27/12/2024

Vì sao ăn cua biển có thể gây sốc phản vệ?

Vì sao ăn cua biển có thể gây sốc phản vệ?

Tôi thường bị nổi mề đay, ngứa, nôn nao khó chịu sau khi ăn cua biển, tôi nghe nói ăn cua biển dễ gây dị ứng và sốc phản vệ xin hỏi bác sĩ nguyên nhân do đâu? (Thu Tuyết, 29 tuổi, ở Bình Dương).

 

 

Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời:

Cua biển và các loại tôm thuộc loài giáp xác. Dị ứng với thực phẩm loài giáp xác là một trong các loại dị ứng thường gặp nhất. Dị ứng với cua biển, thường khởi phát ở tuổi trưởng thành. Theo thống kê chung trên toàn thế giới, dị ứng với cua biển đứng hàng thứ ba sau đậu phộng và các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, đào lộn hột…).

Dị ứng đối với cua biển, cũng như dị ứng với các thực phẩm khác, có nguyên nhân là do hệ miễn dịch của cơ thể đáp ứng với protein có trong thức ăn. Cơ thể chúng ta cho rằng các protein vốn vô hại này là mối đe dọa và phóng thích các hóa chất gây triệu chứng dị ứng. Thành phần gây dị ứng đối với loài giáp xác là một protein cơ gọi là tropomyosin. Một người dị ứng với tropomyosin của một loài giáp xác có thể dị ứng cả với thực phẩm của loài giáp xác khác.

Vì sao ăn cua biển có thể gây sốc phản vệ? - ảnh 1
Cua biển là loại thức ăn ngon nhưng dễ gây dị ứng  TUY AN

Phản ứng dị ứng có thể dẫn đến sốc phản vệ, đây là tình trạng phản ứng nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm tính mạng, cần cấp cứu kịp thời.

Bạn cũng lưu ý rằng một người dị ứng với cua biển và các loài giáp xác có thể không dị ứng với các loài cá biển do tác nhân gây dị ứng ở 2 loại thực phẩm này là khác nhau. Do đó, người dị ứng cua biển vẫn có thể ăn cá biển, và ngược lại (trừ trường hợp bạn dị ứng với cả loại thức ăn này).

LÊ CẦM

TNO