10/01/2025

Điểm chuẩn đại học cao chót vót: Bình thường nhưng chưa công bằng

Điểm chuẩn đại học cao chót vót: Bình thường nhưng chưa công bằng

Kỳ tuyển sinh đại học năm nay có rất nhiều ngành có điểm chuẩn từ 29 trở lên, cao nhất là 29,95 (thang điểm 30). Các chuyên gia tuyển sinh nói gì về vấn đề này?

Điểm chuẩn đại học cao chót vót: Bình thường nhưng chưa công bằng - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

* PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM): Chưa công bằng với tất cả thí sinh

Nhiều ngành có điểm chuẩn rất cao, thí sinh đạt trên 9 điểm mỗi môn vẫn rớt là điều bình thường trong tuyển sinh. Năm nay đề sử dễ nên điểm thi tăng rất mạnh, điểm 9, 10 nhiều do đó điểm chuẩn tổ hợp văn – sử – địa ở nhiều trường tăng, điểm chuẩn gần kịch trần. Nhiều năm trước hầu như không có mức điểm chuẩn “khủng” như những năm gần đây.

Ngoài yếu tố đề thi hằng năm khác nhau, một yếu tố khác đẩy điểm chuẩn phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT tăng đó là vài năm gần đây các trường tuyển sinh rất nhiều phương thức nên chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét điểm tốt nghiệp không nhiều. Đề dễ, điểm thí sinh cao, chỉ tiêu ít khiến cho điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp bị đẩy lên gần như tuyệt đối. Đó là việc bình thường trong tuyển sinh.

Tuy nhiên, dù các trường tự chủ tuyển sinh, tự chọn các phương thức và phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức, tổ hợp nhưng cũng cần xét đến mặt bằng chung để cơ hội vào đại học bình đẳng với mọi thí sinh. Thí sinh ở vùng sâu vùng xa sẽ khó cạnh tranh lại thí sinh ở thành phố trong các phương thức xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, thi đánh giá năng lực. Các em chỉ còn dựa vào xét điểm thi tốt nghiệp và vì chỉ tiêu còn ít nên cơ hội vào đại học của các bạn cũng rất mong manh, do điểm chuẩn sẽ bị đẩy lên cao.

* GS.TS NGUYỄN MINH HÀ (hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM): Chưa bình đẳng giữa các phương thức

Tuyển sinh là việc tuyển chọn, trong đó điểm số là tiêu chí cơ bản nhất nên việc các trường xác định điểm chuẩn cao chót vót là điều bình thường. Trường xác định điểm chuẩn dựa trên chỉ tiêu còn lại của phương thức, tổ hợp xét tuyển. Điểm chuẩn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là chỉ tiêu, nên khi các trường đa dạng phương thức tuyển sinh, họ buộc phải phân chia chỉ tiêu cho từng phương thức và tổ hợp. Điều này khiến cho chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT còn rất ít. Đó là lý do khiến điểm chuẩn cao.

Tuy nhiên, việc phân chia tỉ lệ các phương thức, lựa chọn phương thức tuyển sinh cũng chưa công bằng với tất cả thí sinh và ngay cả giữa các phương thức với nhau. Mỗi phương thức có chỉ tiêu, trọng số tính điểm khác nhau đó là chưa công bằng giữa các phương thức.

Một vài phương thức, không phải tất cả thí sinh đều biết hoặc biết nhưng không có điều kiện tham gia. Điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp không cùng thang đánh giá nhưng vẫn là căn cứ để xét tuyển vào đại học như nhau. Như vậy, cơ hội vào đại học không công bằng giữa các thí sinh tham gia xét tuyển các phương thức khác nhau.

* TS TRẦN ĐÌNH LÝ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM): Thay đổi trong tuyển sinh

Xét về lý thuyết, điểm chuẩn của các trường năm nay chính xác hơn các năm trước vì lọc ảo chung tất cả các phương thức. Tuy nhiên thực tế thí sinh nhập học thế nào còn phải chờ thực tế trả lời.

Có một điểm khác đáng chú ý trong tuyển sinh năm nay so với năm trước đó là đến khi xét điểm thi tốt nghiệp, các trường vẫn chưa biết đã có bao nhiêu thí sinh nhập học các phương thức khác vào trường. Vì tình hình năm nay xét tuyển chung các phương thức nên điểm chuẩn mỗi phương thức phụ thuộc vào chỉ tiêu của phương thức đó.

Và chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT thường không nhiều do các trường đã gọi trúng tuyển sớm thí sinh ở các phương thức khác. Đó là lý do khiến nhiều ngành có điểm chuẩn cao bên cạnh việc điểm thi tăng.

MINH GIẢNG ghi
TTO