22/01/2025

Tưởng hậu Covid-19, hóa ra bị hội chứng mất cân bằng cơ thân trên

Tưởng hậu Covid-19, hóa ra bị hội chứng mất cân bằng cơ thân trên

Bệnh nhân N.T.T (40 tuổi, ngụ Quận 6, TP.HCM) đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (Bệnh viện 1A) với triệu chứng đau buốt vùng vai cổ.

 

 

Mệt mỏi, khó thở đi khám vì lo bị hậu Covid-19

Chị T. cảm thấy tức ngực khó thở liên tục đặc biệt vào ban ngày, người mệt mỏi, ngủ không sâu, thường xuyên thức giấc. Tình trạng này kéo dài hơn 3 tháng nay.

Lo ngại bị hậu Covid-19 nên chị đi thăm khám tại các chuyên khoa về hậu Covid. Thế nhưng X-quang phổi không bị tổn thương, chị cũng không bị ho, không bị hen suyễn. Tự tìm hiểu các triệu chứng, chị T. mua thuốc giảm viêm cơ, giảm đau để uống, sau đó đi khám vài ba nơi, nhưng ngưng uống thuốc thì lại tái phát. Đến khi đau buốt vượt quá sức chịu đựng, chị T. mới tìm đến Bệnh viện 1A.

Thạc sĩ, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp & Y học Thể Thao, Bệnh viện 1A, cho biết sau khi tiếp nhận, qua dáng ngồi, dáng đi và khám lâm sàng, bác sĩ phát hiện chị T. bị hội chứng mất cân bằng cơ thân trên (còn gọi là hội chứng chéo trên).

Tại đây, mỗi ngày chị T. được hiện các quy trình hiệu chỉnh cơ xương khớp với các kỹ thuật hiện đại để khắc phục tình trạng co rút cơ. Chỉ sau 1 tuần, chị T. không còn đau vai gáy, hết tức ngực khó thở….

Sau 3 tuần điều trị, hình ảnh chụp trên lâm sàng cho thấy lưng bớt gù hẳn, X-quang cột sống cổ lấy lại đường cong sinh lý bình thường, về mặt thẩm mỹ vai bớt xệ, đầu và cổ không còn nhô ra trước khỏi trục cơ thể.

 

Tỷ lệ người trẻ, nhân viên văn phòng mắc bệnh xương khớp lên đến 70%

Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, cuộc sống hiện đại ngày nay khiến cho nhiều người, đặc biệt là nhóm nhân văn viên phòng và nhóm người trẻ mắc các bệnh lý về cơ, xương, khớp ngày càng nhiều tỉ lệ lên đến hơn 70%. Mức độ nghiêm trọng cũng gia tăng do công việc của con người ngày càng liên quan nhiều tới máy vi tính, smartphone. Do đó thập niên 2010 – 2020 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn là “Thập niên bệnh cơ xương và khớp”.

Các bệnh cơ, xương, khớp ở nhân viên văn phòng đôi khi bắt đầu chỉ có tác động rất nhỏ tới cuộc sống hằng ngày như cứng cổ, nhưng có thể gây giảm năng suất làm việc, bức bối trong người và mất tập trung, dần dẫn tới những biểu hiện nặng hơn như đau cổ và lưng, đau tê lan xuống cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân. Chứng đau cơ xương khớp thời gian dài có thể dẫn đến bệnh thoái hóa khớp, cột sống, lệch vẹo cơ xương khớp, ảnh hưởng đến chức năng vận động, hô hấp, tiêu hóa, và dáng xấu mất thẩm mỹ nếu không được điều trị

Mỗi tháng, tại Bệnh viện 1A tiếp nhận gần 5.000 bệnh nhân, trong đó có trên 150 ca thăm khám các bệnh lý về cơ xương khớp mỗi ngày. Đáng nói, nhiều ca bệnh lệch vẹo cơ xương khớp cơ học đã diễn tiến thành đau cơ xương khớp mạn tính, chèn ép các dây thần kinh do trước đó đã điều trị thuốc giảm đau, giảm viêm, giãn cơ nhiều đợt trong thời gian dài, dẫn đến ảnh hưởng các chức năng vận động, sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, biến dạng khung xương cơ thể còn gây chèn ép và hạn chế chức năng hô hấp và các cơ quan tiêu hóa gây khó thở, mệt mỏi do thiếu oxy mạn tính hoặc tiêu hóa kém, táo bón, sình hơi.

Tưởng hậu Covid-19, hóa ra bị hội chứng mất cân bằng cơ thân trên - ảnh 1
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện 1A  BSCC

Mất cân bằng cơ ảnh hưởng đến khớp

Xương và khớp tạo thành bộ khung của cơ thể, nhưng việc giữ cho các khớp ở vị trí chỉnh chu và các mẫu chuyển động chính xác là nhờ vào cơ và dây thần kinh. Tất cả các cơ chịu trách nhiệm vận động ổ khớp luôn có mối tương quan về chiều dài và căng lực ở trạng thái tĩnh, cũng như mối tương quan của chúng về cộng hưởng phát lực cơ trong quá trình vận động.

“Sự mất cân bằng cơ và rối loạn vận động này làm thay đổi trọng tâm làm khớp bị nghiêng, và áp lực có thể dồn về một điểm thay vì dàn đều trên mặt khớp như trước kia gây ra tình trạng đau khớp kéo dài, thoái hóa khớp, đau cơ, căng cơ, đây là nguyên nhân chiếm đa số các bệnh nhân được khám bệnh đau cơ xương khớp”, bác sĩ Calvin Q Trịnh phân tích.

Rộng hơn, sự mất cân đối giữa các cơ và sự vận động sai lệch của nhiều khớp gây biến dạng khung xương. Ngoài việc thay đổi hình dáng gây mất thẩm mỹ như gù, vẹo cột sống, đầu lệch trục nhô trước, ngực hõm lép, xoay lệch khung chậu, bụng dưới ưỡn phình dù ít mỡ, mông thấp, chân ngắn chân dài, chân vòng kiềng, chân chữ X, bàn chân xoay ngoài và thay đổi dáng đi.

Trung tâm Hiệu Chỉnh Cơ xương khớp & Y học thể thao do bác sĩ Calvin Q. Trịnh phối hợp với bộ môn Y học thể thao Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và các cán bộ phụ trách, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10.10.2022 chuyên điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ.

Trung tâm ra đời hỗ trợ các trường hợp đau khớp kéo dài, giảm vận động và dáng xấu, cân bằng hệ cơ cho người chơi thể thao, điều trị chấn thương thể thao bằng các kỹ thuật điều trị chuyên sâu như nội soi khớp vai; rách sụn chêm, bao khớp, gân bánh chè quay, phẫu thuật nội soi khớp gối; phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng, sụn khớp gối, khớp cổ chân.

Bên cạnh đó, trung tâm còn cung cấp các giải pháp phục hồi sức khỏe bao gồm trị liệu nắn khớp, giãn cơ, massage trị liệu và tăng cường chức năng hô hấp bằng liệu pháp oxy. Trung tâm được đầu tư các kỹ thuật cao như oxy cao áp, từ trường siêu dẫn, laser giảm đau, đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo về hiệu chỉnh cơ xương khớp.

LÊ CẦM

TNO