24/11/2024

Chỉ định thầu dự án giao thông quan trọng: Tăng quyền nhưng phải giám sát

Chỉ định thầu dự án giao thông quan trọng: Tăng quyền nhưng phải giám sát

Cần phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền chỉ định thầu cũng như xác định rõ các tiêu chí lựa chọn nhà thầu, đảm bảo công khai, minh bạch và tránh lạm dụng chỉ định thầu nhằm thúc đẩy nhanh hơn các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

 

 

Chỉ định thầu dự án giao thông quan trọng: Tăng quyền nhưng phải giám sát - Ảnh 1.

Dự án đường cao tốc Bắc – Nam qua địa phận Ninh Bình – Thanh Hóa là công trình trọng điểm – Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH

Nhiều chuyên gia đã khuyến cáo như vậy khi góp ý cho dự thảo về cơ chế đặc thù chỉ định thầu với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025, đang được Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

 

Lúng túng trong thực hiện do vướng cơ chế

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng nghị quyết số 18 của Chính phủ về thẩm quyền chỉ định thầu của Thủ tướng Chính phủ, phân trách nhiệm của Thủ tướng quyết định chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần (thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A) là chưa phù hợp với thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định về đấu thầu.

Nghị quyết này cũng chưa xác định rõ nội dung, hình thức quyết định chỉ định thầu của Thủ tướng, là quyết định áp dụng chỉ định thầu hay quyết định tên nhà thầu cụ thể được chỉ định. “Vướng mắc này khiến các bộ, ngành và địa phương lúng túng, chưa chủ động để thực hiện chỉ định thầu theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ”, vị này nói.

Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương còn lúng túng trong việc triển khai chỉ định thầu theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là việc xác định tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu để đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có tiềm lực mạnh và uy tín để sử dụng tối đa năng lực quản trị, năng lực tài chính, kinh nghiệm của doanh nghiệp…

Một lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho rằng đối với các gói thầu xây lắp có quy mô lớn của dự án đường cao tốc Bắc – Nam, với giá trị từ 4.700 – 14.200 tỉ đồng, sẽ khó lựa chọn được nhà thầu nếu áp dụng các tiêu chí về năng lực và kinh nghiệm theo quy định hiện hành.

“Đơn cử như quy định hợp đồng tương tự có giá trị hơn 70% giá gói thầu là khó khả thi, bởi quy mô các gói thầu xây lắp đã thực hiện trước đây không đủ lớn. Thực tế từ năm 2017 đến nay chỉ có 3 nhà thầu xây lắp thực hiện công trình giao thông có giá trị 2.000 tỉ đồng, 2.327 tỉ đồng và 4.670 tỉ đồng”, vị này nói.

Để tháo gỡ vấn đề này, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã ban hành thông tư số 08 quy định các tiêu chuẩn đánh giá theo hướng linh hoạt, tạo thuận lợi cho nhà thầu chứng minh năng lực.

Đơn cử, quy định giảm giá trị yêu cầu đối với hợp đồng tương tự từ 70% như trước đây xuống còn 50% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét, không đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt, không bắt buộc nhà thầu phải đính kèm chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng…

Trường hợp gói thầu đặc thù không có nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu về doanh thu bình quân hằng năm, hợp đồng tương tự thì chủ đầu tư, bên mời thầu được chỉnh sửa để phân chia gói thầu, nhưng phải đảm bảo tính hợp lý, quy mô gói thầu không quá lớn để hạn chế cạnh tranh; nhà thầu được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu.

 

Tăng cơ chế giám sát, công khai minh bạch

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Chủng, chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), cho rằng trong bối cảnh thực hiện nhiều dự án như hiện nay, để khơi thông cho các dự án trong triển khai thực hiện, việc thực hiện chỉ định thầu là một lựa chọn phù hợp.

Tuy nhiên, dù chỉ định thầu hay đấu thầu đều phải đảm bảo yêu cầu về năng lực, chuyên môn, tài chính và phải đảm bảo tính công khai trong thực hiện.

“Không thể giảm bớt những tiêu chuẩn đã được quy định về chuyên môn, năng lực thiết kế, thi công, kinh nghiệm triển khai các công trình giao thông, có những cán bộ chỉ huy, cá thể hóa những người đã thực hiện dự án hiệu quả trước đây. Việc chỉ định phải thực hiện minh bạch, công khai để cho xã hội và đối thủ cạnh tranh cùng kiểm soát xem năng lực của nhà thầu được lựa chọn có chính xác hay không”, ông Chủng cho hay.

Về trách nhiệm của các cơ quan chức năng có vai trò quyết định trong chỉ định thầu, ông Chủng cho rằng dù đã phân định trách nhiệm của Thủ tướng và các cơ quan liên quan trong thẩm quyền, tuy nhiên vẫn cần nâng cao vai trò của các cơ quan, đơn vị tham mưu đề xuất; phải có cơ sở, lý lẽ rõ ràng trong các đề xuất để nâng cao tính trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn.

Việc quyết định chỉ định thầu với các dự án quan trọng quốc gia cũng phải trên cơ sở các cơ quan có chuyên môn tham mưu, đảm bảo tính thuyết phục để lựa chọn chỉ định thầu là đúng quy định.

TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu) Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho rằng việc mở rộng phân cấp chỉ định thầu với nhiều dự án giao thông quan trọng như đường cao tốc Bắc – Nam hay các dự án hạ tầng giao thông trong chương trình phục hồi kinh tế – xã hội là cơ chế đặc biệt trong bối cảnh triển khai nhiều dự án giao thông như hiện nay.

Dù nhiều quan điểm cho rằng chỉ định thầu tiết kiệm thời gian, nhưng ông Hùng cho rằng là “cực chẳng đã”, trường hợp quá cần thiết mới phải thực hiện chỉ định thầu.

Do vậy, quá trình thực hiện phải tăng cường khâu giám sát, thiết kế hồ sơ mời thầu, quá trình thực hiện phải đáp ứng các yêu cầu trong khâu thẩm định để lường trước các rủi ro. Cần thiết phải có một ban chuyên môn, cơ quan thẩm định độc lập các dự án chỉ định thầu.

“Quan trọng nhất chỉ định thầu là khâu thiết kế, dự toán và ai là người chịu trách nhiệm. Giờ chỉ định thầu, ai sẽ chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt phải làm cho tốt. Vai trò ban giám sát hay cơ quan chuyên môn trong khâu thẩm định, thiết kế, tổng mức đầu tư dự toán cho dự án cần được tăng cường hơn để đảm bảo hiệu quả thực hiện”, ông Hùng đề nghị.

 

Phải ngăn ngừa việc lạm dụng chỉ định thầu

Theo dự thảo về thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, do Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng, bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh sẽ có vai trò quyết định đầu tư, có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu trong lựa chọn nhà thầu.

Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát công tác lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, tiêu cực và có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả của việc chỉ định thầu.

Dự thảo cũng yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nhà thầu được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật khả thi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, để triển khai cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, vẫn cần có hướng dẫn cụ thể làm cơ sở thực hiện, tránh việc lạm dụng và không đảm bảo tính công khai minh bạch, lựa chọn nhà thầu kém năng lực thực hiện.

NGỌC AN
TTO