09/01/2025

GS Phan Thành Nam trao đổi về học toán, dạy toán hiện nay

GS Phan Thành Nam trao đổi về học toán, dạy toán hiện nay

GS Phan Thành Nam, người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng của Hội Toán học châu Âu (năm 2020), trao đổi với các giáo viên dạy toán và học sinh về học toán, dạy toán hiện nay.

GS Phan Thành Nam trao đổi về học toán, dạy toán hiện nay - Ảnh 1.

GS Phan Thành Nam trao đổi về dạy toán, học toán hiện nay – Ảnh: DUY THANH

Chiều 9-9, tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), GS Phan Thành Nam (37 tuổi, quê Phú Yên, hiện là giáo sư của Đại học Ludwig Maximilian Munchen – Đức) có buổi trao đổi với hơn 100 giáo viên dạy toán THPT, THCS ở tỉnh Phú Yên và học sinh các đội tuyển học sinh giỏi của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.

Sau khi thực hiện một bài giảng chuyên sâu về toán học, GS Nam chia sẻ về tư duy học và dạy môn toán. Ông cho rằng nếu học đúng cách, hiểu được bản chất khái niệm, thì luôn có thể làm cho toán sâu sắc và thú vị, lúc đó học toán như một sự thưởng thức.

Theo nhận định của ông, trước sức ép của các kỳ thi, học sinh buộc phải học theo kiểu làm thật nhiều bài tập để hiểu khái niệm, trong khi cách học toán đúng là phải hiểu khái niệm để làm bài tập.

“Khi bạn tìm tòi để hiểu bản chất thì điều đó giúp mình đi xa hơn, không bị ràng buộc bởi kiến thức từ một cuốn sách cụ thể” – GS Nam chia sẻ.

GS Phan Thành Nam trao đổi về học toán, dạy toán hiện nay - Ảnh 2.

Các giáo viên dạy toán THPT, THCS ở Phú Yên tham dự buổi trao đổi với GS Phan Thành Nam – Ảnh: DUY THANH

GS Phan Thành Nam nói ông nhận thấy với toán học, bậc phổ thông tại Việt Nam dạy tốt hơn mặt bằng chung của thế giới. Tuy nhiên, khi lên đại học thì sinh viên Việt Nam lại có trình độ toán không bằng thế giới.

Lấy ví dụ tại Đức, nơi ông đang sinh sống và là giáo sư đại học, GS Nam cho hay chủ thể của bài giảng trong lớp là học sinh, sinh viên chứ không phải giáo viên.

GS Phan Thành Nam trao đổi về học toán, dạy toán hiện nay - Ảnh 3.

Một học sinh lớp 12 chuyên toán của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh đặt câu hỏi với GS Phan Thành Nam về tư duy phản biện – Ảnh: DUY THANH

Theo đó, điều thứ nhất, học sinh, sinh viên phải tự đọc và tự học, giáo viên làm người hướng dẫn, có thể làm mẫu một vài nội dung, nhưng học sinh phải lập các nhóm, cử đại diện trình bày và trao đổi.

Thứ hai, khả năng phản biện gần như là bắt buộc đối với học sinh, sinh viên. Theo ông, ở Việt Nam, cách học hiện tại là “nhồi” kiến thức, giáo viên dành nhiều thời gian để dạy, còn học sinh thì hầu như chỉ tiếp thu kiến thức từ thầy và sách.

“Ở nước ngoài, thỉnh thoảng thầy giáo phải giả bộ nói sai để học sinh phản biện. Tranh luận thoải mái luôn là cách làm sáng tỏ vấn đề, ý tưởng” – GS Nam nói.

Thứ ba là ở nước ngoài rất khuyến khích học sinh học nhóm. “Riêng môn toán ở Munich, các bài tập về nhà, học sinh được phép thảo luận để giải nhưng mỗi người phải tự viết lời giải riêng của mình.

Thảo luận nhóm rất hữu ích khi các bạn học giỏi sẽ thể hiện được khả năng hiểu biết của mình để hỗ trợ cho bạn yếu hơn, vừa kích thích cho nhiều bạn nỗ lực học giỏi để là người chia sẻ, vừa giúp các bạn yếu nâng cao trình độ vì hỏi bạn luôn dễ hơn hỏi thầy” – GS Nam cho biết.

 

Trình độ toán học Việt Nam đã tiệm cận thế giới

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, GS Phan Thành Nam nói rằng cá nhân ông nhận thấy trình độ toán học của Việt Nam tiệm cận với thế giới. Đó là một điểm rất đặc biệt. So với những nước có trình độ phát triển kinh tế tương đương thì gần như không có bất cứ quốc gia nào đạt được thành tựu về toán tương tự như Việt Nam.

“Vấn đề duy nhất là Việt Nam cần cải thiện để đạt được đẳng cấp toán học quốc tế đó là những đề tài trong nghiên cứu. Thường là các giáo sư, nhóm nghiên cứu tập trung vào đề tài đã có trước đó trong thời gian dài, họ cần có mối cộng tác, thảo luận với các nguồn nghiên cứu chính thống trên thế giới.

Còn về năng lực nghiên cứu thì tôi hoàn toàn tin tưởng, đặc biệt là lớp kế cận, những em học sinh rất giỏi, như vừa rồi có một bạn lớp 11 đã đoạt huy chương vàng toán quốc tế với số điểm tuyệt đối 42/42” – GS Nam nói.

GS Nam cũng cho rằng về lâu dài Việt Nam phải xem xét lại việc học và thi vì hiện tại quá chú trọng đến kỹ năng thi, trong khi đáng ra là phải thiết kế một chương trình học hợp lý và thi phải phụ thuộc vào việc học.

DUY THANH
TTO