01/01/2025

Bốn khu vực ở Ukraine thành tâm điểm chiến tranh

Bốn khu vực ở Ukraine thành tâm điểm chiến tranh

Từ hôm nay 23-9, bốn vùng do Nga kiểm soát ở Ukraine bắt đầu tổ chức trưng cầu ý dân về việc sáp nhập Nga. Sự việc diễn ra giữa lúc Matxcơva quyết định thay đổi quy mô cuộc chiến mà theo họ là với cả phương Tây chứ không riêng Kiev.

 

 

Bốn khu vực ở Ukraine thành tâm điểm chiến tranh - Ảnh 1.

Nguồn: Guardian – Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW). Tổng hợp: Minh Khôi – Đồ họa: TUẤN ANH

Điện Kremlin đến nay đã thể hiện rõ sẽ ủng hộ các vùng ở Ukraine sáp nhập Nga dù các nước phương Tây tuyên bố không công nhận kết quả trưng cầu ý dân.

Việc sáp nhập có nghĩa mọi hành động quân sự nhắm vào những khu vực đó đều được coi là cuộc tấn công nhằm vào Nga. Đây là tín hiệu cho thấy cuộc chiến có thể diễn biến khôn lường trong thời gian tới.

Tại thời điểm này, chúng tôi đang thực sự chiến tranh với tập thể phương Tây, với NATO.

Hãng tin TASS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói ngày 21-9.

 

15% lãnh thổ Ukraine

Đầu tuần này, hai nước Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga từ ngày 23 đến 27-9. Hai khu vực Nga đang kiểm soát một phần là Kherson và Zaporizhzhia cũng sẽ bỏ phiếu cùng thời gian này, trong đó Zaporizhzhia sẽ có kết quả ngay trong ngày 28-9.

Các khu vực này chiếm khoảng 15% lãnh thổ của Ukraine. Nga đang kiểm soát khoảng 60% Donetsk và 73% Zaporizhzhia.

Người dân tại các vùng nói trên sẽ bỏ phiếu để trả lời câu hỏi “có” hoặc “không” với việc ly khai Ukraine và sáp nhập Nga. Ủy ban bầu cử trung ương Nga cũng sẽ hỗ trợ cuộc trưng cầu. Hãng tin Tass dẫn lời ông Nikolay Bulayev, phó chủ tịch ủy ban này, cho biết Nga sẽ mở hàng chục điểm bỏ phiếu tại Nga cho những người đã di tản khỏi bốn khu vực trên cũng như cử giám sát viên và hỗ trợ thiết bị cho các điểm đó.

Ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nói rõ hơn khi khẳng định Matxcơva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các vùng lãnh thổ nói trên nếu họ chọn sáp nhập.

“Không chỉ huy động quân, mà bất kỳ vũ khí nào của Nga, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến lược và vũ khí dựa trên các nguyên tắc mới, đều có thể được sử dụng để bảo vệ các vùng này”, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Medvedev nói ngày 22-9.

Ukraine và phương Tây liên tục chỉ trích các cuộc trưng cầu là bỏ phiếu giả và dĩ nhiên khẳng định sẽ không công nhận các kết quả trưng cầu. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng bày tỏ lo ngại rằng việc một nước đe dọa hoặc dùng vũ lực để sáp nhập lãnh thổ của nước khác là vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Bốn khu vực ở Ukraine thành tâm điểm chiến tranh - Ảnh 3.

Người dân xếp hàng chờ nhận hỗ trợ nhân đạo tại thành phố Bakhmut thuộc vùng Donetsk ở Ukraine vào ngày 13-8 – Ảnh: AFP

Leo thang chiến tranh

Theo phân tích của truyền thông phương Tây, việc sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine sẽ càng khiến Nga có thêm lý do để đáp trả mạnh mẽ sau bước lùi trên chiến trường những tuần qua. Và đây là tín hiệu cho thấy cuộc chiến sẽ leo thang. Ngày 21-9, ông Putin đã tuyên bố huy động quân sự một phần nhằm bổ sung thêm khoảng 300.000 binh sĩ có kinh nghiệm chiến đấu.

Ông Putin giải thích Nga đang phải đối mặt với “hầu như toàn bộ bộ máy quân sự của phương Tây” và mục tiêu của chiến dịch quân sự ở Ukraine là “giải phóng toàn bộ lãnh thổ Donbass”. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigui cho biết việc huy động quân nhằm đảm bảo kiểm soát các vùng lãnh thổ mới sáp nhập.

Theo giới phân tích quân sự phương Tây, việc này sẽ không tạo ra sự thay đổi tức thời trên chiến trường bởi sẽ mất nhiều tuần, thậm chí lâu hơn, để huy động và đào tạo binh lính sẵn sàng chiến đấu.

Việc leo thang cuộc chiến có nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự giữa Nga và NATO, viễn cảnh mà Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng có thể dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ 3. Phương Tây khẳng định sẽ ủng hộ vũ khí cho Kiev và nhất trí soạn các biện pháp trừng phạt mới với Nga.

“Ông Putin đã đặt cược vào sự leo thang. Những cuộc trưng cầu ý dân này rõ ràng là tối hậu thư của Nga với Ukraine và phương Tây”, chuyên gia Tatiana Stanovaya của Tổ chức phân tích R. Politik nhận định trên Đài al Jazeera.

 

Cửa đàm phán đã đóng

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 22-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ khả năng đàm phán với Nga. “Họ nói sẵn sàng đàm phán nhưng lại tuyên bố động viên quân sự, tuyên bố trưng cầu ý dân”, ông Zelensky nói.

Ngược lại, Hãng tin Tass dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky cho biết tiến trình đàm phán đã không thể cứu vãn và sẽ càng vô vọng sau khi các vùng ở Ukraine sáp nhập Nga.

Nhưng một số ý kiến vẫn tin rằng mục tiêu hiện tại của Nga là gây sức ép để đạt được thỏa thuận hòa bình, nhưng không phải với Ukraine mà với phương Tây. “Nếu có bất cứ đàm phán nào, đó sẽ là với phương Tây chứ không phải Kiev”, báo New York Times dẫn lời ông Andrei Kortunov, giám đốc Viện Nghiên cứu Russian International Affairs Council, nhận định.

 

Vấn đề Ukraine làm nóng Liên Hiệp Quốc

Kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) đang diễn ra và các vấn đề xoay quanh Ukraine được thảo luận nhiều.

Theo Hãng tin Tass ngày 22-9, trong bài phát biểu, tân Thủ tướng Anh Liz Truss tuyên bố Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến khi nước này giành thắng lợi. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng có bài phát biểu qua video trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 21-9, chủ yếu là chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Phái đoàn Nga cũng có mặt trong phòng họp lúc ông Zelensky phát biểu.

Trong khi đó, ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức cuộc họp khẩn vào cuối ngày 21-9 tại New York. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell cho biết khối này đã xem xét các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.

Ngoài vấn đề Ukraine, căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng gây chú ý tại cuộc họp. Hai bên xung đột về vấn đề an ninh và quyền con người trong ngày 21-9 khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi yêu cầu Mỹ đưa ra các cam kết nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, còn Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Tehran sẽ không bao giờ được sở hữu bom nguyên tử.

BÌNH AN

TRẦN PHƯƠNG
TTO