653 nhà khoa học quốc tế đồng loạt phản đối việc khai thác đáy biển sâu Thái Bình Dương

653 nhà khoa học quốc tế đồng loạt phản đối việc khai thác đáy biển sâu Thái Bình Dương

Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế (ISA) cho phép một công ty Canada thử nghiệm khai thác mỏ ở đáy biển sâu thuộc Thái Bình Dương. Động thái này đã gặp sự phản đối của 653 nhà khoa học quốc tế.

 

653 nhà khoa học quốc tế đồng loạt phản đối việc khai thác đáy biển sâu Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Hình ảnh giàn khoan dầu ngoài khơi Thái Bình Dương – Ảnh: RO SCIENCE

Lần đầu tiên, Công ty Metals – công ty khai thác mỏ ở biển sâu của Canada – đã được Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế cho phép thử nghiệm máy móc khai thác khoáng sản của mình ở Thái Bình Dương.

Theo Đài ABC (Úc), Công ty Metals đã bắt đầu khảo sát một điểm khai thác giữa Mexico và Hawaii, và có kế hoạch thu thập khoảng 3.600 tấn khoáng sản trước tháng 12.

 

Nhu cầu của sự phát triển – có đáng trả giá?

Khoảng 653 chuyên gia chính sách và khoa học biển từ hơn 44 quốc gia đã ký một bản kiến ​​nghị kêu gọi tạm dừng khai thác biển sâu ở Thái Bình Dương.

Trong khi đó, các quốc đảo Thái Bình Dương đã bị giằng xé vì những phát triển gần đây. Trong khi đảo Nauru hỗ trợ cho Công ty Metals trong các nỗ lực khai thác, các đảo Kiribati và Cook đang xem xét việc khai thác dưới đáy biển ở vùng biển nội địa của riêng họ, thì đảo Tuvalu lại không thực sự hài lòng với việc khai thác đáy biển sâu.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quốc đảo Tuvalu, ông Simon Kofe, nói với Đài ABC: “Tôi cảm thấy các nước ở Thái Bình Dương khá chia rẽ về vấn đề này. Tôi không biết các đảo có thể kiếm được bao nhiêu tiền từ loại hình khai thác trên. Họ coi việc mất đa dạng sinh học biển sâu vĩnh viễn là một cái giá phải trả có thể chấp nhận được!”.

Khai thác biển sâu bao gồm việc thu hoạch khoáng sản từ đáy biển sâu 200m, trái ngược với khai thác dưới lòng đất trên đất liền.

Các khoáng chất được săn lùng nhiều nhất dưới đáy biển bao gồm các nốt đa kim, sunfua đa kim và lớp vỏ ferromangan giàu coban. Tất cả khoáng sản trên đều có thể được sử dụng để sản xuất pin sạc và điện thoại thông minh.

Kim cương, vàng, niken và các nguyên tố đất hiếm cũng có thể được khai thác từ đáy biển.

Máy khai thác thử nghiệm là một phương tiện khổng lồ len lỏi dọc theo đáy đại dương, thu thập đá và trầm tích, sau đó chúng được hút lên mặt nước thông qua một ống cáp.

 

Khi thế hệ tương lai hết tài nguyên

Ông Gavin Mudd, phó giáo sư kỹ thuật môi trường tại Đại học RMIT (Úc), nói với báo Newsweek: “Nói một cách dễ hiểu, việc cho khai thác ở đáy biển sâu gây tác động lớn tới sự đa dạng sinh học và khả năng làm tuyệt chủng một số loài sẽ xảy ra”.

Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), mối quan tâm chính của các nhà khoa học về việc khai thác dưới đáy biển sâu bao gồm sự xáo trộn lớn của đáy biển do các máy đào và đo đạc, dẫn đến sự mất mát các loài sinh vật và sự chia cắt hoặc mất mát của cấu trúc hệ sinh thái.

Máy móc cũng sẽ tạo ra các chùm trầm tích, sẽ bít các lỗ rỗng trên san hô và bọt biển. Ngoài ra, việc khai thác như vậy cũng có khả năng rò rỉ các chất hóa học ô nhiễm vào nước, ảnh hưởng đến động vật ở mọi cấp độ của chuỗi thức ăn cho con người.

Ông David Bailey, chuyên gia sinh thái biển tại Đại học Glasgow (Scotland), nói với báo Newsweek: “Để việc sử dụng được bền vững, đáy biển không nên có những tác động vĩnh viễn theo kiểu khai thác này. Nhu cầu của hiện tại không phải là cái giá phải trả của các thế hệ tương lai”.

Một tác động lớn khác có thể xảy ra là ô nhiễm tiếng ồn. Theo một bài báo đăng trên tạp chí Science, tiếng ồn có thể lên tới 160km tính từ một khu mỏ duy nhất.

GIA MINH
TTO