08/01/2025

Đáng lo khi thầy cô sợ học sinh hỏi hóc búa

Đáng lo khi thầy cô sợ học sinh hỏi hóc búa

 “Mong học sinh đừng hỏi câu nào quá hóc búa” – phát biểu này của một trưởng phòng giáo dục ở TP.HCM khiến dư luận chới với. Nhưng nó đang phản ảnh tình hình chắp vá trong giáo dục phổ thông hiện nay.

Đáng lo khi thầy cô sợ học sinh hỏi hóc búa - Ảnh 1.

Thí sinh trao đổi bài trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2022 – Ảnh: NAM TRẦN

Song, nó phản ánh thực tại trần trụi về quá trình vận hành chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THCS hiện nay, đặc biệt là việc dạy các môn học tích hợp.

Khoa học tự nhiên (gồm lý, hóa, sinh), lịch sử và địa lý là hai môn học tích hợp đang tiến hành giảng dạy ở lớp 6 và lớp 7. Gọi là tích hợp nhưng vẫn tách bạch các mảng kiến thức riêng biệt.

Đội ngũ giáo viên dạy tích hợp chưa “ra lò”, thế là giáo viên các bộ môn riêng lẻ phụ trách từng mảng kiến thức liên quan dẫn đến tình trạng “3 thầy 1 sách”, “2 thầy 1 sách” hết sức phức tạp và rối ren trong khâu kiểm tra đánh giá, nhận xét kết quả học tập của học sinh.

Ở một số địa phương, sau một vài đợt tập huấn, giáo viên đơn môn buộc phải đứng lớp giảng dạy đa môn. Từ đây, nỗi lo của người thầy định hình và ngày càng hằn sâu: lo trò hỏi câu khó khiến thầy bối rối, lo trò nêu vấn đề nan giải khiến thầy lúng túng.

 

Nỗi lo ấy hoàn toàn có cơ sở và đánh động dư luận về hiệu quả, chất lượng của những bài học tích hợp.

Từ khi rời mái trường phổ thông để đến với giảng đường sư phạm, bao người vẫn học hành và đào sâu kiến thức đơn môn. Rồi hành trình bao nhiêu năm đứng lớp giảng dạy, kiến thức và kỹ năng tích lũy qua năm dài tháng rộng vun bồi nên vóc dáng và vị thế của người thầy hiểu sâu, biết rộng, sáng bừng tư duy sáng tạo, năng lực đổi mới…

Thế rồi, một vài lớp tập huấn ngắn hạn, một số tín chỉ được cấp phát chóng vánh liệu có đủ sức bổ khuyết kiến thức, năng lực cho người thầy thông thạo mọi nẻo, tường tận mọi khía cạnh của những lĩnh vực tích hợp đính kèm không?

Chúng ta không phủ nhận có những nhà giáo rất giỏi, am hiểu và tinh tường nhiều lĩnh vực, có thể đảm đương trọng trách vừa dạy lý kiêm hóa – sinh, vừa dạy sử kiêm địa lý, tuy nhiên số lượng giáo viên toàn năng ấy quá là ít ỏi và hiếm hoi.

Còn lại thì sao? Người thầy cảm thấy không gồng gánh nổi kiến thức tích hợp vẫn phải tập huấn và đứng lớp. Người thầy vừa dạy vừa ghi câu hỏi của trò vào sổ hẹn buổi sau giải đáp để về nhà “tầm sư học đạo”. Người thầy vừa chân trong lớp vừa mon men ra ngoài hành lang gọi điện nhờ đồng nghiệp đúng chuyên môn trợ giúp, tư vấn kịp thời…

Bức tranh bi hài của đổi mới giáo dục sao cứ khiến chúng ta ngán ngại và âu lo như thế?! Người thầy “biết 10 dạy 1” để học sinh học điều hay, rèn tư duy tốt đâu rồi?

Người thầy tự tin đứng trên bục giảng khơi lên tư duy phản biện và mài giũa năng lực sáng tạo cho trò mà chúng ta luôn khao khát dựng xây đâu rồi? Quả là đáng lo vô cùng khi thầy ngại trò đặt câu hỏi, nêu thắc mắc, thổ lộ nghi vấn trước kiến thức, kỹ năng của môn học tích hợp!

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố hồi cuối năm 2018 với chi tiết nội dung chương trình và lộ trình thực hiện. Thế rồi sau bao năm chuẩn bị nền tảng cho công cuộc “thay sách” ảnh hưởng lớn lao đến nền giáo dục nước nhà, mọi thứ vẫn ngổn ngang từ cơ sở vật chất trường lớp, tranh cãi về chất lượng sách giáo khoa…

Đặc biệt, đội ngũ người thầy đóng vai trò quyết định sự thành bại của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang tồn tại nhiều lỗ hổng nguy hiểm.

Không chỉ là vấn đề nan giải của tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên ngay từ đầu năm học trong bối cảnh chương trình mới thực hiện đồng loạt ở cả ba cấp học, mà còn là tình trạng “chắp vá” kiến thức cho người thầy bằng những buổi tập huấn, là tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” khi buộc người thầy chưa được đào tạo bài bản, chỉn chu đứng lớp gồng gánh môn tích hợp.

Đằng sau những câu chuyện “cười ra nước mắt” về thực tế thầy ngại trò hỏi là nỗi lo ngút ngàn về chất lượng giảng dạy, hiệu quả đổi mới giáo dục.

Phần thiệt thòi lớn nhất vẫn trút trọn về phía người học: chương trình khó, bài học ở lớp lửng lơ chất lượng, yêu cầu ngày càng cao về kiểm tra thi cử buộc người người, nhà nhà lao vào guồng quay học thêm, học kèm, học trung tâm.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Xin đừng để mối nguy “sai một li đi một dặm” tồn tại trong giáo dục!

NGUYỄN NGỌC (THỪA THIÊN – HUẾ)
TTO