10/01/2025

Tại sao ta thường thấy buồn khi chuyển mùa?

Tại sao ta thường thấy buồn khi chuyển mùa?

Nhiều người có chung cảm giác buồn man mác, cảm xúc bị chùng xuống khi chuyển mùa, đặc biệt là khi từ hạ sang thu, từ thu sang đông. Vì sao vậy?

Tại sao ta thường thấy buồn khi chuyển mùa? - Ảnh 1.

Nhiều người có cảm giác buồn bã, chán nản, nhớ thương một điều gì đó mà người ta không cắt nghĩa được mỗi khi thu sang, đông về – Ảnh: GETTY

“Rối loạn cảm xúc theo mùa” là cách khoa học gọi chung cho tình trạng cảm xúc xảy ra phổ biến ở hầu hết quốc gia, đặc biệt ở những quốc gia có thời tiết theo mùa rõ rệt. Cảm giác này thay đổi ở từng người. Một số người thấy cảm xúc nhẹ nhàng lãng mạn thay đổi theo thời tiết, nhưng một số người có thể cảm thấy tâm trạng tuột dốc, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc trong thời gian đó.

Rối loạn cảm xúc theo mùa thường xảy ra trong tình trạng nhẹ vào giai đoạn đầu mùa thu và có xu hướng “chuyển nặng” hơn vào cuối thu, đầu đông. Đó cũng là thời điểm ngày trở nên ngắn hơn, ánh nắng Mặt trời rực rỡ mùa hè cùng các chuyến du lịch sôi động cũng dần kết thúc.

Ánh nắng Mặt trời đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất và tinh thần con người. Trong mùa hè, chúng ta có xu hướng ra ngoài trời nhiều hơn, tham gia vào nhiều hoạt động tập thể hơn. Những điều này giúp chúng ta cải thiện được sức khỏe thể chất và tinh thần luôn được sảng khoái, ổn định, giảm chứng trầm cảm và khiến ta tạm quên những áp lực cuộc sống khác.

Nhưng khi thu sang, đông về, ánh nắng ít hơn và chúng ta ở trong nhà nhiều hơn, giảm bớt các cuộc tụ tập, có thể dẫn đến nguy cơ trầm cảm cao hơn. Tình trạng này phổ biến nhất ở phụ nữ, trẻ hơn và những người đã bị rối loạn tâm trạng.

“Sự thay đổi cảm xúc đột ngột theo mùa vừa là nguyên nhân, vừa là triệu chứng của trầm cảm”, tiến sĩ, phó giáo sư tâm thần học Gary Maslow (Đại học Duke, Mỹ), cho biết.

Đối với trẻ em, kết thúc mùa hè và bước vào năm học với nhiều bài tập có thể khiến trẻ căng thẳng. Chuyển mùa không chỉ khiến tinh thần trẻ đi xuống mà còn là giai đoạn hệ miễn dịch yếu hơn, dễ mắc các bệnh theo mùa hơn.

Bên cạnh đó, chuyển mùa cũng làm gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể.

Nhịp sinh học là một chu kỳ vận hành tự nhiên của cơ thể người trong 24 giờ. Mọi cơ quan trong cơ thể người (bao gồm cả não bộ) đều có phản ứng với nhịp sinh học. Ngay cả ở cấp độ các gene tế bào đơn lẻ có hoạt động cũng tuân theo nhịp sinh học. Ánh sáng trong môi trường ảnh hưởng quan trọng đến nhịp sinh học của chúng ta.

Một số người có thể nhạy cảm hơn với những thay đổi trong nhịp sinh học và có nhiều khả năng bị trầm cảm trong những tháng thời tiết lạnh có ít ánh sáng Mặt trời hơn. Ở những người này, nhịp sinh học thay đổi ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, tâm trạng và thậm chí là tác động cả đến nhận thức.

Không có một giải pháp triệt để nào để không còn bị rối loạn cảm xúc theo mùa, nhưng chúng ta có thể thực hiện vài việc đơn giản để giảm tình trạng “buồn không hiểu vì sao buồn” này.

Đối với trẻ em, cha mẹ cần lưu ý những thay đổi đột ngột trong hành vi. Nếu một đứa trẻ có vẻ ủ rũ hoặc ăn kém, ít nói khi bắt đầu năm học, thì phụ huynh nên dành thời gian nói chuyện nhiều với con mình, thiết lập các trò chơi trong nhà hoặc tìm kiếm các lớp học kỹ năng sống, giúp trẻ hòa đồng hơn.

Đối với những người trưởng thành, có thể lắp thêm các thiết bị đèn chiếu sáng bắt chước ánh sáng Mặt trời trong nhà, có thể giúp điều chỉnh nhịp sinh học của họ. Ngoài ra có thể tìm kiếm nhiều thú vui khác để giảm bớt các vấn đề về tinh thần.

MINH HẢI (Theo Racv )
TTO