28/12/2024

Hàn Quốc tìm cân bằng trong cuộc đua Mỹ – Trung

Hàn Quốc tìm cân bằng trong cuộc đua Mỹ – Trung

Những tranh cãi về Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ triển khai tại Hàn Quốc bất ngờ nóng trở lại sau chuyến thăm khá suôn sẻ của ngoại trưởng Hàn Quốc đến Trung Quốc tuần này.

 

 

 

Hàn Quốc tìm cân bằng trong cuộc đua Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Hệ thống THAAD của Mỹ lắp đặt tại Hàn Quốc năm 2017 – Ảnh: SPUTNIK

Trong tuần, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã có cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại thành phố Thanh Đảo. Sau cuộc gặp ngày 9-8, ông Vương tuyên bố ủng hộ việc phát triển quan hệ song phương hướng đến nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Tuy nhiên, vẫn còn điểm bất đồng lớn giữa hai nước láng giềng Bắc Á.

 

“Chuyện không cần phải bàn”

Ngày 11-8, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết việc hệ thống THAAD của Mỹ được triển khai ở nước này không phải là chuyện cần bàn bạc với Trung Quốc.

“Chính phủ của chúng tôi đã nói rõ rằng THAAD là công cụ phòng thủ tự vệ, nhằm bảo vệ cuộc sống người dân và an toàn trước các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên, đây là một vấn đề về chủ quyền an ninh mà không bao giờ nên tranh luận nữa” – Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức văn phòng tổng thống Hàn Quốc nói.

Theo đó, chính quyền Tổng thống Yoon sẽ “bình thường hóa” hoạt động của căn cứ tên lửa THAAD vào cuối tháng 8-2022.

Trước đó ngày 10-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đơn phương tuyên bố Hàn Quốc đã đồng ý hạn chế hoạt động của tổ hợp THAAD ở Seongju, bên cạnh việc tuân thủ nguyên tắc “3 không” mà Seoul cam kết dưới thời cựu tổng thống Moon Jae In.

Nguyên tắc này bao gồm: không triển khai thêm hệ thống THAAD ở Hàn Quốc, không tham gia mạng lưới phòng thủ tên lửa do Mỹ dẫn đầu, và không gia nhập liên minh quân sự 3 bên với Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, Seoul lập tức bác bỏ tuyên bố. Ông Park nêu rõ lại quan điểm của Hàn Quốc và khẳng định không có hứa hẹn hay thỏa thuận chính thức nào giữa hai nước.

“Về vấn đề THAAD, tôi nói đây là phản ứng của Seoul với mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, là phương tiện tự vệ và là vấn đề an ninh, chủ quyền của chúng tôi. Ngoài ra, tôi cũng nói rõ rằng cái gọi là “3 không” không phải là một thỏa thuận hay một lời hứa”.

Quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc từng có bước lùi vào năm 2016, thời điểm Seoul tuyên bố triển khai hệ thống THAAD và Bắc Kinh đáp trả bằng việc hạn chế thương mại và xuất khẩu văn hóa từ Seoul.

Theo Trung Quốc, hệ thống rađa rất mạnh của THAAD có thể đặt nước này vào tầm ngắm và việc triển khai hệ thống này tại Hàn Quốc “phá hoại lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc”.

Nỗ lực “đi dây”

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã rất chật vật để cân bằng trong quan hệ giữa đồng minh Mỹ và đối tác quan trọng là Trung Quốc khi sự cạnh tranh giữa hai cường quốc ngày càng căng thẳng.

Khi nhậm chức vào tháng 5-2022, ông Yoon cam kết sẽ thúc đẩy liên minh quân sự của Hàn Quốc với Mỹ và có đường lối cứng rắn hơn với các hành động khiêu khích của Triều Tiên. Seoul có lý do chính đáng để tránh làm mất lòng Bắc Kinh khi năm nay kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương trong khi hợp tác về thương mại, công nghiệp đang tăng nhanh chóng.

Theo giới quan sát, không thời điểm nào thuận lợi hơn để “khởi động lại” quan hệ hai nước khi Seoul vừa có chính quyền mới.

Tuy nhiên, tân tổng thống Hàn Quốc coi THAAD là “tấm lá chắn” mấu chốt để đối phó tên lửa của Bình Nhưỡng. Khi tranh cử, ông Yoon cũng cam kết mua một hệ thống THAAD khác. Dù vậy kể từ khi nhậm chức, chính phủ của ông chỉ tập trung vào “bình thường hóa” hoạt động của hệ thống đã có do Mỹ sở hữu và vận hành.

Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố “phủ đầu” của Bắc Kinh nhằm gây áp lực lên chính quyền ông Yoon, vốn đang thúc đẩy quan hệ liên minh với Mỹ và “bình thường hóa” hoạt động của hệ thống THAAD. Hệ thống này hiện vẫn đang ở trạng thái lắp đặt “tạm thời” trong lúc chờ đánh giá tác động môi trường.

Trong khi đó, theo một số ý kiến, việc phủ nhận “3 không” với Trung Quốc cũng là một phần chiến lược của Seoul nhằm cân bằng với chuyến thăm mới đây của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Hàn Quốc.

Sau cuộc gặp ở Thanh Đảo, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ca ngợi ông Yoon đã thể hiện đường lối “ngoại giao độc lập và hợp lý đối với Trung Quốc” bằng cách không gặp trực tiếp bà Pelosi.

Tuy nhiên, tờ báo này vẫn không quên cảnh báo vấn đề THAAD là “mối nguy tiềm ẩn lớn không thể tránh khỏi trong quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc”.

“Giàn phóng (tên lửa) hiện tại không được chế tạo để đóng bất cứ vai trò nào trong hệ thống phòng thủ của Mỹ, mà được đặt ở vị trí chỉ để bảo vệ bán đảo Triều Tiên”, Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong Sup khẳng định rađa của hệ thống THAAD không thể được sử dụng để chống lại Trung Quốc và chính sách của Seoul cũng sẽ không thay đổi vì sự phản đối của Trung Quốc.

TRẦN PHƯƠNG
TTO