19/11/2024

Các nước đối phó với khủng hoảng xăng dầu thế nào?

Các nước đối phó với khủng hoảng xăng dầu thế nào?

Không chỉ VN, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang trải qua thời kỳ rối loạn vì khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

 

 

Mở kho dự trữ xăng quốc gia

“Chạy qua hơn chục cây xăng mới đổ được hơn 40 lít, tròn 100 euro, giá tăng 40%”, anh Duy Tân, Việt kiều Pháp đang sinh sống tại Paris, than thở.

Đúng như tình trạng mà anh Tân kể, trên các trang truyền thông quốc tế nhiều ngày qua đồng loạt đăng tải hình ảnh các cây xăng trên toàn nước Pháp chứng kiến tình trạng xe ô tô xếp hàng dài chờ đợi để được đổ xăng, gây ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài. Do các cuộc đình công đòi tăng lương, các cây xăng ở Pháp rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung và phải hạn chế số lượng bán ra. Một số cây xăng thậm chí hết xăng ngay sau khi được tiếp tế và phải đóng cửa, làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay tại Pháp.

Các nước đối phó với khủng hoảng xăng dầu thế nào? - ảnh 1
Cảnh xe hơi xếp hàng dài chờ đổ xăng ở miền Nam nước Pháp vào ngày 10.10  AFP

Theo thông tin được cung cấp bởi chính phủ Pháp, đã có khoảng 15% số cây xăng trên toàn quốc, đặc biệt là các cây xăng thuộc Tập đoàn năng lượng Total, đã phải đóng cửa do không còn nhiên liệu để bán. Tình trạng cạn kiệt xăng dầu đã tiếp tục khiến giá nhiên liệu tại Pháp tăng cao và làm đảo lộn cuộc sống của người dân vốn đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát lên đến hơn 6%. Để giải quyết, Chủ tịch vùng Hauts-de-France, ông Xavier Bertrand gửi lời cảnh báo đến chính phủ và đề nghị giải phóng các kho năng lượng dự trữ chiến lược để giải quyết nhu cầu của người dân. Theo số liệu thống kê, Pháp có kho dự trữ chiến lược lên tới 18 triệu tấn dầu.

Cùng chiến lược với Pháp, hồi cuối tháng 7, chính quyền Mỹ cũng phát đi thông báo nước này sẽ bán thêm 20 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) nhằm hạ giá xăng dầu giữa khủng hoảng năng lượng. Được thành lập vào đầu thập niên 1970, SPR là cơ sở dự trữ hàng triệu thùng dầu, đóng vai trò như một công cụ kinh tế và an ninh quốc gia quan trọng nhằm ứng phó tình huống khẩn cấp. Khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 1.2021, SPR còn 638 triệu thùng dầu. Ông Biden sau đó đã cho xuất 50 triệu thùng dầu trong nỗ lực hạ giá xăng hồi tháng 11.2021 và tiếp tục xả kho 30 triệu thùng hồi đầu tháng 3 năm nay để trấn an tâm lý người dân Mỹ trong khủng hoảng.

Tuy nhiên, việc dự trữ chiến lược về xăng dầu không nhiều nước làm được vì cần nguồn lực tài chính rất lớn, phải có hệ thống kho lưu trữ, kỹ thuật bảo quản, xây dựng được cơ chế vận hành, quản lý hệ thống và liên quan đến an ninh quốc phòng… VN hiện nay gần như không có dự trữ chiến lược về xăng dầu mà chỉ là dự trữ lưu thông để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trong vài ngày hoặc vài chục ngày. Nhiệm vụ này do đầu mối cấp 1, tức các nhà nhập khẩu xăng dầu đảm nhiệm. Bên cạnh đó có một phần dự trữ tại các nhà máy lọc dầu nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn hạn, chủ yếu liên quan đến việc kinh doanh.

Vì thế, việc ổn định thị trường xăng dầu chủ yếu dựa vào các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối. Trong đó, hệ thống phân phối đang là điểm nghẽn lớn nhất vì nhiều bất cập.

Mở rộng mạng lưới phân phối

VN hiện có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có 4 thương nhân chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không. Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì số lượng thương nhân đầu mối nêu trên là tương đối thấp.

Theo báo cáo của các Thương vụ VN tại nước ngoài, thị trường xăng dầu tại Singapore trước đây được đánh giá là hạn chế cạnh tranh và có dấu hiệu độc quyền theo chiều dọc với chỉ 4 doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối. Do đó, chính phủ Singapore đã có chiến lược lôi kéo các công ty xăng dầu lớn của nước ngoài về Singapore hoạt động theo quy chế “DN được phép buôn bán dầu” do Bộ Công thương Singapore vận hành và cấp phép (Cục DN).

Theo đó, các DN kinh doanh xăng dầu được mở rộng kinh doanh sang cả các mặt hàng khác như khoáng sản, vật liệu xây dựng, vật liệu điện tử… ưu đãi thuế thu nhập DN ở mức từ 5 – 10%. Đến nay, Singapore đã thu hút được hơn 500 DN toàn cầu tham gia vào lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu.

Tại Trung Quốc, tuy chỉ có 3 tổng công ty xăng dầu trực thuộc nhà nước nhưng tính đến hết năm 2019, có tổng cộng 106.000 trạm kinh doanh xăng dầu trên cả nước, với 458 DN được cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, trong đó: 79 DN trực thuộc 2 tổng công ty lớn, 356 DN trực thuộc các tổng công ty nhà nước khác và DN tư nhân, 23 DN hợp tác đầu tư nước ngoài.

Tại Nhật Bản, các DN được tự do tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu, ngoại trừ việc phải đáp ứng một số tiêu chuẩn bắt buộc về dự trữ, kiểm soát chất lượng và tính an toàn của sản phẩm. Hiện nay Nhật Bản có 11 DN kinh doanh xăng dầu “đầu mối” (có chức năng vừa sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu). Các DN được tự do tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu và cũng có nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật như các nhà bán lẻ lĩnh vực khác.

Như vậy, có thể thấy hầu hết các nước trong khu vực không quy định về việc hạn chế DN tham gia thị trường xăng dầu (chưa kể một số nước khuyến khích sự tham gia của các DN vào lĩnh vực này) nhằm tăng tính cạnh tranh của thị trường xăng dầu. Việc quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào vấn đề kiểm soát chất lượng, dự trữ bảo đảm an ninh năng lượng, tính an toàn trong kinh doanh và bảo vệ môi trường.

HÀ MAI – NGUYÊN NGA

TNO