19/11/2024

Người dân mua xăng vẫn khó khăn

Người dân mua xăng vẫn khó khăn

Tính đến hôm qua 11.10, đã 4 ngày liên tiếp người dân TP.HCM và cả các tỉnh thành Nam bộ đang phải “gồng mình” chịu đựng tình trạng khan hiếm xăng dầu.

 

 

“Đổ xăng cho tôi, mai tôi còn đưa con đi học”

Tại TP.HCM, tờ mờ sáng qua 11.10, ngày xăng dầu điều chỉnh giá bán lẻ, đoàn xe taxi có đến cả trăm chiếc nối đuôi nhau quanh trục đường Vĩnh Viễn, Lê Đại Hành để vào đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu ở góc đường Lê Đại Hành và 3 Tháng 2 (Q.11). Đến hơn 7 giờ mà đoàn xe vẫn còn xếp hàng khá dài vì chỉ còn một trụ bơm xăng hoạt động. Đến đầu giờ chiều, trạm xăng này cũng vẫn hoạt động với một trụ bơm và gần chục chiếc ô tô xếp hàng chờ tới lượt.

Người dân mua xăng vẫn khó khăn - ảnh 1
Nhiều người đội mưa xếp hàng mua xăng tại TP.HCM, ngày 11.10  MINH ĐĂNG

Cây xăng ở góc đường Nguyễn Chí Thanh với Lý Thường Kiệt ngưng bán khiến khách đổ dồn về một cây xăng gần đó trên cùng trục đường Nguyễn Chí Thanh. Trên tuyến đường Kinh Dương Vương hướng ra Bến xe Miền Tây đến đường Tên Lửa có 4 trạm xăng dầu ngưng hoạt động; hướng ngược lại có 2 trạm nghỉ bán. Ngay cả những trạm xăng lớn ở khu vực trung tâm như trạm xăng góc Lý Thái Tổ và Lê Hồng Phong (P.1, Q.10) mấy hôm nay thường xuyên hết hàng. Cây xăng ở giao lộ Điện Biên Phủ – Nguyễn Thiện Thuật (Q.3) ngày 10.10 vẫn còn bán thì đến sáng 11.10 cũng thông báo hết xăng

Ở những cây xăng còn phục vụ, chính quyền địa phương phải cử công an và dân quân tự vệ đến hỗ trợ giữ trật tự và phân luồng khách mua xăng. Nhiều trạm xăng chỉ bán 30.000 – 50.000 đồng/lượt, trong đó có cả những trạm xăng của Petrolimex.

Đầu giờ chiều 11.10, trước giờ điều chỉnh giá xăng, lượng xe máy và ô tô tranh thủ đi mua xăng càng đông. Tình trạng căng thẳng vì xếp hàng mua xăng diễn ra ở khắp các tuyến đường. Trên đường tác nghiệp, chúng tôi chứng kiến một vài trường hợp người dân dẫn bộ xe máy vì hết xăng. Tại khu vực trung tâm thành phố, trạm xăng góc đường Lý Thái Tổ và Lê Hồng Phong (P.1, Q.10) mấy hôm nay ngưng hoạt động, tuy nhiên lúc 14 giờ 50, khi chúng tôi đến đây thì thấy xe bồn đang di chuyển vào khu vực xuống hàng. Nhân viên cây xăng mời tất cả khách ra ngoài và giải thích đây là dầu, không phải xăng, nhưng khách vẫn không dời đi khi thấy người này “lấy lại số” ở các trụ bơm, điều chỉnh bảng giá, dọn dẹp lại dây và rào chắn.

Đúng lúc này, cơn mưa chiều càng nặng hạt, lượng khách chờ bên ngoài ngày càng đông. Những tiếng réo gọi bán xăng ngày càng nhiều. Một người đàn ông trung niên đứng đợi từ lâu sốt ruột gọi lớn: “Đổ xăng cho tôi, mai tôi còn đưa con đi học”. Đến lúc này mới có một nhân viên ra thông báo: “Mọi người bình tĩnh chờ thêm một chút nữa, sắp xong rồi”. Lúc 15 giờ 20, khi nhân viên nơi đây mở dây cho chiếc xe bồn rời đi, hàng chục chiếc xe máy liền chen vào kín cả trạm xăng.

Đến cuối giờ chiều qua, theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn TP.HCM vẫn còn nhiều cây xăng chưa mở bán trở lại. Một vài cây xăng vẫn treo biển hết hàng. Chỉ riêng trên đường Kinh Dương Vương có 6 trạm xăng ngưng hoạt động. Vì thế, dòng người vẫn tiếp tục xếp hàng, đội mưa… mua xăng ở những nơi còn bán hàng.

 

Đề nghị Bộ Công thương gặp doanh nghiệp bán lẻ

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (VINASME), cho biết đơn vị này đã ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN bán lẻ xăng dầu.

Cụ thể, VINASME kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo DN đầu mối, các thương nhân phân phối phải chia sẻ chi phí kinh doanh bán lẻ theo đúng tỷ lệ trong công thức tính giá cơ sở hiện hành. Các văn bản hiện nay chưa quy định cụ thể các chi phí bán lẻ phải chi trả trực tiếp cho đại lý bán lẻ mà tính chung trong tổng chi phí lưu thông. VINASME đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính xem xét tính đủ chi phí kinh doanh định mức cho chuỗi cung ứng xăng dầu, từ khâu tạo nguồn của DN đầu mối đến khâu bán lẻ của các đại lý. Riêng chi phí cho khâu bán lẻ xăng dầu đề nghị tách riêng, xác định tỷ trọng chi phí bán lẻ trên tổng số chi phí để dễ áp dụng và thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Theo VINASME, mức chi phí bán lẻ xăng dầu (chưa tính đến lợi nhuận) là từ 700 – 800 đồng/lít và dao động do phụ thuộc sản lượng và các điều kiện kinh doanh khác, như sản lượng, vị trí địa lý vùng sâu, vùng xa. Theo đó, VINASME đề nghị chi phí bán lẻ tối thiểu tại đại lý bán lẻ xăng dầu phải ở mức 1.200 – 1.400 đồng/lít trong công thức tính giá cơ sở hiện nay (với điều kiện đầu mối giao hàng tại cửa hàng).

Đối với mốc thời gian điều hành giá xăng dầu, VINASME kiến nghị liên bộ Tài chính – Công thương cần thực hiện thời gian điều hành giá đúng quy định các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng, tạm thời không áp dụng lùi sang ngày làm việc tiếp theo đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ, vì điều này sẽ tạo độ trễ, gây ảnh hưởng tới thị trường và hiệu quả điều hành.

VINASME còn cho rằng việc quy định tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã không còn phù hợp với điều kiện, sự phát triển của thị trường. Bởi xăng dầu được sản xuất tại VN hay nhập khẩu phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn VN, được kiểm soát với quy trình rất chặt chẽ dựa trên tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Bên cạnh đó, VINASME kiến nghị rà soát, cắt giảm một số thủ tục hành chính, các giấy phép con không phù hợp gây ra quá nhiều khâu trung gian trong chuỗi phân phối xăng dầu, dẫn tới nhiều thủ tục hành chính gây khó cho DN, tăng chi phí tuân thủ.

“VINASME và các DN bán lẻ xăng dầu rất cần Bộ Công thương chủ trì tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến của các DN bán lẻ để có nhiều hơn thông tin từ thực tiễn cơ sở”, ông Tô Hoài Nam nói.

 

Tăng chi phí vận chuyển xăng dầu

Chiều 11.10, liên bộ Công thương – Tài chính cho biết sau 4 kỳ liên tiếp giảm, giá xăng dầu đã tăng trở lại. Cụ thể giá bán lẻ xăng dầu áp dụng từ 15 giờ cùng ngày với xăng E5RON92 không cao hơn 21.292 đồng/lít (tăng 560 đồng/lít). Giá xăng RON95-III không cao hơn 22.007 đồng/lít (tăng 564 đồng).

Mặt hàng dầu ghi nhận mức tăng giá khá cao. Cụ thể, dầu diesel 0.05S giá bán không cao hơn 24.187 đồng/lít (tăng 1.979 đồng/lít). Giá dầu hỏa không cao hơn 22.820 đồng/lít (tăng 1.132 đồng/lít). Giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.094 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành).

Trong kỳ điều hành này, liên bộ Công thương – Tài chính trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít; xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít; dầu diesel và dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít; dầu mazut ở mức 708 đồng/kg. Ngoài ra, liên bộ Công thương – Tài chính chi Quỹ bình ổn giá đối với dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi quỹ đối với các loại xăng dầu khác.

Theo thống nhất của liên bộ Công thương – Tài chính, ngay trong kỳ điều hành ngày 11.10 đã tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (chi phí theo bình quân gia quyền sản lượng xăng dầu DN đầu mối phải trả cho nhà máy lọc dầu hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm nhà máy lọc dầu) tại giá cơ sở xăng dầu. Cụ thể, mức premium trong nước với xăng RON92 (xăng nền pha chế E5RON92), RON95 tăng 350 đồng, lên 1.320 – 1.340 đồng/lít; dầu diesel là 30 đồng/lít; dầu hỏa và mazut 0 đồng. Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng với xăng RON92 tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít; RON 95 tăng 70 đồng lên 280 đồng/lít; dầu diesel tăng lên 240 đồng; dầu hỏa, dầu mazut là 0 đồng.

MINH ĐĂNG – PHAN HẬU

TNO