22/12/2024

Áp niên hạn sở hữu chung cư: Địa phương đồng tình, doanh nghiệp phản đối

Áp niên hạn sở hữu chung cư: Địa phương đồng tình, doanh nghiệp phản đối

Trong khi lãnh đạo các địa phương đồng tình với đề xuất áp niên hạn sở hữu chung cư, các doanh nghiệp, hiệp hội lại bác đề xuất này tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật nhà ở sửa đổi, do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 30-9.

Áp niên hạn sở hữu chung cư: Địa phương đồng tình, doanh nghiệp phản đối - Ảnh 1.

Theo dự thảo luật, các loại nhà chung cư, bao gồm chung cư thương mại, chung cư xã hội, chung cư tái định cư, chung cư công vụ đều áp niên hạn sử dụng theo thời hạn sử dụng công trình – Ảnh: NGỌC HIỂN

Doanh nghiệp muốn giữ nguyên quy định

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng đối với dự thảo Luật nhà ở sửa đổi, việc quy định áp niên hạn sở hữu chung cư nhận được nhiều ý kiến quan tâm, do đó ở góc độ đơn vị soạn thảo luật, bộ lắng nghe thêm các ý kiến góp ý từ các doanh nghiệp, các chuyên gia và các địa phương.

Đại diện cho doanh nghiệp FDI góp ý về dự thảo luật, ông Đỗ Trọng Tuấn Anh (đại diện Lotte Land) cho rằng tâm lý người Việt Nam từ xưa đến nay là “an cư lạc nghiệp”, mong muốn sở hữu nhà ở ổn định như một dạng tích trữ tài sản.

Do đó, ông Tuấn Anh cho rằng việc quy định sở hữu căn hộ có thời hạn chưa phù hợp với tâm lý của người mua, có thể khiến thị trường nhà chung cư suy giảm và làm gia tăng nhu cầu về nhà đất thấp tầng, kéo theo giá nhà đất leo thang.

Theo ông Tuấn Anh, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô dân số tăng, kéo theo nhu cầu nhà ở tăng. Vì vậy, chung cư là bất động sản được ưa chuộng hơn nhà đất trong bối cảnh đất chật người đông. Bên cạnh đó, chung cư cũng là tài sản có thể sinh lợi nhuận cho người dân.

Ông Tuấn Anh cho rằng trong bối cảnh giá nhà ở tăng cao, tỉ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa, nếu Việt Nam chuẩn bị tốt các cơ chế như quản lý giá chung cư để tăng nguồn cung, đẩy mạnh chương trình phát triển nhà ở xã hội và nhà ở phù hợp người thu nhập thấp, đa dạng kênh tín dụng, tăng cường quy định để kiểm soát, hạn chế đầu cơ… thì chung cư hoàn toàn là loại hình bất động sản sinh lợi nhuận cho người dân.

“Thay vì áp đặt quy định sở hữu có thời hạn đối với chung cư, Chính phủ nên có những quy định chặt chẽ về kiểm định chất lượng công trình và cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, qua đó đảm bảo sự an toàn của người sử dụng, cũng như tạo tiền đề cho quy hoạch và cải tạo đô thị trong tương lai”, ông Tuấn Anh nói.

Nói về kinh nghiệm tại Hàn Quốc, ông Tuấn Anh cho rằng việc xây dựng lại công trình nhà ở có tuổi thọ 30 năm, Hàn Quốc quy định việc kiểm định chất lượng công trình khi có 10% các chủ sở hữu biểu quyết thông qua. Trường hợp kết quả thẩm định ở mức an toàn thấp nhất, các chủ sở hữu có thể nộp hồ sơ xin phê duyệt xây dựng lại.

Trong khi đó, tất cả các doanh nghiệp bất động sản phát biểu tại hội thảo đều đề nghị không áp niên hạn sở hữu chung cư, mà giữ quy định hiện hành.

Ông Trần Quốc Dũng, phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, đề nghị giữ nguyên quy định như hiện nay là không áp niên hạn sở hữu chung cư, bởi nếu áp niên hạn chung cư sẽ tạo rào cản cho người dân mua căn hộ. Tương tự, ông Bùi Xuân Huy – chủ tịch HĐQT Novaland – cũng đề nghị không áp niên hạn sở hữu đối với chung cư.

Đồng quan điểm, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu và lãnh đạo hiệp hội bất động sản của Bình Dương, Cần Thơ cũng đề nghị không áp niên hạn vì lo người dân không sẵn sàng mua chung cư.

 

Đảm bảo các quyền của người dân

Ở góc độ đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng có 3 loại quyền liên quan đến nhà chung cư, đó là quyền sở hữu căn hộ, quyền sử dụng đất và quyền sử dụng căn hộ.

Theo ông Nghĩa, vừa qua có các trường hợp chung cư xây dựng quá lâu, nguy hiểm về an toàn song lúng túng trong xử lý khi người dân không chịu di dời, do đó cần phải xây dựng luật để Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ những người dân này, song người dân cũng phải có nghĩa vụ đi khỏi chung cư để đảm bảo tín mạng.

Theo ông Nghĩa, cần đặt vấn đề người dân có nhu cầu sở hữu chung cư có thời hạn hay không, nếu nhu cầu rộng lớn, đòi hỏi phải có quy định riêng thì quy định trong luật. Do đó, ông Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sâu thêm, nghiên cứu đến 3 loại quyền trên của người dân.

TS Sử Ngọc Khương (giám đốc cấp cao Savills Việt Nam) cho rằng cần có lộ trình cho những dự án trong tương lai và lộ trình giải quyết cho những vấn đề đối với những dự án trước đây đã cấp lâu dài, tránh tác động đến người mua nhà và các nhà đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp FDI.

Áp niên hạn sở hữu chung cư: Địa phương đồng tình, doanh nghiệp phản đối - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng (bìa phải) trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo – Ảnh: NGỌC HIỂN

Ở góc độ quản lý nhà nước, cả ông Dương Tấn Hiển – phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ và ông Võ Hoàng Ngân – giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, đều đồng tình áp niên hạn sở hữu chung cư, trong đó ông Ngân cho rằng mọi công trình xây dựng đều có niên hạn sử dụng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết nhiều chung cư chưa đến 50 năm sử dụng, mới 30-40 năm đã xuống cấp, nguy hiểm nhưng việc cải tạo gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Sinh, việc đưa ra thời hạn sở hữu sẽ tác động đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, ông Sinh cho rằng phải đề cao an toàn của người dân, nhất là người dân tại các chung cư cũ.

NGỌC HIỂN
TTO