10/01/2025

Việt Nam và Mông Cổ ‘bắt tay’ hợp tác về nông nghiệp

Việt Nam và Mông Cổ ‘bắt tay’ hợp tác về nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Khayangaa Bolorchuluun vừa ký bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.

Việt Nam và Mông Cổ bắt tay hợp tác về nông nghiệp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Khayangaa Bolorchuluun ký bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Mông Cổ – Ảnh: ANH TUẤN

Ngày 15-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam – Mông Cổ diễn ra tại Mông Cổ từ ngày 13 tới 16-9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã thăm, làm việc và ký bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác nông nghiệp với Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Khayangaa Bolorchuluun.

Tại buổi làm việc, ông Khayangaa Bolorchuluun cho biết năm 2022, Mông Cổ có tổng đàn 67,3 triệu gia súc. Lượng gia súc có thể khai thác thương mại hằng năm là trên 20 triệu con.

Ngoài thịt, hằng năm Mông Cổ đạt sản lượng 10.000 tấn len cashmere dê, 37.000 tấn len cừu, hơn 1,3 triệu tấm da bò và ngựa. Chăn nuôi của Mông Cổ sử dụng phương thức chăn thả truyền thống có bản chất tự nhiên là hữu cơ.

Do đó, sản phẩm thịt của Mông Cổ rất đặc biệt. Bộ trưởng Khayangaa Bolorchuluun kỳ vọng hợp tác nông nghiệp, đặc biệt là hợp tác trong thương mại và đầu tư giữa Việt Nam – Mông Cổ sẽ được tăng cường trong thời gian tới.

“Thế giới ngày nay đầy biến động do đại dịch COVID-19, xung đột giữa các nước và các bất ổn tiềm ẩn khác, quan hệ giữa các nước cần cách tiếp cận mới. Trong đó các nước đều cần đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa thị trường.

Với mối quan hệ truyền thống hữu nghị 68 năm giữa Việt Nam và Mông Cổ, hai nước cần làm nhiều hơn nữa để hợp tác kinh tế phát triển tương xứng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Theo Bộ NN&PTNT, nông nghiệp Việt Nam và Mông Cổ còn rất nhiều tiềm năng để khai thác thế mạnh và thị trường của mỗi nước.

Việt Nam có thế mạnh về lúa gạo, cây công nghiệp, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ và trái cây nhiệt đới. Trong khi Mông Cổ có thế mạnh về chăn nuôi và các sản phẩm từ chăn nuôi.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, tháo gỡ các rào cản và tạo điều kiện cho các sản phẩm chăn nuôi của Mông Cổ.

CHÍ TUỆ
TTO