Cuộc tập kích tên lửa mới từ Nga gây áp lực gì lên các đồng minh của Ukraine?
Cuộc tập kích tên lửa mới từ Nga gây áp lực gì lên các đồng minh của Ukraine?
Sau hàng loạt cuộc không kích nhắm vào nhiều thành phố của Ukraine ngày 10.10, chính quyền Kyiv tăng cường sức ép với các đồng minh về việc cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến và vũ khí tầm xa hơn.
Các cuộc tấn công ngày 10.10 của Nga dường như báo hiệu một sự leo thang đáng kể, gây áp lực lên Mỹ và những nước châu Âu còn chậm cung cấp cho lực lượng Ukraine các hệ thống vũ khí tiên tiến nhất, theo tờ The Washington Post.
Xe hơi bốc cháy sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga ở thủ đô Kyiv, Ukraine ngày 10.10.2022 REUTERS |
“Cuộc trò chuyện hiệu quả” về phòng không
Trong một tuyên bố ngày 10.10, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng những cuộc tấn công mới nhất của Nga đã “giết chết và làm bị thương dân thường và phá hủy các mục tiêu không có mục đích quân sự”, và “chỉ củng cố thêm cam kết của chúng tôi sát cánh với người dân Ukraine trong thời gian cần thiết”. “Tổng thống Biden cam kết tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho Ukraine để tự vệ, bao gồm các hệ thống phòng không tiên tiến”, Nhà Trắng cho hay trong một thông báo về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tổng thống Zelensky sau đó cho hay ông đã có một “cuộc trò chuyện hiệu quả” với Tổng thống Biden về phòng không.
Hồi đầu tháng 7, Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine hai hệ thống phòng không tiên tiến, được gọi là Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS). Đây là một phần của dòng thiết bị phải được ký hợp đồng và phát triển trong ngành thay vì lấy từ các kho dự trữ hiện có. Trong tháng trước, Lầu Năm Góc cho hay phần lớn công việc liên quan đã được thực hiện. “Chúng tôi dự đoán hai hệ thống sẽ được đưa đến Ukraine trong vòng vài tuần tới khi hệ thống đã sẵn sàng và quá trình huấn luyện hoàn tất,” một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay hôm 10.10. Vị quan chức cho biết thêm có thể mất vài năm nữa để mua và chuyển giao thêm 6 hệ thống NASAMS cho Ukraine, một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine.
Trong lúc này, Mỹ tập trung tạo điều kiện cho việc chuyển giao các hệ thống phòng không thời Liên Xô cho Kyiv vì quân đội Ukraine quen thuộc với những hệ thống này. Trong tháng 4, Slovakia đã điều động một hệ thống S-300 cho Ukraine và đã được bù đắp bằng hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ vận hành. Lầu Năm Góc cho biết sẽ tham vấn với chính phủ Slovakia về một giải pháp lâu dài hơn.
Tổng thống Zelensky cho hay ông sẽ phát biểu trong một cuộc họp khẩn cấp trực tuyến của các nước G7 trong hôm nay 11.10. Những lời kêu gọi của Ukraine về việc tăng cường viện trợ quân sự cũng sẽ được thảo luận trong tuần này tại hai cuộc họp ở Brussels (Bỉ), gồm một cuộc họp có sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng NATO và cuộc họp còn lại liên quan Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, một nhóm có khoảng 50 quốc gia được thành lập để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine.
“Chúng tôi cần khẩn cấp các hệ thống phòng không”
Ngay cả trước cuộc tấn công ngày 10.10, các quan chức hàng đầu của Ukraine đã tuyên bố cần phải tăng cường phòng không. Hôm 9.10, sau các cuộc tấn công của Nga vào tỉnh Zaporizhzhia thuộc miền nam Ukraine, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nhấn mạnh rằng “chúng tôi cần khẩn cấp các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện đại hơn. Tôi kêu gọi các đối tác đẩy nhanh việc chuyển giao”.
Các cuộc tấn công hôm 10.10 và việc Tổng thống Putin đe dọa sẽ tiếp tục cuộc tấn công như thế đã giúp củng cố lập luận của phía Ukraine. Quân đội nước này cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 43 trong số 83 tên lửa được phóng nhắm vào Ukraine.
Trong vòng vài giờ sau cuộc tấn công mới, Tổng thống Zelensky đã gọi điện khẩn cấp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz để thảo luận về phòng không và các viện trợ quân sự khác. Bộ Quốc phòng Đức ngày 10.10 cho hay hệ thống đầu tiên trong số 4 hệ thống phòng không IRIS-T được hứa cung cấp cho Ukraine sẽ đến trong “vài ngày tới” và Ngoại trưởng Annalena Baerbock khẳng định Đức đang làm “mọi thứ chúng tôi có thể” để nhanh chóng giúp Ukraine củng cố sức mạnh.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky vào sáng 10.10, Tổng thống Macron đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp nhiều thiết bị quân sự hơn, nhưng ngày càng có nhiều nghi vấn về mức độ mà người Pháp thực sự thực hiện lời hứa của họ. Một bảng xếp hạng gần đây của Viện Kinh tế thế giới Kiel kết luận rằng Pháp đã chi ít hơn cho việc giao vũ khí đã cam kết cho Ukraine so với các quốc gia châu Âu nhỏ hơn nhiều như Estonia và CH Czech. Nhìn chung, Pháp chỉ được xếp hạng là nhà cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine lớn thứ 11 trên toàn cầu trong tháng 8, một kết quả “làm bẽ mặt” đối với một quốc gia tự coi mình là cường quốc quân sự hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), theo The Washington Post dẫn lời các nhà phê bình.
Hôm 10.10, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, trong một thông điệp được ghi hình gửi đến Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, nhấn mạnh cần phải “cung cấp hệ thống phòng không từ phía đồng minh để người Ukraine có thể bảo vệ các thành phố và dân thường của họ bởi vì Nga chắc chắn đang leo thang tấn công”.
VĂN KHOA
TNO