‘điên rồ’ của tỷ giá

Một năm ‘điên rồ’ của tỷ giá

Trước chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước để đối phó lạm phát leo thang, thị trường chứng kiến USD tăng giá chóng mặt, lên mức cao nhất trong vòng 20 năm. Ngược lại, euro và các ngoại tệ khác bị đẩy xuống đáy, thấp nhất từ 20 – 37 năm trở lại đây. Điều đặc biệt là bão tỷ giá lại mang về cho VN một số cơ hội bất ngờ.

 

 

Bão quét trên thị trường ngoại tệ

Không ai có thể tưởng tượng được có ngày có thể mua được 1 euro với giá thấp hơn USD. Khi chúng tôi thực hiện bài viết này vào những ngày đầu tháng 9, giá euro tại các ngân hàng thương mại chỉ còn 23.180 – 23.250 đồng ở chiều mua vào, bán ra 23.720 đồng. Trong khi đó giá USD lên 23.420 – 23.440 đồng mua vào, bán ra 23.670 đồng. So với cuối năm 2021, mỗi euro rẻ hơn 2.300 đồng, tương ứng 8,8%. Không chỉ euro, những ngoại tệ khác cũng lao dốc không phanh. Đó là bảng Anh có mức giảm mạnh, lên đến 11%, mất tới khoảng 3.400 đồng, xuống còn 27.000 đồng mua vào, bán ra 27.629 đồng. Nhiều người cũng ngỡ ngàng khi giá yen Nhật giảm xuống 167 đồng ở chiều bán ra, mua vào còn 163 đồng. So với cách đây hơn 9 tháng, yen Nhật giảm 32,5 đồng, tương ứng hơn 16% – mức giảm mạnh nhất trong lịch sử của đồng tiền này. Giá nhân dân tệ (CNY) giảm gần 200 đồng, tương ứng gần 5,4%, xuống còn 3.329 đồng mua vào, bán ra còn 3.440 đồng… Trên thị trường tự do, giá USD có lúc tiến gần mức 25.000 đồng.

Một năm 'điên rồ' của tỷ giá - ảnh 1
Giá USD tăng cao đẩy các ngoại tệ khác giảm mạnh  NGỌC THẮNG

Dù vậy, tốc độ giảm giá của các ngoại tệ trong nước vẫn không thể theo kịp mức sụt giảm trên thị trường quốc tế. Tính từ đầu năm 2022 đến đầu tháng 9, giá các loại ngoại tệ của nhiều quốc gia đã giảm khá mạnh so với đồng USD, như euro giảm 14%, bảng Anh giảm 17%, yen Nhật giảm 22%, nhân dân tệ giảm 10%… Sau 20 năm, thị trường ngoại hối chứng kiến mức thấp nhất trong vòng 2 thập niên trở lại đây của đồng tiền chung châu Âu. Đối với bảng Anh (GBP) cũng đã mất giá mạnh nhất trong vòng 37 năm qua khi cặp tỷ giá GBP/USD xuống còn 1,135. Trong lịch sử, vào ngày 26.2.1985, đồng bảng Anh từng được giao dịch ở mức thấp nhất là 1,052 USD đổi 1 bảng Anh. Đến năm 2016, nước Anh chứng kiến sự kiện quan trọng khi tuyên bố rời EU nhưng giá đồng bảng Anh cũng không xuống đến mức thấp như hiện nay.

Trong cơn bão biến động giá ngoại tệ, đồng yen Nhật cũng chạm mốc thấp nhất trong vòng 24 năm là 144,38 yen/USD. Giá yen sụt giảm mạnh khi Ngân hàng trung ương Nhật (BoJ) vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng. Nhân dân tệ cũng đã có tháng giảm thứ 6 liên tiếp khi kết thúc tháng 8.2022. Đây là chuỗi giảm giá dài nhất của ngoại tệ này kể từ giai đoạn đỉnh điểm của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vào tháng 10.2018. Với chính sách zero-Covid, kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Ngân hàng trung ương nước này tiến hành giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục do tổn thương bởi Covid-19, trong khi thế giới đã mở cửa kinh tế. Chính sách tiền tệ của Trung Quốc đi ngược so với các ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới đang tăng lãi suất. Ngày 6.9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ấn định tỷ giá 6,9096 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất trong vòng 2 năm.

Một năm 'điên rồ' của tỷ giá - ảnh 2

Giá các ngoại tệ trên thế giới giảm giá khá mạnh bất chấp ngân hàng trung ương các nước chạy đua tăng lãi suất, chính sách tiền tệ thắt chặt để khống chế mức lạm phát tăng cao. Có thể nói, “tội đồ” của cơn bão tỷ giá xuất phát từ đồng USD trên thị trường quốc tế mạnh lên. Giá đồng bạc xanh cao nhất trong vòng hơn 20 năm trở lại đây khi chỉ số USD – Index đạt gần mức 111 điểm vào tuần đầu tháng 9. Các đợt tăng lãi suất liên tục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ đầu năm đến nay để khống chế mức lạm phát tăng lên kỷ lục trong vòng 40 năm trở lại đây khiến các dòng vốn trên thị trường tập trung chảy vào USD.

 

Du học, du lịch khóc cười với tỷ giá

Anh Mai Khanh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) có con du học ở New Zealand hồ hởi khoe đồng tiền nước này mất giá giúp anh giảm một phần gánh nặng chi phí. Bởi năm 2021, giá NZD là 16.700 đồng nhưng đầu năm 2022 chỉ còn 15.300 đồng và đến tháng 9 xuống còn 14.500 đồng. Với mức giảm này, số tiền học phí năm 2022 của con anh Mai Khanh dù tăng lên 34.500 NZD thay vì mức 33.400 NZD của năm trước nhưng số tiền anh thực sự phải bỏ ra lại giảm hơn 30 triệu đồng nhờ giá NZD giảm. Không những vậy mà tiền thuê nhà và sinh hoạt phí gửi cho con cũng giảm từ 1 – 2 triệu đồng mỗi tháng cho 1.000 NZD. Tỷ giá xuống thấp cũng giúp anh Khanh tiết kiệm hẳn khi mua vé máy bay khứ hồi cho con từ New Zealand về VN vào cuối năm 2022. Cụ thể, giá vé máy bay đã mua là 1.800 NZD, quy đổi theo tỷ giá là 14.500 đồng/NZD thành 26,1 triệu đồng, tiết kiệm được 2,7 triệu đồng so với hồi tháng 4 khi giá đồng NZD ở mức 16.000 đồng. “Khoảng 4 năm trở lại đây, chưa bao giờ thấy tỷ giá thấp kéo dài lâu như vậy. Chỉ mong giá ngoại tệ ở mức thấp kéo dài lâu hơn nữa vì cũng chuẩn bị đóng tiền học phí cho con trong thời gian tới. Thế nhưng trước diễn biến giá cả càng tăng cao như hiện nay, tỷ giá thấp mà các hàng hóa dịch vụ khác New Zealand lại tăng thì chi phí bỏ ra cũng không giảm được nhiều. Hồi năm ngoái, một tô phở ở nước này 16 NZD nhưng nay đã lên 21 NZD”, anh Khanh cho hay.

Một năm 'điên rồ' của tỷ giá - ảnh 3

Ngược lại, phụ huynh có con đi học ở Mỹ thì “khóc thét” vì giá USD tăng mạnh nhất trong gần 20 năm trở lại đây. Chị Nguyên Vân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết con gái du học ở Mỹ từ cuối năm 2021 với tiền học, sinh hoạt phí khoảng 75.000 USD. So với thời điểm cách đây 1 năm, giá USD hiện tăng 1.000 đồng nên số tiền bỏ ra tăng thêm 75 triệu đồng. Chưa kể tình hình lạm phát tại Mỹ đang rất cao nên số tiền cho năm học mới có thể sẽ tăng lên khiến chị “thiệt hại kép”. Dân buôn bán nhận đặt hàng từ nước ngoài cho khách trong nước cũng “dở khóc dở cười” khi tỷ giá ngoại tệ giảm sâu mà giá bán hàng không thể giảm. Chị Lê Ly (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay khách cứ tưởng nhà nhận đặt hàng hưởng lợi vì giá ngoại tệ giảm thế nhưng thực tế không hẳn vậy. Chẳng hạn, giá euro giảm mạnh nhưng các mặt hàng như mỹ phẩm, nước hoa của Pháp lại tăng giá 10 – 20%. Chính vì vậy mà giá bán ra khi về đến VN lại không thể rẻ hơn. Nhiều khách hàng cũng thắc mắc về điều này nên người bán cũng phải giải thích.

Hưởng lợi lớn nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK). Theo Bộ Công thương, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư trong 8 tháng năm 2022 lên 3,96 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỉ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng thị trường Mỹ, DNXK mang về 77,7 tỉ USD, trong khi nhập khẩu chỉ 9,9 tỉ USD. Các thị trường khác như EU, Trung Quốc, các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng mang về nguồn ngoại tệ lớn, chủ yếu là USD cho các doanh nghiệp (DN).

Bà Nguyễn Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn, cho biết giá USD tăng lên nên DN kiếm thêm được lợi nhuận, trả tiền mua tôm cho nông dân tốt hơn. Cứ mỗi đơn hàng 100.000 USD, DN được lợi từ tỷ giá 150 triệu đồng so với thời điểm năm ngoái. Chỉ những DN nhập khẩu sử dụng đồng USD trong thanh toán thay vì những ngoại tệ khác đang giảm mới phải chịu thiệt vì không hưởng lợi được gì. Ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng đồng USD tăng giá nhưng hàng VN vẫn xuất khẩu qua Mỹ tốt. Ở đây, tỷ giá không còn là khó khăn cho năng lực cạnh tranh của hàng hóa VN trước tình hình các nước mất giá rất nhiều bởi hàng hóa VN không “đụng hàng” với các nước. Hơn nữa, Mỹ đang đề cập chuỗi cung ứng linh hoạt và an toàn, chứ không ủng hộ hàng hóa chi phí thấp, cạnh tranh về giá thấp như trước. Giá cả thấp ngày nay không còn là lợi thế khi đã xảy ra câu chuyện giá thấp dẫn đến tình trạng lệ thuộc thương mại vào một nước.

 

Nợ công hưởng lợi

Nhiều thập niên qua, cứ giá USD tăng là nợ công lại phập phồng vì món nợ bị phình to. Thế nhưng năm nay, nợ công VN hưởng lợi lớn từ sự “điên rồ” của tỷ giá. Theo Bộ Tài chính, tình hình nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ được hưởng lợi từ một số ngoại tệ giảm. Tính đến đầu tháng 8, giá USD tăng 1,1% dẫn đến tăng dư nợ Chính phủ bằng USD quy tiền đồng khoảng 5.000 tỉ đồng so với cuối năm 2021. Thế nhưng euro giảm 9,5% làm giảm dư nợ Chính phủ bằng euro so với tiền đồng khoảng 17.000 tỉ đồng; JPY giảm 13% giúp nợ Chính phủ bằng JPY quy tiền đồng giảm khoảng 45.000 tỉ đồng. Tính chung dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2022 ước giảm khoảng 57.000 tỉ đồng, tương đương 2% so với dư nợ cuối 2021. Đến thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, giá các ngoại tệ khác vẫn tiếp tục giảm nhiều nên nợ phải trả của VN dự kiến sẽ còn xuống thấp hơn.

Dù vậy, ông Lê Đạt Chí cũng nhận định sự biến động bất thường của các ngoại tệ, đặc biệt là USD, sẽ tác động đến các nền kinh tế, trong đó có VN. Chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed dẫn đến chính sách thắt chặt của những nền kinh tế mới nổi. Trong năm 2022, lãi suất mà Fed tăng lên 3,5% cũng chưa phải là đỉnh. Nó có thể lên 5,5% hay 6,5% nếu tăng theo lộ trình đến hết quý 2/2023. Điều này dẫn đến các nền kinh tế thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, từ đó đồng nội tệ sẽ mất giá. Lúc này nợ Chính phủ liên quan các ngoại tệ giảm giá sẽ tiếp tục giảm thêm.

Một năm 'điên rồ' của tỷ giá - ảnh 4

Mặt khác, thặng dư cán cân thương mại, cán cân tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối của VN tốt lên trong những năm trước nên đã đối phó được trong câu chuyện tỷ giá ngày nay. Có một số thời điểm, tỷ giá gây áp lực lên chính sách tiền tệ, NHNN đã phải can thiệp nhưng đến thời điểm hiện nay đã tạm ổn định tỷ giá, lãi suất cũng không quá tăng. Lạm phát VN thấp cũng không gây áp lực quá lớn lên lãi suất. Trong thời gian tới, lãi suất cố gắng được giữ như hiện nay đã là thành công của VN. Thế nhưng, thị trường thường bị tác động tâm lý mà chính sách tiền tệ không thể phát ra tín hiệu cho trung hạn được bởi những yếu tố lạm phát và tỷ giá là ngoại lai, chứ không phải nội tại của nền kinh tế.

“Xu hướng lãi suất của Mỹ còn tiếp tục tăng nên VN vẫn còn đó những khó khăn trong 3 quý tới. Khi Fed dừng tăng lãi suất thì chính sách tiền tệ của các nước mới có thể dễ thở hơn. Lúc này, bối cảnh kinh tế có thể lạc quan hơn. Trước những bất ổn thế giới gia tăng gây sức ép lên thương mại toàn cầu, các quy tắc ứng xử quốc tế cũng thay đổi liên tục… đòi hỏi doanh nhân, DN phải có tầm nhìn đánh giá xa hơn. Họ có thể mua dữ liệu, thuê chuyên gia đánh giá, phân tích dữ liệu để có hoạch định chiến lược trong hoạt động sản xuất kinh doanh, những sản phẩm cung cấp ra thị trường. Nếu không đọc được nhịp điệu của thị trường, đồng nghĩa với cơ hội bị mất đi”, ông Lê Đạt Chí cho hay.

NHNN đang quản lý tỷ giá ngoại hối tương đối linh hoạt. Câu chuyện tỷ giá chưa bao giờ là dễ dàng trong bối cảnh hiện nay. Tôi tin rằng tăng trưởng kinh tế VN vẫn tiếp tục mạnh sẽ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ông John Andre Giảng viên cao cấp tại Đại học Anh Quốc Việt Nam

VN sẽ có lợi thế khi thu hút đầu tư từ các nước sử dụng USD.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua. Các dự án đầu tư vào VN bằng USD và mang tính chất dài hạn. Bởi vị thế của VN trong thương mại toàn cầu là điểm xem xét để có thể đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đó là lý do vì sao các dự án xuất hiện ở VN ngày càng tăng. Điều này giúp cán cân thanh toán hiện thặng dư bên cạnh cán cân thương mại cũng vậy.

Ông Lê Đạt Chí – Phó trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

PHÙNG CHÍ Ý

TNO