‘Ăn gì bổ nấy’ có đúng không?
‘Ăn gì bổ nấy’ có đúng không?
Nhiều người cho rằng ‘ăn gì bổ nấy’ như ăn óc bổ óc, ăn tim bổ tim, hay ăn phổi thì bổ phổi… điều này có đúng không bác sĩ? (N.An, ở TP.HCM).
Thạc sĩ – bác sĩ Kiều Xuân Thy (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3) cho biết: “Ăn gì bổ nấy” là một quan niệm lưu truyền trong dân gian mà ngày nay trong xã hội vẫn thường được nhiều người tin theo và áp dụng. Sau khi được chẩn đoán bệnh và biết đang bị bệnh tổn thương một cơ quan tạng phủ nào đó, chúng ta thường có xu hướng đi tìm những thức ăn để “bổ” những cơ quan tạng phủ bị bệnh ấy. Tuy vậy, quan niệm này không thật sự đúng trên thực tế và đồng thời có thể gây ra nhiều tai hại nghiêm trọng khi ăn uống sai cách, càng khiến bệnh nặng thêm.
Ăn óc heo lượng vừa đủ sẽ có lợi, tuy nhiên người cơ địa béo mập với tình trạng rối loạn lipid máu thì không nên ăn HOÀI NHÂN |
“Ăn gì bổ nấy” xuất phát từ đâu?
Trong nền y học cổ truyền cũng như y học dân gian, một số tạng phủ hay bộ phận của động vật đã được đúc kết kinh nghiệm chữa bệnh do một số người sau khi ăn những thức ăn ấy đã ghi nhận bệnh có phần thuyên giảm. Ví dụ như tim heo khi được chưng hầm với các vị thuốc như Bá tử nhân, Đương quy, Táo đỏ,… sẽ có tác dụng dưỡng tâm, chữa các chứng tim hồi hộp, bồn chồn, mất ngủ; dạ dày heo thì có vị ngọt, tính ấm tác dụng kiện tỳ ích vị, khi hầm với tiêu sọ sẽ chữa được chứng tỳ vị hư hàn với biểu hiện lạnh bụng, đầy bụng, khó tiêu, phân lỏng, chán ăn; thận dê thì có vị ngọt tính bình, giúp bổ thận khí và điền tinh ích tủy, khi được hầm với các vị thuốc bổ dương ích tinh như Nhục thung dung, Thục địa, Kỷ tử, Ba kích,… thì có thể giúp bổ thận tráng dương, chữa các chứng thận hư trong y học cổ truyền như di tinh, ù tai, đau lưng mỏi gối,…
Do những trường hợp kinh nghiệm sau khi ăn các thức ăn trên và các triệu chứng có thuyên giảm, nên dân gian truyền miệng thành câu “ăn gì bổ nấy”, tức ăn tim bổ tim, ăn óc bổ óc, ăn phổi bổ phổi, ăn huyết bổ máu…
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ để không mắc phải sai lầm
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Tín (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3), quan niệm “ăn gì bổ nấy” không phải luôn đúng, hơn nữa với quan điểm “thức ăn là thuốc” thì từng trường hợp bệnh trạng cụ thể mà món ăn đó sẽ phù hợp với người bệnh hay không, và hơn thế nữa không thể “suy diễn” ra rằng mọi trường hợp ăn bộ phận nào sẽ bổ bộ phận đó được. Muốn biết rõ thực hư tác dụng ấy, thì phải được cân nhắc với góc nhìn khoa học, khi mà nhà dinh dưỡng học xác định rõ trong loại thức ăn đó có những thành phần dinh dưỡng gì và sẽ có tác dụng nào lên cơ thể, nhất là khi sử dụng kéo dài. Ngược lại nếu “cả tin” mà dùng không đúng, những chất có trong các món ăn ấy nạp vào cơ thể một lượng lớn kéo dài thì không những có thể không thuyên giảm mà còn có thể thêm bệnh.
Ví dụ, óc heo chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng như chất protein, khoáng chất như calci, phospho, sắt, các loại vitamin, và đặc biệt chứa hàm lượng rất cao chất béo. Đối với người thiếu dinh dưỡng, khi ăn óc heo lượng vừa đủ thì sẽ có lợi nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao ấy; ngược lại người cơ địa béo mập với tình trạng rối loạn lipid máu, lượng cholesterol rất cao trong óc heo khi ăn kéo dài sẽ gây tích tụ thêm và khiến người bệnh tăng cao nguy cơ tim mạch, từ đó tiềm tàng mối nguy hiểm gây ra các bệnh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim,… Do đó, người bệnh trước khi tự ý ăn uống một món ăn nào đó cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để không mắc phải sai lầm.
Tóm lại, “ăn gì bổ nấy” là một câu nói truyền miệng trong dân gian không đúng. Để có được một sức khỏe tốt, người bệnh không nên tùy tiện tự ý dùng thức ăn mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Dinh dưỡng tốt, tuân thủ điều trị, có một lối sống khoa học, khi đó người bệnh mới có thể khỏi được bệnh và có được cuộc sống lành mạnh.
M.PHÚC
TNO