Nguy cơ lạm dụng thuốc giảm đau ở sinh viên

Nguy cơ lạm dụng thuốc giảm đau ở sinh viên

Bác sĩ cảnh báo nguy cơ không ít sinh viên thường lạm dụng thuốc giảm đau có chứa paracetamol để có cảm giác ‘khoẻ và tỉnh táo.

 

 

Luôn mang thuốc bên mình

Sinh viên dễ dàng tiếp cận, mua những loại thuốc giảm đau có chứa paracetamol như Panadol cùng viên uống vitamin và mang theo trong người để cảm thấy “an tâm” hoặc sử dụng dù đôi lúc không có triệu chứng gì quá nghiêm trọng phải dùng tới thuốc.

Nguy cơ lạm dụng thuốc giảm đau ở sinh viên - ảnh 1
Có những sinh viên luôn mang theo thuốc giảm đau có chứa paracetamol trong người  ẢNH CHỤP MÀN HÌNH TWITTER

Chẳng hạn, P.V (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM) thường đem theo thuốc Panadol, viên uống sắt và vitamin C khi đi học. “Tôi bắt đầu đem theo thuốc từ khi học lớp 11. Thi thoảng tôi bị nhức đầu nhẹ hoặc người lừ đừ chóng mặt có thể do không uống đủ nước hoặc ngủ không đủ giấc là tôi có thuốc dùng ngay”, P.V chia sẻ.

P.V cho hay một số bạn cùng lớp cũng làm điều tương tự vì đa số sinh viên thường thức khuya, ngồi máy tính quá nhiều khiến lưng đau, mắt mỏi, gặp nhiều áp lực trong học tập và stress… Nữ sinh viên cho hay cô nhiều lần muốn thay đổi thói quen sinh hoạt, nhất là việc thức khuya, nhưng bất thành.

Tương tự, T.T.H.N (sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cũng thường mang theo trong người những loại thuốc như Panadol, Pharmaton, C sủi. “Từ năm nhất ĐH, tôi đem theo thuốc đến lớp để làm giảm những cơn đau đầu nhanh chóng. Tôi thường hay bị đau đầu do thiếu ngủ hoặc đi học và làm việc quá nhiều”, H.N cho biết. Sinh viên này cho hay bản thân chỉ uống thuốc khi cảm thấy nhức đầu, cũng cảm thấy lo ngại trước nguy cơ lạm dụng thuốc nhưng lại muốn đầu óc luôn tỉnh táo để học tập tốt.

Còn những sinh viên khác thì chỉ mang theo thuốc nếu được bác sĩ kê toa hoặc đang phải điều trị chứng bệnh nào đó. Chẳng hạn, Vũ Thành Công (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho hay anh chỉ mang theo các loại thuốc theo toa của bác sĩ chỉ định vì bị viêm xoang và chứng trào ngược dạ dày.

Chia sẻ ý kiến về việc sinh viên dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, anh Công cho rằng: “Các bạn trẻ chưa có nhận thức đúng và đủ về những tác hại của lối sống không lành mạnh như thức khuya, tập trung nhiều vào các màn hình điện tử… Vì vậy sức khỏe cần được xem trọng hơn và lối sống phải được căn chỉnh điều độ để tránh dùng thuốc giảm đau để có cảm giác tỉnh táo”.

Nguy cơ lạm dụng thuốc giảm đau ở sinh viên - ảnh 2
Thuốc giảm đau chứa paracetamol không gây phụ thuộc, nhưng một số người sử dụng nhiều có thể dẫn đến tình trạng “phụ thuộc tâm lý”

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH TWITTER

Phương pháp cải thiện sức khoẻ

Trả lời PV Thanh Niên, bác sĩ Bùi Hữu Khôi, công tác tại Bệnh viện Đa khoa quận Phú Nhuận (TP.HCM), cho biết những nguyên nhân khiến sức khỏe của giới trẻ ngày càng báo động là do áp lực học tập, tính chất công việc, thức khuya, ăn uống không điều độ, sử dụng công nghệ nhiều làm cho thần kinh luôn bị căng thẳng.

Trước tình trạng sử dụng thuốc giảm đau do sự tiện lợi và không quan tâm đến hậu quả của việc lạm dụng, bác sĩ Khôi nhận định vấn đề này không chỉ có ở giới trẻ, mà còn xuất hiện ở người trung niên và người già. “Việc sử dụng các loại thuốc giảm đau cần có chỉ định của bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hiệu quả và hợp lý”, bác sĩ Khôi cho hay.

Để giảm tình trạng đau đầu và căng thẳng, bác sĩ đưa ra lời khuyên dành cho bạn trẻ là nên hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ, sắp xếp công việc, học tập hợp lý và ngủ đủ giấc. “Chúng ta nên quan tâm và tăng cường sức khỏe bằng cách dành thời gian cho các hoạt động thể thao, ăn uống an toàn, khoa học và đồng thời có thời gian giải trí, thư giãn phù hợp”, bác sĩ chia sẻ.

Theo trang thông tin sức khỏe Healthline (Mỹ), các loại thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến có chứa paracetamol (còn gọi là acetaminophen) và caffeine.

Caffeine là một chất kích thích (cũng có trong cà phê), có thể cải thiện sự tỉnh táo và ngăn ngừa sự mệt mỏi trong thời gian ngắn.

Còn paracetamol không gây phụ thuộc, nhưng một số người sử dụng nhiều dẫn đến tình trạng “phụ thuộc tâm lý”, theo báo cáo của tổ chức chuyên về giảm thiểu tác hại rượu bia và thuốc ADF (Úc).

Do đó, có những người lạm dụng thuốc này thường chỉ muốn được tỉnh táo dù chỉ cảm thấy “hơi mệt” hoặc không nhức đầu đến mức phải dùng thuốc.

Thuốc có chứa paracetamol được khuyến cáo để điều trị hầu hết các triệu chứng đau từ nhẹ đến vừa và hạ sốt, ví dụ như đau đầu, đau nửa đầu, đau lưng, đau răng, đau khớp, đau bụng kinh, giảm các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm và đau họng. Sử dụng loại thuốc này quá liều khuyến cáo có thể gây độc tính trên gan, thận…

THUÝ LIỄU – KỶ HƯƠNG

TNO