26/12/2024

Bất động sản chờ tháo các nút thắt

Bất động sản chờ tháo các nút thắt

Không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, công khai minh bạch thông tin quy hoạch…, những nội dung trong Chỉ thị 13/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29.8.2022 được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2022 sáng hơn so với tình hình ảm đạm hiện nay.

 

 

 

Không siết tín dụng bất hợp lý

Vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp (DN) quan tâm và hy vọng nhất chính là chỉ đạo “không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước”. Bởi từ đầu năm tới nay, tín dụng vào thị trường này hết sức eo hẹp, cả với người mua nhà lẫn chủ đầu tư. Đặc biệt, có khá nhiều quan điểm mới về bất động sản (BĐS) được thể hiện trong Chỉ thị 13/CT-TTg (Chỉ thị 13).

Bất động sản chờ tháo các nút thắt - ảnh 1
 Doanh nghiệp bất động sản hy vọng từ Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ, các nút thắt về dòng vốn sẽ dần được khơi thông ĐÌNH SƠN

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nhận xét Chỉ thị 13 với tầm nhìn hệ sinh thái BĐS liên quan đến nhiều ngành nghề khác như thị trường vốn, hàng hóa, lao động… Đây là quan điểm mới và mục tiêu đặt sự an toàn, lành mạnh, bền vững lên hàng đầu. Đối với các DN cần thêm sự minh bạch và công bằng để hội nhập thế giới, để mọi chủ thể đều “cân đo đong đếm được” đầu vào, đầu ra. Theo ông Châu, những kiến nghị của HoREA và DN mong muốn không siết tín dụng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, nhưng cũng phải xử lý các DN làm ăn không đúng, không minh bạch để bảo vệ khách hàng, nhà đầu tư nhỏ lẻ. Điểm mấu chốt nữa là không hình sự hóa quan hệ kinh tế – dân sự; tập trung làm nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, nhà giá rẻ. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược để phát triển thị trường, đẩy mạnh đô thị hóa cũng được Thủ tướng chỉ đạo thực hiện trong chỉ thị này. Bởi khi hạ tầng đi đến đâu, kinh tế – xã hội phát triển đến đó, người dân được hưởng lợi rất nhiều.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS VN, cũng cho rằng Chỉ thị 13 lần này đã nêu rõ thị trường BĐS có vai trò quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Trước đây chưa có chỉ thị nào nhắc đến điều này. Dù Chỉ thị 13 chưa phải là những quy định pháp luật cụ thể để có thể tháo gỡ ngay những điểm nghẽn hiện tại cho thị trường, nhưng về cơ bản, chỉ thị này cho thấy Chính phủ thực sự quan tâm đến những khó khăn thị trường của DN. Đây là điều hết sức quan trọng để hiện thực hóa những chỉ đạo, điều hành thực tế tiếp theo và mang đến hy vọng xốc lại sự phát triển của lĩnh vực này.

 

Nút thắt vốn sẽ được khơi thông?

Cũng theo TS Nguyễn Văn Đính, trước đây mặc dù có sự liên đới nhưng vấn đề tương trợ giữa thị trường vốn với thị trường BĐS chưa được chú trọng. Thực tế, đã có sự lệch pha giữa các thị trường này, dẫn đến tình trạng phát triển thiếu đồng bộ, trong đó thị trường vốn chưa hỗ trợ kịp thời khi các kênh dẫn vốn vào ngành BĐS đang ách tắc. Đồng thời vẫn tồn tại những bất cập ở chiều ngược lại. Do đó, Chỉ thị 13 của Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh vai trò liên kết quan trọng giữa hai thị trường này, gợi ý việc mở cửa thông thoáng hơn cho các kênh dẫn vốn vào lĩnh vực BĐS.

Hiện ngành BĐS đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn phục vụ các mục tiêu tăng trưởng cuối năm cũng như kế hoạch dài hạn. Thị trường có nguy cơ đổ vỡ nếu không nhanh chóng có những chỉ đạo và các giải pháp cụ thể. Chỉ thị 13 đã kịp thời đưa ra các chỉ dẫn cụ thể, nâng cao tinh thần, quan điểm, đốc thúc các bộ ngành nhanh chóng giải quyết các ách tắc đang diễn ra.

“Việc huy động vốn của một số DN BĐS thời gian qua có dấu hiệu thiếu minh bạch, có những vi phạm khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của thị trường. Do đó, việc chỉ đạo của Chính phủ hướng đến một thị trường vốn an toàn, bền vững là điều cần thiết. Song việc kiểm soát cần khéo léo, tránh ảnh hưởng đến việc huy động vốn chung của toàn bộ thị trường. Chỉ thị lần này đã giao rõ trách nhiệm cho Bộ Tài chính tạo điều kiện, không làm cản trở các DN có đủ năng lực, có kết quả hoạt động kinh doanh tốt trong việc huy động vốn phục vụ mục tiêu phục hồi, phát triển. Điều này vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh dòng vốn đang có những ách tắc chung trên toàn thị trường. Hy vọng sau chỉ đạo này, các nút thắt về dòng vốn sẽ dần được khơi thông, trước hết là đối với các DN có triển vọng và các lĩnh vực ưu tiên”, ông Nguyễn Văn Đính phân tích.

Một điều nữa khiến DN “mát lòng” là việc chỉ đạo cắt giảm, sửa các quy định gây khó khăn cho DN, cho thị trường trong Chỉ thị 13. Hiện rất nhiều chủ đầu tư đang loay hoay trước những vướng mắc về thủ tục hành chính, các điều khoản luật chồng chéo, dẫn đến dự án chậm tiến độ, đội vốn. Thông qua chỉ thị này, Chính phủ đã chỉ rõ những khó khăn đó, và đây là điểm đáng mừng. Vấn đề còn lại là hoạt động tháo gỡ trong thực tiễn. Những bất cập trong thủ tục hành chính cũng được Thủ tướng giao tiếp cho Bộ Kế hoạch – Đầu tư chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đề xuất giải pháp tháo gỡ. “Chúng tôi mong muốn giới hoạch định chính sách BĐS, đất đai, quy hoạch sẽ đưa ra những giải pháp đúng đắn, kịp thời để thị trường phát triển. Trong đó, lưu ý chính sách không chỉ giải quyết trước mắt, phải giải quyết những vấn đề căn bản, cốt lõi của nền kinh tế, thị trường”, ông Đính nói.

Các DN kỳ vọng sau chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ, những khó khăn vướng mắc sẽ được giải quyết để thị trường BĐS có thể hồi sinh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài theo hướng xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, hiệu quả để bảo đảm liên thông, an toàn, chắc chắn giữa các thị trường vốn với thị trường BĐS. Đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường BĐS; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách tạo động lực, xung lực mới cho phát triển thị trường. Kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, chú ý các hành vi trốn thuế trong kinh doanh BĐS, không để đổ vỡ, bảo vệ những người làm đúng; bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

(trích Chỉ thị 13/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29.8.2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững)

ĐÌNH SƠN

TNO