15/09/2024

Ba vấn đề nổi cộm của chương trình giáo dục mới

Ba vấn đề nổi cộm của chương trình giáo dục mới

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã khảo sát tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2022.

Ba vấn đề nổi cộm của chương trình giáo dục mới - Ảnh 1.

Học sinh lớp 6/6 Trường THCS Lý Thánh Tông (Q.8, TP.HCM) trong một tiết học môn lịch sử – địa lý – Ảnh: ANH KHÔI

Sau khảo sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết – phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM – đã dành cho phóng viên Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn.

 

Nhận được rất nhiều ý kiến cử tri

* Thưa bà, vì sao Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khảo sát việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các quận, huyện ở TP.HCM vào thời điểm này?

– Có bốn lý do chính khiến Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiến hành đợt khảo sát vào dịp này.

Thứ nhất, việc đổi mới chương trình sách giáo khoa nhận được rất nhiều ý kiến cử tri yêu cầu đại biểu Quốc hội giám sát thực hiện chương trình. Thứ hai, chương trình phổ thông mới bước sang năm thứ ba thực hiện liên quan mật thiết đến đời sống và tương lai của xã hội chúng ta. Vì thế, các đại biểu Quốc hội thực sự muốn sâu sát tình hình triển khai thực hiện nghị quyết 88 và nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thứ ba, TP.HCM triển khai thực hiện chương trình phổ thông mới trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, học sinh không được học trực tiếp mà phải học trực tuyến. Chúng tôi và người dân đều lo lắng về kết quả học tập của học sinh lớp 1, 2 vừa bước vào trường vừa bước vào chương trình mới với cách hoàn toàn lạ lẫm.

Tương tự như vậy, chúng tôi cũng quan tâm đến chất lượng học tập của học sinh lớp 6, lớp 7 khi thực hiện chương trình tích hợp liên môn lần đầu tiên sẽ như thế nào.

Điều thứ tư chính là gần đây báo chí phản ánh rất nhiều những vấn đề liên quan đến đội ngũ nòng cốt thực hiện chương trình phổ thông mới: giáo viên. Thu nhập của họ không đủ sống, thiếu giáo viên, nhiều môn giáo viên không ứng tuyển…

Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi muốn nắm sát sao các vấn đề để kịp thời có những kiến nghị cụ thể gửi đến các cơ quan chức năng, tìm ra giải pháp để thực hiện thành công chương trình phổ thông mới.

Chúng tôi sẽ chuyển những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc và cả những vấn đề cần giải quyết để thực hiện thành công chương trình phổ thông mới từ các địa phương tại TP.HCM đến với Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ và UBND TP.HCM

Bà Văn Thị Bạch Tuyết

 

* Sau những chuyến khảo sát tại các trường, làm việc với các quận huyện, bà nhận thấy gì về cách ngành giáo dục TP.HCM thực hiện chương trình phổ thông mới?

– Qua đợt khảo sát, nhìn chung chúng tôi thấy ngành giáo dục TP, UBND các quận huyện, Phòng GD-ĐT các quận huyện đã tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới tốt với nhiều cố gắng.

Các đơn vị đã rất chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ liên quan đến chương trình phổ thông mới và sách giáo khoa. Hầu hết các nội dung hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TP.HCM đều được các quận, huyện và các trường thực hiện rất nghiêm túc…

Những khó khăn và lúng túng

* Những vấn đề nổi cộm khi ngành giáo dục TP.HCM thực hiện chương trình phổ thông mới là gì, thưa bà?

– Theo tôi, có ba vấn đề nổi lên. Thứ nhất, việc dạy các môn tích hợp sử – địa, lý – hóa – sinh ở lớp 6, lớp 7 có những khó khăn nhất định và cũng có những lúng túng nhất định trong việc triển khai dạy học hai liên môn này mặc dù TP cũng có những lớp tập huấn để giáo viên học thêm. Như giáo viên sử thì học thêm địa, giáo viên địa thì học thêm kiến thức sử, giáo viên sinh thì học thêm lý – hóa, giáo viên lý thì học thêm hóa – sinh, giáo viên hóa thì học thêm sinh – lý.

Tuy nhiên, việc tập huấn này dù tốt nhưng, như chính các quận huyện đã nhận xét, do chương trình các liên môn này chuyên sâu và cần có đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy dạy liên môn thì sẽ tốt hơn tình trạng hiện nay. Đây là tình trạng khách quan và tôi nghĩ ngành giáo dục cũng cần quan tâm để làm sao đảm bảo chất lượng dạy học theo chương trình mới trong bối cảnh dạy học khó khăn này.

Vấn đề thứ hai chính là thiết bị dạy học. Cụ thể hơn, đó chính là máy tính để phục vụ dạy học theo chương trình phổ thông mới. Do mua sắm tập trung nên rất chậm. Một số quận, huyện ở TP.HCM cho biết đã kiến nghị việc mua sắm máy tính từ đầu năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa có máy tính về cho các trường.

Vấn đề thứ ba là tình trạng thiếu giáo viên tin học, Anh văn, mỹ thuật, âm nhạc. TP.HCM có nhiều người có bằng cấp về tin học, ngoại ngữ… Nhưng chính quy định phải có bằng cử nhân sư phạm mới có thể đứng lớp dạy các môn này cộng thêm với thu nhập của nghề giáo còn thấp, không đáp ứng được nhu cầu trang trải cuộc sống vì vậy nhiều người không tham gia ứng tuyển vào làm giáo viên. Nên vị trí thiếu thì nhiều nhưng người ứng tuyển thì thấp, có nơi không tuyển được. Nếu Bộ GD-ĐT, TP.HCM không có cách giải quyết thì sẽ ảnh hưởng nhất định đến chương trình giáo dục phổ thông mới đang triển khai.

Chúng ta triển khai chương trình phổ thông mới với mục tiêu, yêu cầu về trình độ tiếng Anh, tin học… nhưng nay không có người dạy thì sẽ không đáp ứng được mục tiêu chung.

* Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ cùng ngành giáo dục TP tháo gỡ những vướng mắc đó như thế nào?

– Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ghi nhận, chia sẻ những khó khăn với các quận huyện, ngành giáo dục TP.HCM trong thực hiện chương trình giáo dục mới trong bối cảnh dịch COVID-19. Đặc biệt, năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 phải học trực tuyến vì dịch COVID-19 nhưng kết quả học tập trên các quận, huyện ở TP.HCM cho thấy sự nỗ lực chung của ngành giáo dục.

Chúng tôi cũng ghi nhận cơ sở vật chất của một số trường tại địa phương không tốt, sĩ số cao, sân chơi hạn chế, diện tích nhỏ, thiếu giáo viên, thiếu thiết bị giảng dạy… có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình phổ thông mới.

Vì thế, chúng tôi sẽ chuyển những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc và cả những vấn đề cần giải quyết để thực hiện thành công chương trình phổ thông mới từ các địa phương tại TP.HCM đến với Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ và UBND TP.

Đặc biệt, chúng tôi sớm báo với UBND TP.HCM, trong đó nhấn mạnh đến việc triển khai mua sắm tập trung, lưu ý mua sắm máy tính ở các trường, để đảm bảo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo yêu cầu bắt buộc thiết bị cần có của lớp học. Vì mục tiêu của chương trình phổ thông mới trong bộ môn tin học yêu cầu phải tiệm cận với quốc tế, nên máy tính là vấn đề sát sườn của chất lượng.

 

Đào tạo giáo viên phải đáp ứng chương trình mới

tantao 21-9 2(Read-Only)

Học sinh Trường THCS Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) trong một buổi đọc sách tại thư viện – Ảnh: MỸ DUNG

* Thiếu giáo viên cũng là một trong những vấn đề gặp phải khi thực hiện chương trình mới. Theo bà, nên giải quyết tình trạng này thế nào?

Đoàn đã làm việc với các quận, huyện cũng như Sở GD-ĐT TP.HCM. Đối với việc thiếu giáo viên, đoàn cũng làm việc với ngành giáo dục TP.HCM và địa phương tiến tới giải pháp để có được đội ngũ dạy các môn học này, đặc biệt là đội ngũ dạy tin học và ngoại ngữ.

Chúng tôi cũng làm việc với UBND quận, huyện để thúc đẩy sự sâu sát của các quận, huyện trong việc thực hiện chương trình phổ thông mới 2018. Trong đó, chúng tôi đề nghị các địa phương có sự chỉ đạo thường xuyên, kiểm tra, thanh tra để tháo gỡ khó khăn của các trường, đầu tư kinh phí… để các trường đủ thiết bị giảng dạy.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lưu ý đến việc đừng quá đặt nặng thành tích thi đua trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới mà cần có sự động viên, khuyến khích đối với đội ngũ giáo viên để các thầy cô dồn tâm huyết cho những bài dạy. Đó là điều cốt lõi làm nên chất lượng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Riêng đối với chương trình liên môn ở bậc THCS gặp bất cập trong chính những tiết dạy của giáo viên vì việc tập huấn dù tốt nhưng vẫn chưa khiến giáo viên tự tin trong dạy học, chúng tôi sẽ thúc đẩy thêm với các quận huyện nhưng cũng sẽ kiến nghị các vấn đề lên các cơ quan ban ngành cao hơn. Trong đó có vấn đề đào tạo giáo viên trong tương lai phải đáp ứng ngay yêu cầu của chương trình phổ thông mới.

MỸ DUNG thực hiện
TTO