18/11/2024

Không mập vẫn ăn kiêng giảm cân, có sao không?

Không mập vẫn ăn kiêng giảm cân, có sao không?

Ăn kiêng giảm cân khi bạn không béo phì có thể tổn hại cho sức khoẻ, tăng nguy cơ tiểu đường type 2 và dễ bị thừa cân khi nhiều tuổi.

 

Không mập vẫn ăn kiêng giảm cân, có sao không? - Ảnh 1.

Việc giảm cân chỉ nên áp dụng đối với những người gặp vấn đề sức khỏe, hoặc đang béo phì buộc phải giảm trọng lượng cơ thể – Ảnh: Punchng

Nhiều người trong chúng ta bị ám ảnh với cân nặng, thường xuyên ăn kiêng, thậm chí áp dụng nhiều phương pháp “ép cân” phản khoa học để có được thân hình mảnh khảnh như ý muốn. Thế nhưng, các nhà khoa học tại Đại học Harvard cảnh báo rằng việc giảm cân chỉ nên áp dụng nếu tính theo chỉ số BMI bạn đang trong tình trạng thừa cân.

Ngược lại, nếu đang có thân hình cân đối và mức cân nặng lý tưởng, chỉ cần giảm thêm ít nhất 4,5kg thôi sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 sau một thập kỷ cao hơn so với những người không giảm cân.

Các nhà khoa học tin rằng những người vốn gầy nhưng lại trải qua quá trình giảm cân khắc nghiệt sẽ thường bị thèm ăn và dễ bị mập trở lại sau khi giảm cân.

Nghiên cứu này thực hiện dựa trên dữ liệu sức khỏe thu thập từ năm 1988 đến năm 2017 của 200.000 người dân khỏe mạnh. Phần lớn số người được quan sát là nữ giới, cũng là nhóm người quan tâm đến hình thể và cân nặng nhiều nhất.

Họ được chia theo chỉ số khối cơ thể (BMI) thành nhóm những người gầy, nhóm bình thường và nhóm thừa cân, béo phì. Sau đó lại chia thành hai nhóm: nhóm giảm cân và nhóm không giảm cân.

Các nhà khoa học tiếp tục xem xét hồ sơ y tế của những người tham gia trong 10 năm tiếp theo. Kết quả gây ngạc nhiên khi những người vốn mập thì giảm cân dễ dàng và giảm tình trạng bệnh tật, nhưng những người thuộc nhóm gầy trước đó mà vẫn tiếp tục giảm cân đã tăng thêm 2-7kg.

Điều đáng quan tâm hơn cả là nhóm người gầy nhưng vẫn giảm cân, cho dù tuân theo bất kỳ chế độ ăn kiêng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn tới 54% so với các nhóm còn lại.

Hiểu một cách đơn giản thì người mập giảm cân sẽ giảm nguy cơ bệnh tật, còn người đang gầy mà vẫn cố giảm cân thì tăng nguy cơ bệnh hơn, thậm chí dễ béo phì hơn trong vòng 10 năm tiếp theo.

Tiến sĩ Qi Sun, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng ta có bằng chứng về mối liên hệ của nỗ lực giảm cân với việc tăng cân nhanh hơn và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn ở những người gầy”.

Theo nhóm nghiên cứu, việc giảm cân chỉ nên áp dụng đối với những trường hợp gặp vấn đề sức khỏe, hoặc đang béo phì buộc họ phải giảm trọng lượng cơ thể. Giảm cân có thể dẫn đến những thay đổi sinh học ở người gầy khiến sau này họ có nguy cơ tăng cân cao hơn. Nó có thể làm tăng nồng độ hormone gây đói ghrelin, dẫn đến việc người gầy thấy đói thường xuyên hơn.

Điều này cũng có thể khiến họ có xu hướng tiếp cận với thức ăn mặn hoặc nhiều đường hơn vì nó kích hoạt vùng hệ thống phần thưởng trong não. Ngoài ra, người càng gầy thì càng mệt mỏi, ít vận động nên lượng calo nạp vào sẽ ít bị tiêu hao. Lâu dần lượng calo này tích tụ và khiến họ trở nên béo phì.

MINH HẢI (Theo News-medical)
TTO