Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu

Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu

Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, bao gồm cả xăng E5, E10 và giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu.

 

 

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.

Tại Dự thảo của Nghị quyết, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội giao thẩm quyền cho Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định mức giảm cụ thể thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Trong đó, Bộ Tài chính trình 2 phương án. Phương án 1, dự kiến giảm 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 20% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.

Thời gian áp dụng 6 tháng kể từ ngày Nghị quyết của UBTVQH có hiệu lực thi hành. Với mức giá dầu thô dự kiến 100 USD/thùng, Bộ Tài chính dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước của 2 sắc thuế theo phương án này khoảng 1.239 tỉ đồng/tháng.

Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu - ảnh 1
Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu ĐỘC LẬP

Nếu thời gian thực hiện giảm hai sắc thuế trên trong vòng 6 tháng thì tổng giảm thu ngân sách nhà nước là 7.434 tỉ đồng. Với phương án đề xuất này và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 12.9 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 15,93% đối với xăng E5RON92, khoảng 17,95% đối với xăng RON95 và khoảng 9,75% đối với dầu diesel.

Tại phương án 2, đề xuất giảm 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 50% mức thuế GTGT đối với xăng dầu. Thời gian áp dụng 6 tháng kể từ ngày Nghị quyết của UBTVQH có hiệu lực thi hành. Với mức giá dầu thô dự kiến 100 USD/thùng, Bộ Tài chính dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước của 2 sắc thuế này khoảng 2.031 tỉ đồng/tháng. Tổng cộng trong 6 tháng thì số thu ngân sách nhà nước giảm 12.186 tỉ đồng.

Với phương án đề xuất nêu trên và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 12.9 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 13,35% đối với xăng E5RON92, khoảng 15,61% đối với xăng RON95 và khoảng 7,18% đối với dầu diesel.

Việc giảm 2 sắc thuế này đều giúp cho người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi do được giảm chi phí trực tiếp trong việc tiêu thụ xăng, dầu cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác. Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

MAI PHƯƠNG

TNO